1). Hình thức của nghiệp: Có hai thứ:
1- Vật chịu nghiệp: Có hai sự thực
- Về vật chất: Sự thực vật chất như cái ghế, cái nhà, con bò, con chim, cái xe v.v… Sự thực này biểu hiện rõ ràng, tức bản chất của nó.
- Về vi thể: Sự thực không biểu hiện khó thấy, trừu tượng, như phân tích cái ghế, cái nhà, con bò, con chim, cái xe, ta chỉ thấy những nguyên tử, tế bào, và năng lực tính chất kết hợp lại mà thành những thứ ấy; sự thực không biểu hiện là sự thực cuối cùng, tức bản thể của mỗi sự vật.
Khi một sinh vật như người, con bò, con chim hiện hữu, luôn luôn biến đổi không ngừng, không thể tồn tại y hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp nhau, nghiã là ở khắc sau khác với khắc trước đó. Do đó không có một thực thể đơn thuần đồng nhất,
không có một người cố định, mà chỉ có hành động, có tri giác, có thức, mà không có người hành động, không có người tri giác, không có người ý thức. Tác ý hay ý muốn là động cơ phát xuất hành động nghĩ nói làm, là kẻ tạo nhân, cảm giác thụ hưởng là kẻ nhận quả.
Ngoài hai cái đó không có người gây nhân hay kẻ nhận quả. Cũng như một người do năm Uẩn (Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức) hợp lại, khi quả lành hay quả dữ xuất hiện, ta nói là may mắn hay xui xẻo.
2- Các loại nghiệp: Có hai loại nghiệp:
- Biệt nghiệp: Là nghiệp chỉ gây ra bởi một cá nhân, và khi nhận quả cũng chỉ một mình cá nhân ấy nhận lãnh.
- Cộng nghiệp: Nhiều người cùng nhau gây nhân cùng lúc, đến khi nhận quả mọi người cùng nhau nhận lãnh. Cộng nghiệp còn gọi là nghiệp chung, do cộng nghiệp mà những người cùng chung trong một điều kiện, một nước, một địa phương, một xóm, một tập thể, một chuyến máy bay, một chuyến xe phải chịu chung một bất hạnh, hay được một may mắn.
Dĩ nhiên trong cộng nghiệp vẫn có biệt nghiệp riêng của mỗi người, như xe bị tai nạn có người chết, có người bị thương, nhưng cũng có người không hề hấn gì v.v…
2). Hành động thiện ác gây nghiệp báo.
1- Hành động thiện tạo quả lành: Sinh lên cõi Trời, cõi Thần hoặc cõi Người được giàu sang, địa vị quyền uy, mạnh khỏe sống lâu. Các hành động thiện như:
- Bố thí, có lòng quảng đại giúp đỡ người về mọi phương diện.
- Trì giới, tránh làm ba điều ác về thân, bốn điều ác về miệng, và ba điều ác về ý.
- Phục vụ tôn kính người đáng được phục vụ, đáng được tôn kính.
- Vui vẻ hoan hỷ vui mừng khi thấy người khác được phúc báo tốt đẹp.
- Học hỏi các điều hay lẽ phải trong Phật pháp, tu hành và giáo hóa chúng sinh.
- Giữ gìn vẹn toàn chính kiến không để quên và không để ái dục vô minh lung lạc.
- Nhớ nghĩ đến chúng sanh và hồi hướng phúc đức cho tất cả chúng sinh.
2- Hành động ác gây nghiệp dữ:
Các hành động ác như:
- Sát sinh: Giết hại tùy theo là bậc chân tu hay người thường, hoặc tùy theo sinh vật lớn hay nhỏ mà bị quả báo nặng hay nhẹ khác nhau. Sau khi chết đọa sinh vào Địa ngục, Súc sinh, hay trở lại làm người bị chết yểu, bệnh tật, hoạn nạn, chia ly, lo sợ, buồn rầu v.v…
- Trộm cướp: Lấy của không cho mà lấy từ tiền bạc, của cải, đến vật dụng v.v… tùy theo nặng nhẹ bị quả báo tương ưng, khi chết sinh vào cõi dữ. Nếu được tái sinh làm người phải làm việc khó nhọc, nghèo hèn, thất vọng, mất mát của cải, hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, nghi kị bất hòa, cãi nhau, đánh nhau, không sao ngóc đầu lên được.
- Tà dâm: Hãm hiếp, dùng thủ đoạn lường gạt ái tình, trộm cướp hạnh phúc của người, gian dâm. Nếu được tái sinh làm người có vợ (chồng) không chung thủy, gia đình không hạnh phúc, có nhiều kẻ thù v.v…
- Nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác, có nói không, không nói có, lừa gạt người. Cùng một việc nói với người này thế này, nói với người kia thế khác; nói thêm bớt không đúng sự thật, nói bóng nói gió đâm thọc; chửi bới tục tằn, nguyền rủa thậm tệ.
Nếu được tái sinh làm người hay bị vu oan, nói không ai tín nhiệm tin cẩn, hay bị bệnh ở miệng, miệng hôi. Thân quyến xích mích, bạn bè xa lánh, và có nhiều người chống đối. Lại phải nghe những lời tục tằn thô lỗ độc ác v.v…
- Uống rượu: Uống rượu say có thể gây cả bốn nghiệp trên, hiện đời dễ mắc bệnh, chết sớm, gia đình mất hạnh phúc đi đến nghèo, con cái yếu đuối kém thông minh, kiếp sau làm người ngu dốt, mất trí, điên dại.
- Tham lam đố kị: Tham lam đủ thứ, thèm muốn lợi danh của người khác, luôn luôn chấp lòng ganh tị với kẻ khác. Nếu sinh làm người, sẽ là người không có ảnh hưởng, nói gì, làm gì cũng không có người theo, và ái dục tăng trưởng mạnh làm cho người ấy càng đi sâu vào tội lỗi, gây thêm nghiệp ác.
- Sân hận: Thô lỗ, cục cằn, luôn giận dữ, nhăn nhó, khó chịu. Người có tính sân giận hay gây gỗ, tìm đủ cách để bắt bẻ người, gây thù kết oán; thường sau khi chết làm loài qủy dữ, nếu được tái sinh làm người có thân hình xấu xí, mặt mũi khó coi, tính nết không ai ưa, và tính sân hận càng tăng trưởng gây thêm nghiệp xấu.
- Ngu si tà kiến: Người không chịu học hỏi tìm hiểu nghiên cứu, không chịu gần người có tài có đức để học hỏi các điều phải trái lành ác; vì vậy hiểu biết sai lầm, những điều sai cho là đúng, những điều đúng cho là sai; như không tin nhân quả nghiệp báo, không tin luân hồi sinh tử. Sau khi chết đọa vào cõi dữ, nếu được làm người sẽ là người tâm thần mê mẩn, ngu ngu khờ khờ, hoặc bệnh hoạn liên miên.
- Kiêu ngạo ngã mạn: Không tôn trọng người đáng tôn kính, tự tôn tự đại, khinh người, coi trời bằng vung, coi mọi người như cỏ rác, và không biết phục thiện; khi chết đọa vào ác đạo, khi được trở lại cõi người nghèo nàn khốn khổ, bị người khinh rẻ, không dám ngẩng đầu lên.
- Keo kiết bủn xỉn: Dù giàu dù nghèo mà suốt đời keo kiết từng đồng, không cho dù với chút ít, từ phẩm vật, của cải, tiền bạc, đến lời chỉ bảo lợi ích. Người ấy: sống keo kiết ích kỷ, và không có lòng thương người nghèo nàn khốn khổ; người ấy sau khi chết sinh vào cõi dữ, tái sinh vào nhân gian làm người nghèo hèn không của cải.
3). Kinh Nhân Qủa:
Để hiểu rõ về nhân qủa, chúng ta lược trích một đoạn Kinh đức Phật giảng dạy vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ như sau: Một hôm vua Ba Tư Nặc đến viếng đức Phật tại đạo tràng Kỳ Hoàn, sau khi cúi đầu lễ dưới chân Phật, Vua ngồi vào chỗ, liền hỏi thăm sức khỏe và hỏi Phật:
- Thưa Thế Tôn, các người qúy phái (Bà la môn) sau khi chết rồi sẽ trở lại sinh vào dòng qúy phái không, và các người dòng vua chúa quyền bính (Sát lợi), dòng nông công thương (Thủ đà la), dòng tôi tớ nô lệ (Chiên đà la) cũng thế chăng?
- Đại Vương, đâu được như vậy, Đại Vương nên biết có bốn hạng người, đó là:
1- Người từ tối vào tối:Có người sinh vào nhà nghèo túng, làm các nghề hạ tiện, thân thể xấu xa, chết yểu, bị người sai làm các việc hạ tiện, đó gọi là tối. Ở trong chỗ tối, người ấy lại thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; do nhân ác, khi chết sẽ sinh vào cõi dữ; ví như người dùng máu rửa máu, như thế là người từ tối vào tối.
2- Người từ tối vào sáng: Có người sinh vào nhà ty tiện nghèo hèn, làm nghề hạ tiện, đó gọi là tối; nhưng người ấy ở chỗ tối thân làm lành, nói lời chân thật, ý nghĩ điều tốt. Do nhân duyên lành, khi chết sinh vào chỗ tốt, lên trời hoặc vào nhà giàu sang quyền qúy. Ví như người từ ngựa bước lên voi, như người từ tối vào sáng.
3- Người từ sáng vào tối: Có người được sinh vào nhà giàu có tiền của, thân đẹp đẽ, được ăn học, có tôi tớ sai bảo, đó gọi là sáng. Ở trong chỗ sáng này, thân làm việc ác, miệng nói những lời dối trá, ý nghĩ điên đảo ác độc; do nhân duyên bất thiện, khi chết sinh vào cõi dữ địa ngục; ví như người từ nhà lầu xuống ở bờ ở bụi, như từ sáng vào tối.
4- Người từ sáng vào sáng: Có người sinh vào chỗ giàu sang, lắm tiền nhiều của, thân hình đẹp đẽ, có người sai bảo, ăn học tới nơi tới chốn, đó gọi là sáng. Ở trong chỗ sáng này lại thân làm việc thiện, nói lời ngay thẳng chính trực phải đạo, ý nghĩ cứu giúp chúng sinh. Do nhân lành, khi chết hóa sinh lên cõi trời. Ví như người từ nhà lầu đến nhà lầu cao đẹp hơn, như người từ sáng vào sáng.
IV). Báo ứng của nghiệp:
1). Tác động của nghiệp báo.
Căn cứ trên tác động của nghiệp quả, chia ra bốn loại:
1- Nghiệp hiện hành tái tạo: Nghiệp có năng lực mạnh lúc chết, liền sau khi chết phải thụ sinh vào cõi lành hay cõi dữ tùy theo nghiệp. Thường thường, tư tưởng cuối cùng của một người ảnh hưởng bởi phẩm hạnh của người ấy trong suốt đời sống, nhưng cũng có khi hoàn cảnh ngoại lai ảnh hưởng đến người ấy lúc lâm chung, làm cho tư tưởng người ấy biến đổi.
Tư tưởng cuối cùng ấy tạo điều kiện cho sự tái sinh kế tiếp, trong trường hợp này, đời sống hàng ngày không ảnh hưởng đến sự tái sinh, nhưng nó vẫn không mất, và sẽ xuất hiện vào lúc khác; những sự thay đổi này đã giải thích vì sao trong một gia đình, các người con tính nết không giống nhau.
2- Nghiệp trợ duyên: Nghiệp hiện hành tái tạo khi có nghiệp quá khứ chen vào để trợ lực hay duy trì gọi là nghiệp trợ duyên.
3- Nghiệp phản duyên: Nghiệp hiện hành tái tạo khi có nghiệp quá khứ chen vào để làm suy giảm hay cản trở, gọi là nghiệp phản duyên.
4- Nghiệp tiêu diệt: Khi nghiệp hiện hành tái tạo bị nghiệp quá khứ mạnh và ngược chiều, có thể tiêu diệt hoàn toàn nghiệp hiện hành đáng lẽ trổ quả, nên còn được gọi là nghiệp vô hiệu lực.
2). Thời gian báo ứng:
Thời gian nhân trổ qủa có ba loại:
1- Hiện nghiệp: Nghiệp hiện tại lại chia ra hai loại:
- Quả lành trổ trong kiếp hiện tại: Có những quả lành trổ ngay trong kiếp hiện tại, ví như học sinh chăm học, đi thi đậu vậy.
- Quả dữ trổ trong kiếp hiện tại: Có những quả dữ trổ ngay trong kiếp hiện tại, ví như làm ác giết người, trộm cắp, bị bắt bỏ tù giam giữ.
2- Hậu nghiệp: Những nghiệp trổ trong các kiếp về sau. Hậu nghiệp này ai ai cũng có, và chúng ta không thể biết được nhiều nghiệp hay ít nghiệp, nghiệp nặng hay nhẹ; chỉ có Phật và các vị đắc đạo có “Sinh tử thông” mới thấy được nghiệp báo nhân quả.
3- Nghiệp vô hạn định: Quả trổ sinh bất cứ lúc nào từ hiện tại cho đến mãi về sau, ngoại trừ khi giải thoát nhập Niết Bàn mới hết.
3). Nghiệp căn cứ trên sự báo ứng:
Căn cứ trên sự báo ứng chia ra làm bốn loại:
1- Nghiệp nặng: Nhiệp nặng dù lành hay dữ cũng phải trổ quả ngay sau khi chết đến cõi tốt hay cõi xấu. Một nghiệp nặng là hành động tạo tác nghiêm trọng, nó gây nghiệp chắc chắn trổ quả trong hiện tại hoặc kiếp kế tiếp; như người tu thiền định, tham thiền đắc quả, hoặc người phạm tội giết cha mẹ v.v…
2- Nghiệp gần: Nghiệp gần là nghiệp gần lúc lâm chung sẽ dẫn dắt đi thọ sinh nếu không có một nghiệp nặng quan trọng nào. Vì lẽ đó, thường phải nhắc nhở người sắp qua đời nhớ nghĩ các việc lành, tạo công đức lành, như bố thí, đọc kinh, trì chú, niệm Phật, tham thiền v.v…; như vậy, có khi người đáng lẽ phải tái sinh vào cõi xấu lại được sinh vào chỗ tốt; mặc dù người này được sinh vào chỗ tốt, nhưng người ấy vẫn còn nghiệp xấu chờ trổ qủa vào bất cứ lúc nào chín mùi.
3- Nghiệp thường: Nghiệp thường là những hành động hàng ngày, những thói quen suy nghĩ hàng ngày ảnh hưởng đến lúc sắp chết. Các thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức, thành những thói quen tự nhiên mà ta ít để ý, nhưng sự thực nó đã tiềm ẩn trong tâm thức.
Khi sắp chết, nếu không có một nghiệp đặc biệt nặng nào, ta thường nhớ lại những hành vi hình ảnh quen thuộc ấy, và nó sẽ dẫn dắt ta tái sinh; như người đi săn, người đi câu, người đồ tể, v.v… nhớ tới hình ảnh săn bắn, nhử mồi, sập bẫy, giết súc vật v.v…và nó sẽ dẫn người ấy vào cõi dữ.
4- Nghiệp tích trữ: Nghiệp tích trữ gồm tất cả những nghiệp không thuộc ba loại nghiệp vừa kể, nó giống như một nhà kho chứa các tạp nghiệp đủ thứ.
4). Nghiệp cư ngụ ở đâu?
Nghiệp được tích chứa trong thức thứ tám là A Lại Da Thức. Nghiệp là sự thu nhận tất cả các kinh nghiệm trải qua, là sự thu nhận những cảm giác, những thụ cảm, những hành động từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm đều được ghi lại đầy đủ.
Mặc dù vậy, nó không ở một nơi nào nhất định, nó vô hình vô tướng, nó nằm trong tâm thức luôn luôn biến đổi không ngừng như dòng nước chảy luân lưu bất tận, nó chỉ phát hiện ra khi đủ nhân đủ duyên thích ứng.
Cũng ví như một trái cây xuất hiện trên cây đúng mùa, tùy chỗ mà hiện qủa, không nhất định trước ở chỗ nào cả; nghiệp có năng lực chuyển từ kiếp này qua kiếp khác, và còn mãi mãi trong nhiều kiếp nếu trổ quả chưa hết; nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc cấu tạo tâm tính, trí thông minh, thiên tài của con người.
5). Cách trả nghiệp quả:
Cách trả nghiệp báo nhân quả không nhất thiết phải là người mình hại kiếp sau người đó hại lại mình, mà có thể là một người khác hại mình; tỉ du như ông X hại ông Y, kiếp sau ông X bị ông Z hại lại giống như ông X đã hại ông Y.
Cũng có thể trở thành người trong gia đình bà con như cha mẹ, con cái, vợ chồng, họ hàng, bạn bè v.v…để trả ơn báo oán.
Vì quyến luyến yêu thương hết mức trong tình chồng vợ, một người lại có nghiệp làm Súc sinh sẽ dễ dàng tái sinh làm một trong những con vật trong gia đình ấy; một người quyến luyến súc vật, mê thích súc vật đến độ không rời những con vật ấy được, lại có nghiệp vào Súc sinh, sẽ dễ dàng sinh vào loài mà người ấy đã ưa thích quyến luyến, làm bạn sống chung với chúng; nếu không có nghiệp phải vào loài Súc sinh thì không sao, đừng lo.
Nên nhớ, có sự khác biệt giữa lòng quyến luyến với lòng từ bi, lòng quyến luyến là do ái dục điều khiển, như tình yêu vợ chồng, cha mẹ, con cháu, anh em, bạn bè, bà con, nhân tình v.v…Nó sẽ không còn hay mất luôn khi có sự thay đổi.
Còn lòng từ bi là do lòng mong muốn cho vui hết khổ, thương cứu chúng sinh hết khổ được vui. Nó sẽ tồn tại mãi mãi như tình thương đối với kẻ cô đơn tật nguyền nghèo khổ khốn cùng.
V). Hiện tượng cái chết
1). Tại sao chết?
Theo thế gian chết là do bệnh già chết, bị tai nạn chết, bị giết chết, tự tử mà chết, rủi ro mà chết v.v… Nhưng theo Phật giáo chết là do:
- Nghiệp hết khi năng lực tái tạo đã cạn thì sinh hoạt của cơ thể chấm dứt.
- Hết tuổi thọ như già chết, tuổi thọ dài ngắn tùy loài.
- Nghiệp xấu như sát sinh làm cho chết yểu, bị giết hay bị tai nạn chết đột ngột. v.v…
2). Hiện tượng khi chết: Có ba hiện tượng:
1- Hấp hối: Nghiệp sắp hết, lúc đó người có ý nghĩ hoặc tốt hoặc xấu mà trong suốt đời người ấy đã hành động, đều hiện ra tất cả. Cái nghiệp nào mạnh hiện rõ ràng nhất trước mắt, nó hiện đi hiện lại rất nhiều lần; nếu không có nghiệp nặng thì nghiệp gần nhất hiện ra, nghiệp gần nhất cũng không có thì nghiệp thường làm hàng ngày, hoặc nghiệp tích trữ, nghiệp kiếp trước hiện ra.
Nghiệp hiện ra đây: cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu trong lúc hấp hối sắp chết, nhưng đa phần đối với người không tu thường thì nghiệp tốt rất ít, phần lớn là nghiệp xấu đầy rẫy, bởi vậy cần phải tu hành là điều cần thiết nhất.
2- Hiện tượng: Hiện tượng ở đây dưới hình thức sáu trần là “sắc, thanh, hương, vi, xúc, và pháp” mà người ấy trong đời sống hàng ngày đã từng trải qua trong các hoạt động, nghề nghiệp. Như con vật bị bắn, bị bẫy, con cá bị mắc lưỡi câu đang giẫy chết; con vật bị chặt đầu, mổ bụng đối với người săn bắn, câu cá, đồ tể. Như cảnh giết chóc, lấy tiền của, dâm dục v.v…đối với người giết người, trộm cướp, tà dâm, v.v…
3- Biểu hiện cảnh giới: Lúc hấp hối, người ấy cũng thấy cảnh giới mà người ấy sắp sinh vào. Như thấy cảnh giới đẹp có cung điện nguy nga lộng lẫy cõi Trời, nét mặt tươi sáng. Thấy cảnh đẹp cõi Thần, nét mặt tươi; thấy nét mặt bình thản, trở lại cõi người; sắp vào cõi Súc sinh có nét mặt sợ hãi; sắp vào cõi Ngạ quỷ có nét mặt buồn; sắp vào cõi Địa ngục có nét mặt vừa sợ vừa buồn.
Còn có thể biết sinh về đâu nếu ta thấy điểm nóng cuối cùng của người hấp hối chết nằm tại đỉnh đầu về cõi Cực Lạc, nằm tại trán sinh cõi Trời, nằm tại ngang hai mắt sinh cõi Thần, nằm tại vùng tim ngực sinh lại cõi Người, nằm tại bụng rốn sinh vào Ngạ quỷ, nằm tại đầu gối sinh vào Súc sinh, nằm tại bàn chân sinh vào Địa ngục.
Nếu ta quan sát nét mặt người hấp hối và sờ các điểm ấm vùng nêu trên, ta có thể biết được. Nhưng điều quan trọng là hướng dẫn người hấp hối như đọc Kinh, trì Chú, niệm Phật để dẫn tư tưởng người ấy theo hướng tốt lành.
Khi ngưng thở là hết một đời, và một đời sống mới kế tiếp sẽ khởi sự bắt đầu, nên chết không phải là hết, chết không phải là tiêu diệt hoàn toàn; dù một kiếp chấm dứt, cái tiềm lực làm sống vẫn còn, nhưng không phải hoàn toàn giống với chúng sanh đã chết. tuy nhiên không phải hoàn toàn khác, vì chung một luồng nghiệp.
Cũng giống như châm lửa từ một ngọn đèn sang một ngọn đèn khác, ngọn đèn sau không phải là ngọn đèn trước, nhưng không có ngọn đèn trước thì không có ngọn đèn sau vậy. Người chết và người tái sinh cũng giống như vậy.
VI). Các thuyết quan hệ nghiệp báo.
Mỗi người khi sinh ra không giống nhau về mọi phương diện từ thể xác đến tinh thần, từ vật chất đến đạo đức, sự thăng trầm của cuộc đời lại muôn phần sai khác; nguyên nhân của sự khác biệt đó rất sâu xa khó hiểu, vượt khỏi tầm hiểu biết của người bình thường, nên họ không biết phải trả lời thế nào, không biết phải giải quyết ra sao. Nên đã có một số lý thuyết được đề ra như sau:
1). Thuyết ngẫu nhiên:
Một số người giải thích sự khác biệt giữa mọi người là do sự ngẫu nhiên may rủi. Họ cho rằng mọi người đều có sự may rủi ngẫu nhiên mà có sự khác biệt giữa người sinh vào gia đình giàu sang qúy phái hay vào gia đình nghèo nàn bần tiện, do sự ngẫu nhiên mà người này đẹp đẽ thông minh, người kia xấu xí đần độn v.v…
Nếu công nhận sự ngẫu nhiên rủi ro thì dễ dãi quá, không có một sự lý luận của bậc trí thức, vì có tính cách buông xuôi; nếu cho là ngẫu nhiên may rủi, tức không công nhận có đời sống trước, không công nhận có đời sống sau, tức không công nhận nhân quả.
Đời sống chỉ bắt đầu từ lúc sinh ra và đời sống chấm dứt chẳng còn gì khi thở ra lần cuối, như vậy, những người này sẽ sống vội vã để thụ hưởng và là những kẻ giành giật làm cho xã hội mất đi sự công bằng, tạo nên khủng hoảng xã hội, và tội ác sẽ đầy rẫy khắp nơi không thể nào dập tắt được.
Hơn nữa, nếu công nhận ngẫu nhiên may rủi, không thể giải thích được về trí tuệ của những người có cùng một sở thích sống trong cùng một hoàn cảnh, mà tính khí người này lại khác với người kia, tại sao vậy? Và thuyết ngẫu nhiên may rủi không thể giải thích được trường hợp “Thần đồng” cùng trong môi trường sống của một xã hội nhưng lại xuất chúng về tài năng.
2). Thuyết khổ hạnh:
Có người chủ trương chỉ có khổ hạnh mới trừ hết tội lỗi đã gây ra, họ dùng những cách hành hạ xác thân như tự đánh đập mình, chỉ đứng một chân, phơi nắng chống tay chổng chân lên trời, nằm trên sỏi trên gai, ăn cỏ v.v…
Họ cho rằng chỉ có khổ hạnh mới diệt hết được nghiệp đã gây và được giảt thoát an vui, nhưng những người này không biết nghiệp quá khứ họ đã làm gì gây tội.
Họ cũng không biết cần phải tu loại khổ hạnh nào trong bao lâu để dứt khổ và được giải thoát, họ đã thực hành dựa trên sự không biết, nên chẳng biết kết quả sẽ ra sao; họ cũng không biết rằng nghiệp báo nhân quả thuộc tinh thần mà họ đầy đọa xác thân thuộc vật chất, thì làm sao gột rửa được nghiệp báo?
3). Thuyết có một Thượng Đế:
Nhiều người tin có một vị Chúa tể của loài người, có uy quyền rộng lớn, có phép thần thông biến hóa bao trùm hết vạn vật con người. Họ quy trách nhiệm cho vị Thượng Đế tối cao làm mọi việc mà họ không thể giải thích được.
Họ chỉ cần nói: “Thượng Đế muốn như vậy, mọi người phải tuân theo như vậy, không có thắc mắc, không được oán trách quyết định của Thượng Đế tối cao. Họ yên tâm lễ bái cầu xin vị ấy tha tội và ban ơn cho họ được thế này hay thế khác, chấp thuận hay không là quyền của Thượng Đế. Quan điểm này họ truyền lại cho thế hệ sau”.
Có người nói: “Con người trở thành nô lệ cho một vị Thần linh tưởng tượng đã được dựng lên”.
Họ còn nói: “Con người tạo ra Thượng Đế theo ý của con người và theo hình ảnh của con người, chứ sự thực, không một vị Chúa tể nào lại có thể đủ thời giờ nhòm ngó vô lượng chúng sanh về mọi vấn đề trong cùng một lúc ở khắp mọi nơi.
Vả lại, đã là Thượng Đế, tức là bậc toàn giác, toàn trí, toàn năng, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, sao lại bất công giữa người này và người kia, tại sao có người sinh vào nơi giàu sang quyền qúy sung sướng, có người sinh vào chỗ nghèo hèn khổ sở; tại sao có người sinh ra đẹp đẽ thông minh, có người sinh ra xấu xí ngu đần tật nguyền mù điếc ngọng câm dị hình dị thể, tại sao có người mạnh khoẻ, sống lâu, có người ốm đau chết yểu, tại sao Thượng Đế không công bằng như thế?
Rev. W Kirkus viết trong Orthodoxy Scripture and Reason nơi trang 34: “Rõ ràng không thể chứng minh một cách chính xác sự hiện hữu của Thượng Đế. Cho đến nay, hầu hết đều nêu lên ở tiền đề như dẫn chứng, những gì phải được chứng minh ở phần kết luận…..Ta đi đến chỗ phải nhìn nhận rằng có những tội lỗi xấu xa nằm trong vũ trụ và điều ấy là trách nhiệm của Thượng Đế, chúng ta không thể phủ nhận khuyết điểm của Thượng Đế đã cho phép tội lỗi và đau khổ tồn tại”.
4). Thuyết của Khoa học:
Các nhà Khoa học dựa vào sư quan sát của năm giác quan để giải thích về sự chênh lệch giữa người này và người kia. Họ cho rằng sự chênh lệch là do nguyên nhân vật lý, hóa học, tổng hợp, truyền thống, xã hội.
Nhà sinh lý học Julien Huxley nêu ra những đơn vị sinh lý gọi là “Gene”, tế bào cực nhỏ có ảnh hưởng đến cấu trúc của cơ thể con người mà họ tìm thấy trong tinh trùng của người cha truyền cho con.
Tế bào cực nhỏ này có ảnh hưởng đến tuổi thọ, sức khỏe, thông minh con người; tuy nhiên về tinh thần phức tạp, không thể chứng minh cụ thể, và không thể xác nhận rõ ràng như về thể chất.
Thành ra, giải thích về hiện tượng lý hóa chỉ đúng một phần về thể chất chứ không đúng hẳn, còn về tinh thần lại càng mù mịt không rõ rang, vì sao? Vì nhà Khoa học không thể giải thích được trường hợp hai trẻ sinh đôi có cùng một thứ gene của cha mẹ, cùng một môi trường như nhau, dù giống nhau nhưng vẫn có điểm khác nhau; nhất là tính nết mỗi đứa trẻ một khác nhau, tại sao thế?
Ngay cả: khi cha hoặc mẹ có một bệnh kinh niên nào đó, khi sinh con hoàn toàn khỏe mạnh không có bệnh ấy, Khoa học không giải thích được.
Về truyền thống gia đình không thể giải thích được sự khác biệt tính nết giữa các người trong gia đình nhiều khi trái ngược nhau, cũng không giải thích được do đâu có những thần đồng, vĩ nhân, mà người trong gia đình của thần đồng vĩ nhân không có, kể cả các thế hệ trước hay thế hệ sau cũng không có đặc tính thần đồng vĩ nhân ấy; vì vậy thuyết truyền thống cũng không đứng vững.
5). Thuyết Nghiệp báo của Phật giáo:
Rất may có thuyết “nghiệp báo nhân quả” của Phật giáo giải thích từng chi tiết tỷ mỉ qua qúa trình nhiều kiếp liên tiếp. Luật nghiệp báo nhân quả là một chân lý của sự thật, nó tương đương với chân lý về khổ, chân lý về vô thường; tuy nhiên nó thuộc lãnh vực cao hơn, phức tạp hơn, mà ai hiểu được, thấy được, người này có đủ chính kiến để sống an vui.
Đức Phật không công nhận thuyết cho rằng có một vị Chủ tể duy nhất toàn trí toàn năng tối thượng, Phật giáo bác bỏ quan điểm cho rằng có một linh hồn trường cửu được tạo nên bởi sự ngẫu nhiên và độc đoán.
Phật giáo nêu lên định luật chân lý thiên nhiên, không phải là một đấng Thượng Đế toàn năng hay một đức Phật toàn năng tạo nên; theo định luật chân lý thiên nhiên thì mỗi hành động đều gây nên một phản ứng tương xứng, mà người đời lầm tưởng là một sự ban ơn hay trừng phạt.
Phật giáo bác bỏ thuyết ngẫu nhiên may rủi, và chỉ công nhận một phần thuyết về truyền thống và giới thân cận giáo hóa của khoa học mà thôi;
Phật giáo bổ khuyết cho sự thiếu sót bằng luật nghiệp báo nhân quả, tức là tổng hợp hết các hành động của một người trong qúa khứ và hiện tại. Chính ta phải chịu trách nhiệm về những hành động của ta mà được an vui hay đau khổ. Chính ta tạo thiên đường hay địa ngục cho ta, chính ta tạo tương lai cho ta. Không ai có thể quyết định được tương lai của ta qua các hành vi tạo tác.
Thời Phật còn tại thế, một hôm có một thanh niên đến hỏi Ngài về sự khác biệt giữa người nọ và người kia, đức Phật trả lời: “Tất cả mọi người đều mang theo cái nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác, nên mới có sự khác biệt giữa người nọ và người kia”.
Do sự khác biệt giữa các nghiệp của mỗi chúng sinh, nên người sống thọ kẻ chết yểu, người giàu sang kẻ nghèo khổ, người đẹp đẽ thông minh kẻ xấu xí đần độn, người được tôn trọng kẻ bị khinh khi, người có quyền cao sai bảo kẻ phải hầu hạ vâng làm v.v…
Chính do nghiệp chuyển mà chúng sanh luân chuyển tồn tại không ngừng trong sáu cõi. Do nghiệp chuyển mà chúng sinh được tôn vinh sung sướng hay bị chê bai khổ sở. Do nghiệp chuyển chúng sinh vướng mắc cấu hợp với nhau, xoay vần như bánh xe quay mãi mãi.
VII). Nghiệp chuyển nên tái sinh.
Theo khoa học, con người do cha mẹ sinh ra, nên trước đời sống có đời sống, nhưng khoa học không thể giải thích người đầu tiên ở đâu ra; đối với Phật giáo chủ trương thời gian “vô thủy vô chung” (không có khởi đầu, cũng không có sau cùng), về không gian “vô biên” (không gian vô tận, không có biên giới).
Chúng sinh như những dây chuỗi vô tận, chính do hành động tạo nghiệp của ta trong quá khứ tạo điều kiện tái sinh; chính thần thức mang theo nghiệp gá vào tinh cha huyết (trứng) mẹ, nên có nguồn sống cho bào thai.
Chính nghiệp lực vô hình từ quá khứ là hiện tượng tâm linh tạo cơ hội cho “tế bào mầm” nẩy nở phát triển khi đủ nhân duyên; nó là chủng tử là mầm sống, đừng hiểu lầm đây là linh hồn bất tử, tại sao?
Vì nếu là linh hồn bất tử, nó có quyền lựa chọn chỗ tốt mà đến, không thèm lựa chỗ nghèo nàn khổ sở; còn thần thức do nghiệp đưa đẩy không có quyền lựa chọn, mà tùy nghiệp thiện ác đã làm mà phải đến nơi tương ưng lành dữ.
Sự sinh tử luân hồi giống như quả đất quay quanh mặt trời, lúc mặt trời lặn ở phiá Tây châu Mỹ, là lúc mặt trời mọc ở phiá Đông châu Á. Nghĩa là một người vừa tắt thở, sẽ có một chúng sinh khác ra đời; nó cũng giống như làn sóng nhấp nhô trên biển cả, khi chết mất sóng, khi sinh sóng nhô lên.
Vô số chúng sinh chết đi sinh ra nhấp nhô như sóng biển, sinh tử, tử sinh của kiếp sống luân hồi mãi mãi như thế; chỉ khi nào ái dục bị cắt đứt hoàn toàn, vô minh sạch hết mới không còn tái sinh nữa mà vào Niết Bàn an vui đời đời; tái sinh ở đây bao gồm cả sáu cõi chứ không chỉ một cõi Người mà thôi.
1). Do đâu tin có tái sinh?
Nghiệp: tác động tạo điều kiện để tái sinh, nghiệp qúa khứ tạo điều kiện tái sinh kiếp này, nghiệp qúa khứ và nghiệp kiếp này tạo điều kiện tái sinh kiếp sau; khi đang thọ quả ta lại tạo nhân, do đó nhân quả còn mãi mãi.
Trong các Kinh đức Phật nói rất nhiều về các kiếp của chính Ngài và nhiều người khác, nếu chúng ta đọc Kinh sách của Phật giáo sẽ thấy chuyện tái sinh đầy rẫy rất nhiều; theo dõi báo chí thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy nêu lên chuyện có người nhớ được tiền kiếp của mình.
Thiết tưởng chuyện tái sinh hầu như trên thế giới ngày nay coi như chuyện bình thường, không còn mấy người ngạc nhiên hay thắc mắc nữa. Bác Sĩ Edgar Casey tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ thứ 20 mà nhiều người đã biết.
Ông chuyên bắt mạch định bệnh bằng thiền định và dùng mắt thần để nhìn các kiếp trước của bệnh nhân, mà người ta gọi là dùng “thôi miên” để nhìn xem người bệnh đã trải qua các kiếp trước như thế nào để định bệnh cho bệnh nhân và chữa trị trong mấy chục nghìn trường hợp, mà hiện hồ sơ còn được lưu giữ.
Bác sĩ Edgar Casey có dùng thuốc chữa trị cho bệnh nhân, nhưng rất ít. Ông thường bảo bệnh nhân tu sửa lối sống, tu sửa nội tâm, và làm việc thiện để tự chữa bệnh. Những bệnh nhân tin tưởng làm theo đều có kết quả cụ thể.
Nhưng có những trường hợp ông cho biết bệnh không thể hết vì nghiệp qúa nặng, không thể cứu vãn dù có gia tăng phúc đức hiện tại cũng chỉ được hưởng ở kiếp sau, chứ kiếp này không thể làm gì hơn được nữa.
Cũng như quả ác đã chín mùi rồi phải lĩnh thụ đền trả nghiệp xưa. Không thể giải thích hiện tượng thần đồng, nếu ta không giải thích bằng nghiệp báo tái sinh luân hồi của một em bé mới hai ba tuổi đã nói được nhiều thứ tiếng ngoại quốc. Chỉ có thể giải thích rằng em bé kiếp trước đã là người được học nói nhiều thứ tiếng ngoại quốc mà thôi.
2). Những trường hợp gây nghiệp xấu:
Như đã nói ở trên về các nghiệp ác, chúng ta xét thêm vài trường hợp đặc biệt gây nghiệp xấu như:
1- Hứa hẹn: Hứa hẹn mà không giữ lời hứa, kiếp sau sẽ bị người hứa hão lại, buôn bán gì cũng thất bại; vậy kiếp này chúng ta hãy tập giữ lời hứa, cố ghi nhớ lời hứa. Vì hứa là làm cho người hy vọng vào ta, rồi không làm theo lời hứa, tức là làm cho người thất vọng buồn rầu; hơn nữa, ta nên làm gấp hai gấp ba lời hứa, thì nghiệp báo đời sau sẽ gấp lên hai ba chục lần, vô cùng tốt đẹp.
2- Phỉ báng: Phỉ báng, nói xấu, hay nhục mạ người khác đưa đến kiếp sau làm người thấp hèn, mắc bệnh lở lói hôi hám xấu xa. Nếu phỉ báng bậc Thánh tội đọa Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh; khi được trở lại làm người là người bị một trong bệnh tật: méo miệng, sứt môi, câm, ngọng, cùi hủi.
Muốn tránh những quả báo ấy, chúng ta nên hướng tâm về Chư Phật và Chư Bồ Tát khởi lên niềm tôn kính vô biên, chúng ta cũng nên có tâm thương yêu kính trọng mọi người; ngoài ra đối với mọi loài, chúng ta cũng trải lòng thương vô bờ bến, phúc đức dần dần sẽ tới với chúng ta vô lượng vậy.
3)- Nhiệp quả tái sinh có thể giải thích:
Thuyết nhân qủa nghiệp báo và tái sinh có thể giải thích:
- Sự khác biệt giữa người nọ và người kia.
- Sự xuất hiện của thần đồng và vĩ nhân.
- Hai trẻ sinh đôi có cá tính khác biệt.
- Trẻ con tự nhiên có tật xấu như tham, sân, si v.v…
- Tại sao mỗi người đều có tính xấu và tính tốt.
- Tại sao có người sung sướng, có người đau khổ …
VIII). Hóa giải nghiệp xấu:
Một số người lầm tưởng chỉ cần tu thiền định hay niệm Phật, không cần để ý đến mười điều lành (là ba điều về thân, bốn đều về miệng, và ba điều về ý) phải thực hành, hay giữ năm giới. Nếu không giữ gìn sẽ không dễ dàng yên ổn để tu Thiền hay Tịnh, mà bị các nghiệp quấy phá như nghèo túng phải làm việc cực nhọc, bệnh hoạn, ngứa ngáy, buồn ngủ, tê chân ngồi thiền không được v.v… và bị sống trong không tiện lợi cho việc tu hành. Ngoài việc giữ giới, hóa giải nghiệp xấu còn có:
1). Làm các việc phúc đức: Như:
1- Bố thí với tâm trong sạch, không ganh tị, không khoe khoang hẹp hòi; bố thí thể hiện chân thật của tình thương, không ở miệng lưỡi, mà ở cử chỉ và hành động.
2- Phóng sinh chim, cá, ốc, cua, tôm, sò, hến, v.v… hóa giải ngục tù, hóa giải mạng sống đang bị đe dọa bởi bệnh nan y. Người không nghiệp sát sinh, mà phóng sinh được hưởng sự bình an lại sống thọ, không bị bức bách bởi bệnh khổ.
3- In Kinh sách Phật hoặc góp phần in Kinh sách Phật sẽ tạo công đức rất lớn lao.
4- Đã có vị Thầy chữa bệnh nan y bằng cách yêu cầu bệnh nhân viết mười điều lành trên mười tờ giấy, rồi bệnh nhân đưa cho mười người thân hữu, mỗi người cũng làm tương tự như thế để có 100 người thực hành mười điều lành để hồi hướng công đức làm lành ấy cho người bệnh. Người bệnh đã giải trừ được bệnh nan y do nghiệp ác gây ra, và còn có lợi về lâu về dài của 100 người ấy nữa.
2). Duyên hỗ trợ và duyên cản trở nghiệp:
1- Duyên hỗ trợ: Làm cho nghiệp qủa dễ sinh, thuận lợi cho quả trổ. Như sinh vào gia đình giàu có tiền của làm cho quả lành dễ phát sinh, vì được ăn học nên đỗ đạt hiển vinh v v…
2- Duyên cản trở: Làm cho nghiệp báo không phát ra được. Như sinh vào gia đình nghèo quả lành không phát sinh được, vì không tiền ăn học, nên không đỗ đạt hiển vinh, khó giàu có được v.v…
Dung mạo cũng là yếu tố quan trọng làm cho một người thành công hay thất bại, một người đẹp đẽ tuy nghèo nhưng vẫn được cảm tình của những người khác; ngược lại một người xấu dễ gây ác cảm với người đối diện.
Dù không hoàn toàn lệ thuộc nghiệp, nhưng ta cũng không hoàn toàn làm chủ được mình; những yếu tố trợ duyên hay phản duyên sẽ ảnh hưởng đến nghiệp do sự tái sinh. Do nghiệp hỗ trợ hay nghiệp cản trở, mà có thể một người làm ác khi chết sinh vào chỗ tốt lành, một người làm thiện khi chết sinh vào chỗ dữ.
Khi gặp sự gì xảy đến, chúng ta phải nhận định rằng mình đang gặt quả mà mình đã gieo, đang hưởng hay trả nợ trong qúa khứ; nhưng chúng ta không nên hưởng hết phúc cũ mà phải tạo thêm phúc mới; chúng ta cũng phải cố gắng diệt trừ nợ xấu bằng cách gieo giống tốt để có tương lai tốt đẹp.
IX). Nghiệp không giống định mệnh:
Nguyên nhân sự chênh lệch khác biệt giữa người này và người kia là do nghiệp, nhưng không phải hoàn toàn như vậy.
Nếu tạo nghiệp gì phải chịu quả ấy cũng giống như thuyết “định mệnh an bài”, mọi sự đã được định sẵn, có sẵn số phận, không thể thay đổi được. Tất cả phải tuân theo, tất cả phải gánh chịu theo “số mệnh”, không một ai được tự mình cải thiện đời sống hiện tại và tương lai của mình.
Nếu tin vào một vị Chủ tể có toàn quyền định đoạt số phận của ta, và ta phải tuân theo, cũng giống như tin rằng Nghiệp tạo ra số phận của ta, ta phải tuân theo không thể chống cãi lại được; tuy nhiên thuyết nghiệp báo nhân quả của Phật giáo không phải với ý nghiã cứng ngắc như thế. Tại sao? Vì tùy vào nhân duyên liên quan để phát triển nhân quả như sau:
1- Môi trường: Nhân duyên liên quan đến môi trường như thời tiết nóng lạnh, nắng mưa, bão tuyết v.v…
2- Vật thể: Nhân duyên liên quan đến vật thể là giống nào có dòng ấy như hột lúa sinh cây lúa, hột cam sinh cây cam v.v…, việc này liên quan tới tế bào cực nhỏ (gene) mà các nhà khoa học đã khám phá ra.
3- Hành động: Nhân duyên liên quan đến hành động thiện hoặc ác đưa đến quả báo lành hoặc dữ. Đây là luật tự nhiên, chứ không phải là thưởng hay phạt, mà nhiều người lầm tưởng có bàn tay của một vị Tối cao.
4- Hấp lực: Nhân duyên liên quan đến hấp lực trong vũ trụ, sức hút của mặt trời, trái đất, mặt trăng v.v… hấp lực trong vũ trụ ảnh hưởng đến mọi vật mọi hiện tượng.
5- Tâm thức: Nhân duyên liên quan đến tâm thức như thần giao cách cảm, tâm lực, huệ nhãn, huệ nhĩ, tha tâm thông v.v… mà khoa học chưa giải thích được.
Do năm nguyên tắc trên, Phật giáo có thể giải thích tất cả các hiện tượng vật lý, sinh lý, và tâm lý trong vũ trụ. Năm nguyên tắc trên không do một oai lực thiêng liêng nào tạo nên cả.
Đúng là làm thiện hưởng quả lành, làm ác hưởng quả dữ, nhưng không hẳn đúng là như vậy; nếu ta biết rằng ta đã làm ác, và ta cố ý tạo việc thiện khác để hóa giải làm dịu nghiệp lực ác; chúng ta có đủ năng lực để chuyển cái nghiệp ác thành vô hiệu, nhiều hay ít là tùy ta làm được nhiều hay ít việc thiện.
Nó tùy thuộc ở ta và hành động thiện của ta, do đó ta sẽ không bị nghiệp trói buộc như “định mệnh, số phận an bài”, hay “tiền định” do một oai lực huyền bí định đoạt mà ta không thể sửa đổi được
Ta phải đặt tất cả lòng tin nơi ta, tạo an vui cho ta và cho tất cả. Tin tưởng sự tinh tấn nơi ta, không đặt lòng tin nơi nào khác, vì chỉ có ta mới mang lại hạnh phúc cho ta mà thôi. Chính ta là người xây dựng hay phá đổ tương lai của ta, chính ta tạo thiên đường cho ta, và cũng chính ta tạo địa ngục cho ta, hoàn toàn tùy thuộc nơi ta; chính những ý nghĩ, lời nói, việc làm của ta đưa đến nghiệp quả tốt xấu cho tương lai của ta.
Bởi vậy sự cố gắng làm lành tránh làm ác của mỗi người là quan trọng hơn cả, vì ta có thể tạo nghiệp tốt để chuyển đổi nghiệp cũ xấu, tạo hoàn cảnh mới thuận tiện; khi có hoàn cảnh để trợ duyên mà không cố gắng, tức bỏ lỡ cơ hội, lúc quả dữ tới dịp phát tác là ta mất cơ hội tốt rồi.
X). Kết luận về nghiệp quả.
Nghiệp báo nhân quả là con đường vô hình, không thấy, nên nhiều người không tin. Đúng, vì chúng ta không mắt thấy tai nghe, và chỉ khi nào mắt thấy tai nghe chúng ta mới tin. Nhưng, qua lịch sử đã chứng minh, có những sự mắt thấy rõ ràng mà lại sai lầm.
Như hồi thế kỷ thứ mười sáu tại Âu châu, người ta thấy rõ ràng mặt trời và tất cả tinh tú quay quanh trái đất. Mặt đất trông như một mặt phẳng, nên mọi người bảo là chỗ chúng ta ở là trung tâm vũ trụ, tất cả mặt trời, mặt trăng, và các tinh tú có nhiệm vụ xoay vòng chung quanh nó v.v…Vì vấn đề này, nên đã làm khổ một số người, trong đó có các nhà khoa học vì đã nói rằng: “Không phải như thế, mà quả đất quay quanh mặt trời”.
Nhưng họ cho rằng đó là lời của “tà giáo dị giáo”, vì không đúng với mắt họ thấy và nhất là đi ngược lại Kinh sách của họ; phải đợi mãi vài trăm năm về sau mọi người mới tin các nhà khoa học đúng, thì đã lỡ muộn mất rồi!
Đây là vật chất, vật thể, nhìn thấy được, mà còn nhìn sai, huống là vô hình không thấy như nghiệp báo nhân quả; nhưng chúng ta yên tâm tin tưởng vì đã nói ra bởi đức Phật, một bậc toàn giác, biết tất cả sự thật trong vũ trụ; lại nữa biết bao nhiêu trường hợp của những người nhớ được kiếp trước nên đã chứng minh nghiệp báo nhân quả tái sinh là có thật.
Một vấn đề được đặt ra, đó là có người cả đời hiền lành lại hay bị tai ương, đời sống ngắn ngủi, như bị tai nạn, nước, lửa, thiên tai, hay bệnh rồi phải qua đời, tại sao? Vì nghiệp qúa khứ thường do từ sát sinh, qúa nặng.
Đáng lẽ phải trả trong ác đạo, nhưng vì một nghiệp thiện nào đó người này đã không bị đọa vào cõi dữ, và đời này ăn ở đạo đức nhưng vẫn bị tai ương chết yểu. Đó là do nghiệp nặng cũ hoành hành, nếu người ấy không ăn hiền ở lành, còn bị nặng hơn nữa.
Nhờ có đạo đức nên đã vơi đi phần nào, và kiếp sau sẽ được giàu sang tốt đẹp hơn; còn kẻ làm ác lại nhởn nhơ khỏe mạnh giàu có, vì họ hưởng phúc từ đời trước; đã hưởng hết phúc lại tạo ác, đời sau chắc chắn họ sẽ phải sống đời tương ưng trong khổ sở; vì vấn đề phức tạp này của nghiệp báo nhân quả, mà nhiều không hiểu, không tin.
Trong một nước, người đứng đầu rất quan trọng, cũng như một đàn trâu rừng, con đầu đàn hướng dẫn đàn trâu lội qua một khúc sông khúc suối. Nếu nó biết lựa chọn, nó quan sát kỹ càng lựa chỗ tốt để dẫn cả đàn trâu qua một cách êm xuôi dễ dàng.
Nếu nó không biết quan sát lựa chọn, nó sẽ dẫn đàn trâu vào nguy hiểm như bị nước cuốn, ghềnh đá mấp mô, hoặc gặp đàn cá sấu giết hại ăn thịt. Người đứng đầu một nước, một vùng, một khu cũng vậy, phải đủ đức tính của một người lãnh đạo như thông minh, biết nhiều, khỏe mạnh, đạo đức; lại biết thương dân, vì dân, công bằng, liêm chính, biết dùng người tài giỏi trong mỗi ngành chuyên môn v.v….
Người lãnh đạo còn phải sống gương mẫu cho người dân bắt chước sống theo, từ thái độ sống của người dân sẽ ảnh hưởng đến đời sống vui khổ của họ.
Tóm lại, đức Phật dạy:
“Nếu nói: “Người nào làm nghiệp gì phải chịu quả báo cố định như thế”, nếu sự kiện đúng như vậy thì không có sự tu hành, không có cơ hội để đoạn diệt đau khổ.
Nếu
“Người gây nghiệp thế nào tức là có tội thế ấy”, nếu như vậy thì có sự tu hành, có cơ hội để diệt đau khổ; ở đây, có người không tu tập về thân, về giới, về tâm, vị kỷ
(vì mình), nhỏ nhen; người như vậy, dù có làm nghiệp ác nhỏ cũng đủ đưa vào Địa ngục.
Còn người có tu tập về thân, về giới, về tuệ, không vị kỷ, không nhỏ nhen; người như vậy dù có làm việc ác nhỏ tương tự, ngay trong hiện tại, một chút khổ báo cũng không có, huống là nói nhiều ư? Ví như bỏ một nắm muối vào một bát nước nhỏ, nước đó sẽ mặn, còn bỏ nắm muối vào một dòng sông, nước sông không thể mặn được; sự kiện là như vậy, có tu hành là có cơ hội diệt khổ.
Nhân quả nghiệp báo là có, nhưng nếu tu hành giữ giới làm lành tránh ác, nghiệp ác sẽ rửa được; cho tới khi tu hành đắc đạo, nghiệp báo sẽ hết luôn; mọi người từ vô thủy tới giờ đã tạo biết bao nhiêu tội lỗi, gây biết bao nhiêu nghiệp chồng chất.
Vì thế cho nên, kể từ ngày hôm nay ta bắt đầu làm nhiều việc thiện, giữ giới trong sạch từ thân miệng ý đều phải kiểm soát trong mỗi ngôn ngữ cử chỉ hành động; đó là ta bắt đầu tích chứa đầy nước công đức trong một dòng sông, dù nghiệp ác cũ có nhiều nặng như cả tấn muối cũng không thể làm mặn một dòng sông đầy nước công đức.
Nghiệp báo nhân quả là căn bản cho đời sống con người. Nếu mọi xã hội đều được giảng dạy môn
“Nghiệp báo nhân quả”, nó bao gồm cả
“Đạo đức học” và “Xã hội học”.
Chúng ta: không còn phải giáo huấn các tù nhân, chỉ còn ít người phạm pháp, không cần nhiều nhà tù, không cần nhiều người trông coi gìn giữ trật tự nữa v.v…, vì các thế hệ trẻ hiểu được luật nghiệp báo nhân quả rồi sẽ cố gắng làm lành tránh ác.
Dần dần tới khi mọi người đều hiểu được sự lợi ích của làm thiện, và sự tai hại của việc làm ác, sẽ đều làm mười điều lành một cách tự nguyện tự giác; lúc bấy giờ thế giới này sẽ là thế giới an lạc vậy.
Sưu tầm