Lòng tham của con người là vô hạn. Người xưa có câu: “Người không biết đủ giống như con rắn muốn nuốt cả con voi”, nuốt không được cũng lại không muốn nhả ra. Trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều người bị “danh và lợi” thắt chặt. Họ mãi truy đuổi, một khắc cũng không dừng, có thứ này lại muốn thứ khác, có rồi lại muốn cái mới hơn, cả ngày “được voi đòi tiên”.
Một điều rất hiển nhiên rằng dục vọng của con người là hoàn toàn không thể thỏa mãn được. Nếu một mực cưỡng cầu thì nhất định sẽ sinh ra phiền não.
Thế nên, tâm biết đủ quan trọng đến mức nào đối với sinh mệnh của một người. Suy cho cùng: “Cao ốc ngàn gian, thì đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì chúng ta phải truy cầu lắm thứ như thế? Huống chi, tiền dù nhiều đến mấy, chức vị cao đến đâu đi nữa cuối cùng đến lúc sinh mệnh lìa đời thì đâu còn ý nghĩa gì?
Có người nói: “Tôi cũng không muốn liều mạng, quả thật không cần quá nhiều vật chất và hưởng lạc, nhưng danh lợi là dấu hiệu của sự thành công. Cho nên, buông bỏ là không có chí tiến thủ, không thể buông xuống được.”
Không thể nghi ngờ rằng, danh lợi có phần mang đến sự vinh quang cho con người, tự nhiên có lực hấp dẫn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên thành công và danh lợi lại không nhất định là ngang hàng với nhau. Một người quá mức truy cầu danh lợi sẽ khiến tâm không còn tĩnh tại, dễ làm nhiều việc không nên.
Tham muốn tạo điều kiện căn bản cho sự bất mãn, vì dù đã có nhiều bao nhiêu đi nữa, ta vẫn luôn tìm cầu cho được nhiều hơn, tốt hơn.
Trái lại, nếu ta tự nhủ, “những gì ta hiện có đã là tốt lắm rồi”, thì trong lòng ta sẽ được thanh thản. Điều này không có nghĩa là ta sẽ không bao giờ mua thêm những vật dụng mới. Nếu ta có nhu cầu về một cái gì đó thì việc mua sắm chẳng có gì là sai trái cả, miễn là ta có đủ tiền để mua. Nhưng dù ta có mua sắm được hay không thì trong lòng ta vẫn thanh thản, vì ta sẽ luôn hài lòng với những gì mình đang có.
Có câu nói rất hay rằng: “Đừng khóc vì không có giày đi bởi vì có người còn không có chân để đứng!”. Bởi vậy mới nói: “Biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng u buồn”. Ở vào cùng một tình cảnh, chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cái tâm của mình thì tình cảnh cũng tự nhiên thay đổi.
Cách tránh được tai họa chính là coi trọng phúc phận mình đang có. Ví như sinh mệnh và sức khỏe là tài phú lớn nhất của mỗi người nhưng mọi người lại thường xem nhẹ, đến lúc sắp mất đi rồi mới thấy hối tiếc thì đã muộn.
Cho nên, đại nạn không chết, bệnh nặng mà khỏi sẽ khiến con người cảm nhận rõ rệt được niềm hạnh phúc tăng lên gấp bội. Trái lại, không biết đủ mà tham lam sẽ dễ dàng bị lầm đường lạc lối, khiến tai họa “không nên có” ập đến.
Ngoài lòng tham, nếu sống trên đời mà chúng ta phớt lờ những thứ sau thì đừng hỏi vì sao bản thân lại hay u uất:
- Mọi người đều sẽ phải đối diện với cái chết: Không ai có thể trường sinh bất tử mãi mãi thế nên hãy trân trọng các mối quan hệ với những người thân yêu vì đó là điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời, hơn hết thảy mọi thứ.
- Chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ: Bạn phải học cách buông bỏ, giảm căng thẳng bởi vì bạn không thể điều chỉnh tất cả mọi thứ.
- Lo lắng là vô ích: Sự lo lắng chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Bạn càng căng thẳng thì càng không thể tìm ra cách để giải quyết vấn đề. Dù có lo lắng đến 20 lần thì mọi chuyện cũng không thay đổi.
- Không bao giờ có người vợ/chồng hoàn hảo: Ai mà chẳng mong có một người bạn đời, một “đối tác” sẽ gắn bó với mình hạnh phúc mãi mãi. Nhưng thực tế thì, có mấy ai tìm được một người như thế. Thay vì thất vọng và chì chiết, hãy coi đó là một mối quan hệ công việc bình đẳng mà trong đó cần sự hợp tác từ cả hai phía.
- Những gì bạn sở hữu không nói lên con người của bạn: Xe hơi hạng sang, túi xách xa xỉ, trang phục hào nhoáng có thể giúp bạn xuất hiện một cách ấn tượng. Nhưng chúng không tăng thêm giá trị cho con người bạn. Trải nghiệm thực tế và các mối quan hệ mới có ý nghĩa thực sự với bạn.
Sưu tầm