Vì sao ngôi chùa Phật giáo nào cũng phải có chuông? Ý nghĩa tiếng chuông là gì?
Tiếng chuông là một đặc trưng không thể thiếu trong những ngôi chùa Phật giáo, vậy ý nghĩa của tiếng chuông là gì?
Kinh Phật thường nhắc tới việc sử dụng chuông trong lễ nghi Phật giáo và ý nghĩa của tiếng chuông đối với sự siêu thoát, an vui. Kinh Tăng Nhất A Hàm có bàn về vấn đề này: “Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh chịu hình phạt được tạm thời an vui”.
Có một câu chuyện cổ Phật gia như sau:
Có một chú tiểu có nhiệm vụ đánh chuông. Theo quy định của chùa, hàng ngày vào lúc sáng sớm và khi chiều tà thì phải đánh một hồi chuông. Khi mới bắt đầu công việc, thì chú tiểu đánh chuông cũng khá nghiêm túc. Nhưng nửa năm trôi qua, chú tiểu cảm thấy công việc đánh chuông thật là đơn điệu nhàm chán. Thế là, cậu bèn làm chỉ cốt cho xong chuyện. Một ngày, sư trụ trì ngôi chùa đột nhiên tuyên bố muốn đưa chú tiểu xuống hậu viện chẻ củi gánh nước, không để cho cậu đánh chuông nữa. Chú tiểu thấy lạ quá, bèn hỏi sư trụ trì: “Không biết có phải tại con đánh chuông không đúng giờ, không vang tiếng hay sao?”. Sư trụ trì bảo: “Con đánh chuông rất là vang, nhưng tiếng chuông rỗng tuếch, èo uột, bởi vì trong lòng con không hiểu được ý nghĩa của việc đánh chuông, cũng không có chú tâm làm việc ấy. Tiếng chuông không những là thước đo cho thời gian làm việc nghỉ ngơi trong chùa, mà quan trọng nhất ấy chính là thức tỉnh tâm mê muội của chúng sinh. Vì vậy, tiếng chuông chẳng những cần phải vang dội, mà còn cần phải mượt mà, hùng hậu, thâm trầm, lan xa. Người mà trong tâm không có chuông, có nghĩa là không trọng Phật. Nếu không thành kính, thì làm sao đảm đương chức vụ đánh chuông được?”. Chú tiểu nghe xong, đỏ mặt xấu hổ, rồi sau đó dốc sức tu luyện, cuối cùng trở thành một cao tăng nổi tiếng.
Có nhiều ý nghĩa khác nhau về tiếng chuông, nên theo quy định của nhà Phật, mỗi chùa viện đều có 3 loại chuông: chuông đại hồng, chuông báo chúng và chuông gia trì.
Chuông đại hồng hay còn có tên gọi là chuông u minh, là chiếc chuông lớn thường được gióng vào đầu đêm và cuối đêm. Tiếng chuông đầu đêm nhắc nhở mọi người buông bỏ cơn vô thường, an yên bản thân để nghỉ ngơi. Tiếng chuông cuối đêm thức tỉnh mọi người, tỉnh táo trở dậy để tấn tu, bắt đầu một ngày mới.
Mỗi lần chuông đại hồng vang lên, đánh 108 tiếng, đại diện cho đại trừ 108 phiền não. Nghe chuông này tâm hồn thanh tịnh, tâm trí nhẹ nhàng, trút bỏ khổ buồn, tiến tới an nhiên.
Chuông báo chung hay còn gọi là chuông tăng đường, dùng để thông báo trong nội bộ chùa viện khi họp nhóm, thọ trai và khóa tụng.
Nếu tu tại gia, có thể tự sắm một chiếc chuông nhỏ, đánh lên mỗi sáng tối hoặc khi có khổ não, khi bắt đầu tụng kinh niệm Phật. Tiếng chuông sẽ mở ra không gian tịnh tu, yên ổn tâm hồn, hướng tâm tới thiện, có rất nhiều lợi ích.
Ngoài ra, trong chùa, tiếng chuông còn được sử dụng giống như phương tiện báo giờ. Mọi người thống nhất dùng tiếng chuông làm thước đo thời gian, tuân thủ thống nhất về thời gian tu luyện, duy trì và bảo vệ truyền thống của nhà chùa và sự tôn nghiêm của Phật giáo.
(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét