Bên cạnh đời sống vật chất
Đã
làm người, “đã sinh ra ở trong trời đất” ai cũng muốn sống xứng đáng,
muốn thành công, hạnh phúc, cho nên ai ai cũng hiểu sự cần thiết phải ra
sức rèn luyện bản thân mình.
Trong cái rèn luyện này điều thường bị bỏ quên là gì? Quên rèn luyện,
nuôi dưỡng tâm hồn. Điều quên hoặc coi nhẹ này vì sao là cực kỳ bất cập?
Vì rõ ràng trong cuộc sống hiện nay có sự sa sút nghiêm trọng của tâm
hồn, nhân cách (và văn hóa) ở bộ phận khá lớn của xã hội ta. Rồi sau này
nữa, đến lúc nào đó nếu con người ta chỉ còn biết những gì thực lợi,
thực dụng thì con người ta “có còn là CON NGƯỜI nữa không?”
Vậy NGHỆ THUẬT SỐNG CHỐNG SỰ XUỐNG CẤP TÂM HỒN đang thật sự là một nhu
cầu nổi cộm, bức thiết, có lúc trở thành thời sự cấp bách hàng đầu, mà
cũng không chỉ riêng đối với các thế hệ trẻ đang nối tiếp nhau thôi đâu.
* * * * *
Qua khá nhiều sách mới đây ở nước ngoài và cả trong nước (‘lược dịch’
hoặc ‘biên soạn dựa theo’), có thể thấy một tham vọng dạy ‘thành công’
(chỉ cốt thành công thôi, ‘thành công’ bằng mọi giá) thông qua rất nhiều
lời khuyên hành động có kỹ xảo, nhiều chỗ thật tỉ mỉ tinh vi, kể cả
không né tránh giả dối, thậm chí cho phép ‘chân thành dỏm’ miễn làm sao
chiếm được cảm tình người khác. Ôi thôi, ‘không thật lòng’ có thể lừa
được người đấy, nhưng ngắn ngủi thôi. Con người ta ‘thức khuya mới biết
đêm dài’ ‘đi đêm có ngày gặp ma’. Vả lại, phàm cái gì quá nặng về hình
thức thì thường sẽ rơi vào giả dối. Phải thành thực tại tâm mới bền, mới
là chân giá trị.
Thậm chí có gọi là ‘sách học làm người’, là ‘nghệ thuật sống’ mà quá vội
vàng những kỹ xảo, những ‘kỹ thuật’ sống với xu hướng nặng về vụ lợi
thực dụng một cách lộ liễu, thì rõ là lệch, sai về cơ bản, về phương
pháp luận.
‘Nghệ thuật sống’ của tâm hồn thực ra mới là vấn đề gốc. Cuối cùng rồi
mà xét, trăm lần cái ‘ngọn’ mẹo vặt bề ngoài phù du, chẳng bằng một cái
‘gốc’ nghệ thuật sống chân chất từ bên trong tâm hồn chân chính sâu bền.
Có câu hỏi: ở thời đại tin học, tốc độ, ở thời buổi thị trường kinh
doanh, quá eo hẹp thời gian, để thành công có nên chọn con đường ‘tắt’
thực dụng ấy cho nhanh gọn và cũng đầy đủ rồi? Không, không phải như
thế, và không thể như thế. Nếu xuất phát điểm từ ngọn, từ bề ngoài như
trên thì cách giao tế ứng xử đầy ‘tâm lí học hiện đại’, đầy phương pháp
‘khoa học’ cao siêu và gì gì đi nữa thì vẫn là khập khiễng, chưa chính
danh, chưa chính trực. Mà cũng chỉ mới là một vế của vấn đề.
Còn cần một vế nữa, ‘vế’ gốc: tâm hồn. Tâm hồn sinh chính tâm và cả
nhiệt tâm với lòng say mê vô bờ - gốc của sức mạnh và niềm vui cõi đời
này. Những cái này, ‘rốt cuộc lại’ quan trọng hơn sự khéo léo và thậm
chí có khi còn quý hơn cả sự minh bạch của trí óc. Khi giác ngộ bằng cái
tâm cảm động thực sự thì sự hăng say nồng nhiệt có thể sẽ trọn đời. Tâm
hồn rèn luyện tu dưỡng thành cao thượng, nhân hậu, thành thực, ngay
thẳng, cương quyết, quảng đại (rộng lượng, khoan dung, tha thứ), thông
cảm, nhường nhịn - mà chữ của nhà Phật là ‘nhẫn nhịn’ - thì trước sau sẽ
toả sáng. Và nhất là tự mình có thể tự tôn tự trọng, tự bằng lòng dù
trong hoàn cảnh nào – điều kiện không thể thiếu để tiệm cận hạnh phúc.
Còn học kỹ xảo, mẹo thuật ‘tuyệt hảo’ bên ngoài, kể cả nụ cười làm vẻ
tao nhã tinh tế, dù công phu đến đâu nhưng nếu tâm chưa đạt hoặc không
hề quan tâm đạt sự thành thực, thậm chí tâm lạnh lẽo, thờ ơ, buồn thiu,
ích kỉ lại cố tình bỏ qua (chứ không phải không tự biết) không tu luyện
tâm thì ôn hoà ‘mặt nạ’, cung cách ‘mặt nạ’ dù đúng phép ‘quốc tế’ cũng
đâu che lâu được chân tướng!
Những suy ngẫm về rèn luyện, do vậy, tuyệt đối không theo hướng
những‘xảo thuật bí truyền’ dù có ai đó ‘tuyên bố’ rằng nó đã tạo nên
‘thành công’ ở những nhân vật ‘thành đạt’ nào đó. Mà phải theo hướng rèn
luyện từ gốc tức từ tâm hồn. Nhưng về hướng rộng lớn này thì chúng ta
cũng sẽ chỉ mới có thể bàn hạn định trong một nội dung hạn hẹp nhất
định, trong nội dung ‘để làm người’ thôi. Chỉ mới dám tập trung vào một
góc nhỏ, vào các yếu tố phù hợp với đại đa số chúng ta mà thôi.
Cái ‘gốc tâm hồn’ để ‘làm người’ như mỗi chúng ta dần dà đã nghiệm thấy
là quan trọng bậc nhất và có tính quyết định hạnh phúc. Nhưng rèn luyện
nó đâu có dễ. Vì lẽ ‘làm người’ với nghĩa ‘người’ có tâm hồn, nhân cách,
đạo đức, lương tâm - quả thật rất khó, Khổng Tử cũng từng nói “vi nhân
nan”
Không những khó, lại không có sẵn một mẫu tâm hồn duy nhất gọi là lí
tưởng nhất, là tận thiện để chỉ cứ noi theo trong mọi trường hợp. Bởi vì
cái tận thiện của mỗi người không ai giống ai cả: chính đó là cái phong
phú tuyệt diệu của nhân loại.
Do đó mỗi người chúng ta, dù thấu đạt mọi nguyên lí rồi, vẫn cần thêm
một nỗ lực bền bỉ - vạch riêng phần nội dung cụ thể phù hợp nhất cho bản
thân mình.
Trong lúc hoạch định nội dung rèn luyện đó, ta chú ý tránh phiến diện,
phải bao gồm cả phía vật chất và thân thể. Chúng ta biết tâm hồn (bên
trong) và thân thể (bên ngoài) thống nhất làm một, tinh thần và vật chất
làm một, cá nhân và xã hội làm một.
Mọi đổi mới đều phải bắt đầu từ tâm hồn vậy. Và cũng chỉ cái TÂM mình mới dạy được mình đổi mới vì:
“Không ai làm thầy mình
“tốt hơn là cái tâm của chính mình”
Câu nói nghe ‘rất hiện đại’ này là lời Trang Tử đã 24 thế kỉ!
Trên dặm trường tu luyện gốc tâm hồn ấy, ta dần LÀM CHỦ mỗi hành vi của
bản thân, để rồi phần nào làm chủ (chí ít cũng ảnh hưởng đến) số phận
mình. Và rốt cuộc lại, đích ở cuối chặng đường phải là tâm hồn thanh
thản.
Công cuộc rèn luyện tu dưỡng từ gốc tâm hồn nhằm nâng cao tâm hồn để làm
tròn chức năng làm người là một trong các việc quan trọng hàng đầu, mọi
người đều muốn hiểu kỹ, và rất nên thực hiện liên tục suốt đời.
Như kinh nghiệm những người đi trước, đây là công việc tuy đòi hỏi nhiều
cố gắng bền bỉ nghiêm túc, nhưng lại tạo ra nhiều hứng khởi. Vì lẽ tu
dưỡng tâm hồn vừa là khoa học lại vừa là nghệ thuật nữa.
* * * * *
NHỮNG NỘI DUNG ĐẦU TIÊN CỦA RÈN LUYỆN, NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC TÂM HỒN
Sang thiên kỉ III rồi, có thể cảm nhận trong thực tế hai xu thế quý báu
đang chớm nở và lớn dần trong một bộ phận lớp trẻ có ý thức nhất:
1- Nổi lên ở họ nhu cầu tâm hồn muốn được mở rộng về phía cha ông, tổ
quốc, cũng như mở rộng tới khoa học hiện đại nhất khắp toàn cầu.
2- Cũng nổi lên nhu cầu tâm hồn họ muốn đạt thư thái, tự do tuyệt đối, sự giải thoát.
Ở một góc độ nào đấy, có thể thấy trong nội dung nhu cầu tâm hồn mà hiện
nay dần dần hình thành ở họ, có mường tượng một số nét của mẫu tâm hồn
lí tưởng tự ngàn xưa phương Đông, ví dụ như: căm ghét sự tham lam tranh
giành chiếm hữu và sự tàn bạo cuồng loạn; trân trọng chí nhân, vị tha,
vô tư; không coi hưởng lạc và tư dục là mục đích; đối lại, cầu tiến,
không chờ đợi ai mà tự lập, và khi thành công không khoa trương (chữ xưa
là tâm trai); dám nghĩ dám làm, tự do tư tưởng, không giáo điều sùng
bái thần tượng.
Và trong đó còn có những điều xét ra cũng rất đáng nằm trong phác thảo
nội dung mẫu rèn luyện tâm hồn như: không hiếu danh hiếu thắng biện bác
tranh cãi; không xét các giá trị theo hư danh; lắng nghe tiếng nói trong
tâm hồn mình, tìm tòi trong những kho tàng tinh thần đồ sộ; tập giữ
thản nhiên, điềm đạm, không giả dối.
Các thực tế trên có thể tham khảo khi ta phác thảo nội dung rèn luyện
tâm hồn riêng cho mình. Nhưng nói chung, mỗi khi lập phác thảo này vẫn
nên theo phương thức kinh điển, phải xuất phát từ những yếu tố cấu thành
của Tâm, từ đó mà xác định những nội dung rèn luyện.
Ba yếu tố của TÂM (đối tượng của tu luyện ở đây) là gì?
Là bao gồm 3 mặt, theo tâm lí học cận đại, mà theo tư tưởng Tuân Tử xưa cũng 3 mặt ấy:
- Lí trí (tri thức);
- Tình cảm (yêu ghét, mừng giận, buồn vui...);
- Ý chí (trong đó có nghị lực, có lực để lựa chọn hành động).
Ba mặt nêu trên gợi ý những nội dung tu luyện tâm hồn rất rộng. Trước
tiên nên chọn những điều thiết yếu nhất: chọn phần ‘để làm người’. Sách
xưa Ngạn Ngữ cũng từng khuyên “Gốc mọi sự học là học làm người”. Trong
đó ắt phải rèn luyện cả ba mặt nội dung trên, nâng chúng lên cao mãi, và
chỉ có con đường đó, không có cách nào khác. Nó bao gồm rèn luyện từ lí
tưởng, đạo đức, đến lối sống, giúp hình thành nhân cách.
Trước tiên là không ngừng trau dồi lòng nhân + lương tâm, và làm điều thiện:
Trong sứ mệnh làm người có vấn đề sống cho ra sống, theo lẽ sống có TÂM
HỒN, dám đấu tranh theo lương tâm, theo lòng NHÂN (tức tính người: yêu
người, không hại người, khoan nhượng, trắc ẩn, không vong ân, phù hợp
đạo giao lưu – dung thông).
Trong quá trình tự trau dồi tự hoàn thiện lòng NHÂN và LƯƠNG TÂM, nên
hàng ngày tựtrắc nghiệm, tự kiểm tra mình về động cơ vị kỉ và động cơ vị
tha trong mọi hoạt động. Vị tha không chỉ là làm một số việc từ thiện
cho người tật bệnh, nghèo khổ, thiệt thòi nhất, mà rất có ý nghĩa là làm
những việc tốt giản đơn cho người xung quanh, và cao nhất là dấn thân
tự dâng hiến cho sự nghiệp phụng sự Tổ quốc và giải phóng con người.
Như nêu trên, trong các nội dung trước tiên của tu luyện tâm hồn là rèn
tập không ngừng trong LÀM ĐIỀU THIỆN. ‘Làm điều thiện’ nghe thật dễ
hiểu, song cần chú ý mấy đặc điểm:
(1) phải đúng là xuất phát ‘từ bên trong’, nếu như chưa từ lòng bác ái -
rộng tình thương yêu như huynh đệ ruột thịt, thì cũng phải từ tâm hồn
nhân ái giác ngộ lẽ vị tha vô tư đích thực.
(2) Lại phải thường xuyên, không ngừng.
(3) Và đã trở thành một thói quen (tập quán): trong quá trình rèn tập
thói quen tốt này, tối thiểu cần hình thành một kỉ luật tự giác trong
lòng là gặp điều thiện cần làm và không ngoài khả năng thì dầu nhỏ mấy
cũng không bỏ qua. Kỉ luật ban đầu, do làm ‘riết’ sẽ trở thành thói quen
tốt.
Khi đã thành thói quen của lòng người thì nó không thể biến mất được, sẽ là đầu mối mọi niềm vui.
Có bao nhiêu tính ‘thiện’ tự bên trong con người tốt thì sẽ có bấy nhiêu
vẻ đẹp và cao thượng hiện ra trước con mắt tinh đời của mọi người,
chẳng gì che khuất mãi được. Đó là lượng giá của đời bao giờ cũng công
bằng dù cho nhiều khi công bằng tới muộn.
Còn mấy kẻ mới nổi lên, dù không sẵn cái tâm, cái ‘kỉ luật tự giác’ làm
việc thiện thì cũng buộc họ phải làm. Sách cổ Ấn Độ Panchatantra nêu:
“Khi đạt được vương quyền, người ta phe phẩy như tai con voi động cỡn,
“Hưởng nó, chớ quên làm điều thiện.”
Riêng những người ác và người xấu, chỉ bo bo giữ của, khư khư “giữ tủ”
(dấu kiến thức), hoặc nặng hơn - ích kỉ hại nhân .., thì phải làm sao?
Chỉ biết rằng dầu “giỏi” đạo đức giả đến mấy, rồi họ vẫn sẽ bị con mắt
tinh đời dần dần nhận diện ra. Họ cần kiên quyết tạo lại những điều cơ
bản từ tâm hồn, nếu không thì không cơ may thành ‘nhân’ được.
Những nội dung tiếp theo của rèn luyện tâm hồn là tôn trọng và trau dồi
chân thiện mỹ; chí, khí; những phẩm chất cao thượng cùng những tư tưởng
thanh cao:
CHÍ và KHÍ không thể thiếu vắng trong tâm hồn mỗi con người chúng ta.
CHÍ là ý muốn bền bỉ đi tới đích. KHÍ là sức mạnh thể chất và tinh thần
thường xuyên cần thiết trên đường đi tới đích. Nội dung của chí và khí
có thể là: chí tiến thủ, chí kiên định, khí hạo nhiên .
Chí tiến thủ là không bao giờ tự mãn mà đổi mới không ngừng.
Chí kiên định là tính bất biến của tâm hồn trước vạn biến của phú quý,
bần tiện, uy vũ (theo cách dùng chữ của Mạnh Tử). Nhờ nó, con người ta
mới mong dần dần đáng bậc ‘trượng phu’. Nhất là trong cảnh ngộ nghèo
khó, vẫn giữ được nhân phẩm, ‘đói cho sạch rách cho thơm’. Trên suốt cả
đường đời (với cái thế phơi phới liền một mạch không bị ngưng cắt từng
lúc) cho dù gánh nặng, đường xa, nếu có chí kiên định thì:
“Đã làm điều gì tốt, phải làm kỳ được, làm đến cùng, tới chết mới thôi,
“Con đường như thế chẳng là dài hay sao”
(Sách Luận Ngữ).
Khí hạo nhiên từng được Mạnh Tử, Nguyễn Công Trứ bàn khá nhiều. Nó có
liên quan chuyện nuôi dưỡng tâm hồn. Có 3 chữ hạo, 1 là bầu trời mùa hạ,
2 là rộng lớn mênh mông, 3 là sáng sủa. Để dễ hiểu, có thể coi khí hạo
nhiên là cái sức mạnh rất lớn, khảng khái, ngay thẳng, chính đại quang
minh, nên thanh thản giúp nhìn xa trông rộng, hướng vào tư tưởng cao
thượng. Lời thơ thật hào hùng khoáng đạt:
“Khí hạo nhiên chí đại chí cương
“So chính khí đã đầy trong trời đất …”
Đọc 2 câu ấy (trong bài hát nói “luận kẻ sĩ” của Nguyễn Công Trứ”), suy
ngẫm nghĩa và lí, chắc hẳn stress nặng nề bao nhiêu rồi cũng có thể
thuyên giảm, lấy lại được sức mạnh tiến tới đích.
RÈN TẬP NHỮNG PHẨM CHẤT CAO THƯỢNG là nội dung quan trọng của ‘rèn luyện
từ gốc tâm hồn để làm người’. Những đức tính, phẩm chất ấy đều mang
tính lạc quan tươi sáng, chỉ nảy sinh từ những tâm hồn mạnh đã được rèn
luyện, ví dụ như:
- Đức tin mãnh liệt ở tất thắng của lí tưởng, ở bản thân mình (tự tin, không sợ hãi);
- Niềm hi vọng không bao giờ đánh mất; thường hi vọng trên cơ sở giác ngộ quy luật của phát triển vốn đa biến và rất năng động. Ý của Mạnh tử xưa đẹp như thơ:
“Cây lớn một ôm tay
“sinh từ gốc nhỏ này.
“Lầu chín tầng đồ sộ
“khởi đầu - hòn đất nhỏ
“Đi ngàn dặm thế gian
“khởi đầu - một bước chân.”
(NHD tạm dịch)
Lòng say mê, vui đời và hài hước; ngay cả lúc nguy nan, điều quan trọng
nhất là thản nhiên xử lí và có điểm vài nét thư duỗi và chất hài hước
Việt Nam nữa;
Tình yêu thương, đồng cảm, cảm thông, trắc ẩn đối với bản thân, với
thiên nhiên (từ trăng, biển, hoa, muông thú…), với đồng loại (gia đình,
người thân, bầu bạn, cộng đồng gần; rồi tổ quốc dân tộc mình, nhân
loại). xoá tệ cục bộ điạ phương, đặt nghĩa cả trên lợi riêng;
Lòng tôn trọng đã thành nếp, thành kỉ luật đối với sự thật, lẽ phải,
chân lí, pháp luật, đối với trách nhiệm và bổn phận mà mỗi người phải
làm tròn, rồi đối với mọi điều thiện và mọi vẻ đẹp, mọi phẩm chất và bậc
hiền tài. cho đến tôn trọng mọi người (cũng chính là tự tôn tự trọng
vậy). Ngày nay trong kinh tế thị trường không dễ tìm thấy những người
thực sự có phẩm chất ‘trọng nghĩa khinh tài’, biết ‘tôn đức quý hiền’.
Nội dung tiếp theo của rèn luyện tâm hồn là TỰ VUN BỒI BẢN SẮC TÂM HỒN VIỆT NAM.
‘Tu dưỡng từ gốc tâm hồn để làm người’ là rèn tập những phẩm chất cao
thượng như vừa nêu trên, thì càng không thể không tập trung vào những
phẩm chất tiêu biểu nhất trong cốt lõi, bản chất sâu nhất của truyền
thống (bản sắc) tâm hồn Việt Nam.
Đó là cái bản sắc giản dị mà sâu sắc đã giúp Việt Nam dù mấy ngàn năm
bị đô hộ, dù bị Mã Viện cho thu gom hết trống đồng đúc ra ngựa đem đi và
đúc trụ đồng đe doạ, dù bị Trương Thụ nhà Minh gom hết sách vở chở đi
hoặc đốt sạch, và đập nát hết bia đá xoá sạch di tích lịch sử dân tộc
(tàn bạo thâm hiểm thay!),..mà ta chẳng bị đồng hoá; cũng là cái bản sắc
văn hoá tinh thần mạnh mẽ căn bản đã làm một trong các yếu tố chính
giúp ta thắng giặc Mỹ mặc dù chúng đã dùng tới 7 triệu tấn bom, hơn 6
triệu rưởi lượt lính Mỹ với 720 tỷ đô la, đã dã man dùng dioxin (da cam)
còn di hại thảm khốc nhiều thế hệ cháu con ta.
Có người ví von cái bản sắc ấy là cái gien (gene) của cộng đồng dân tộc ta, mà nếu đem phân tích ra, ta có:
- Yêu nước Việt Nam muôn vàn yêu thương, yêu cốt nhục đồng bào đã trải bao đau khổ,
- Cần cù lao động, ‘chịu thương chịu khó’,
- Khoan dung về tín ngưỡng và tư tưởng,
- Người hoà hợp với người và với thiên nhiên,
- Coi trọng nghĩa tình, nghĩa tình làm gốc cho gan dạ bất khuất; bất khuất để bảo vệ và phát huy nghĩa tình.
- Ưng xử cũng từ đó mà vừa cứng cỏi, vừa mềm mại, kiên nhẫn mà thông minh.
- Đầu óc thực tiễn nhưng truyền thống thanh lịch, không thực dụng trần trụi thô thiển,
- Yêu thành ngữ-tục ngữ-ca dao, yêu văn học-nghệ thuật, tinh hoa văn hoá, nền văn hiến, đất nước, lịch sử, con người Việt Nam mà nếu chẳng hiểu biết được bao nhiêu (viện cớ bận sinh nhai, hoặc hoàn cảnh quá nhiều năm xa quê hương) do chẳng chịu tìm hiểu và thật sự học tập nên, cứ như mới trên trời rơi xuống thì cũng đáng lấy làm xấu hổ chứ.
- Khát vọng tự do. Ngay như cái khát vọng nhàn tản thuở trước có lẽ nên hiểu là một khía cạnh của yêu tự do: cái nhàn minh triết nắm được quy luật tất yếu của nhân sinh, thoát ngoài những quan niệm cổ hủ, tầm thường, thoát ngoài những khen chê phàm tục, thăng chức đâu lấy làm vinh, xuống chức chẳng lấy làm nhục, giữ ung dung tự tại, thế là tự do vậy.
Khi tu luyện tâm hồn bằng vun bồi bản sắc tâm hồn Việt Nam truyền thống ấy, ta quan niệm rõ sự không bất biến, cho nên vừa cần bảo tồn vừa cần nâng cao. Bản sắc tâm hồn Việt Nam
luôn động – phát triển theo hình trôn ốc, ta trở lại là ta nhưng ở
‘đỉnh’ (mức) cao hơn. Nên sẽ mãi là tinh tuý nhất và cô đọng nhất. Mỗi
chúng ta luyện tâm hồn để luôn ngang tầm đó.
Ta hiểu rõ trong bản sắc tâm hồn Việt Nam có tính nhân loại. Có thể nghĩ rằng những ‘bản sắc’ nêu trên không phải chỉ Việt Nam mới có, đâu phải đặc thù riêng Việt Nam? Đúng, nhiều điểm trong đó mang tính toàn nhân loại, tuy nhiên vấn đề là ở đậm độ khác nhau: ở người Việt Nam chúng đậm đặc hơn, nổi trội lên trong một thời gian lịch sử khá dài lâu. Nhà thơ Huy Cận nói:
“đi sâu vào hồn ta, ta gặp dân tộc;
“đi sâu vào hồn dân tộc, ta sẽ gặp hồn nhân loại”
Cho nên mỗi chúng ta rèn luyện những phẩm chất trong bản sắc tâm hồn dân
tộc ta, chỉ từ đó ta mới đủ căn bản và bản lĩnh để dễ dàng tiếp cận tâm
hồn các dân tộc khác và hồn nhân loại. Ta tuyệt đối không kì thị chủng
tộc, không bài ngoại, mà thích thú chọn lọc tinh hoa thế giới để tiếp
thu, nhất là trên đường hiện đại hoá nước nhà. Ở phạm vi vĩ mô cả nước
ngày nay, phương châm “linh hồn, đạo lí Việt Nam
+ kỹ thuật, thực hành Âu Mỹ” là hợp lí và hoàn toàn không ngược với nội
dung tu luyện tâm hồn bằng vun bồi bản sắc tâm hồn Việt Nam nêu trên.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét