001-234-567-8910

5th Avenue Madson, NY758, USA

Get Update on our recent Gadgets & Tabs

Recent Comments

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Nếu không biết 10 lời này, những việc tưởng chừng ‘hữu ích’ cũng hóa thành không

Kết quả hình ảnh cho đức phật


Người ta hàng ngày vẫn làm rất nhiều việc, và đều cho rằng đó là những việc làm hữu ích, sẽ tích được vô số âm đức. Tuy nhiên, để thực sự hữu ích lại không hề đơn giản, tất phải có tiêu chuẩn rõ ràng.

Lâm Tắc Từ sống ở triều đại nhà Thanh, là một nhà giáo rất nghiêm khắc. Khi còn bé ông được sống trong gia đình có gia phong chuẩn tắc, sau khi trưởng thành ông cũng tự mình làm gương để giáo huấn con cháu.
Năm 50 tuổi, ông đã soạn ra “Mười vô ích”, tổng hợp những việc làm thường được người ta coi là có ích, phân loại ra để làm giới định. Nói cách khác, nếu chưa đạt một số điều kiện, thì một sự việc xem có vẻ như hữu ích, nhưng rất có thể là vô ích.
Bài “Mười vô ích” này đã được Lâm Tắc Từ lấy làm tiêu chuẩn tu dưỡng của mình, và cũng lấy nó để giáo huấn con cháu sau này.
Một: “Tâm bất thiện – phong thủy tốt vô ích”
Nếu như nội tâm không lương thiện, dù có chú trọng vào phong thủy thì cũng vô dụng.
Hai: “Bất hiếu với cha mẹ – cúng thờ Thần vô ích”
Nếu như không hiếu thuận với cha mẹ, dù cho thờ phụng thần linh cũng không có tác dụng gì.
Ba: “Anh em không hòa thuận – kết giao bằng hữu vô ích”
Nếu như anh em chung một nhà cư xử với nhau không tốt, ra bên ngoài kết giao bao nhiều bạn bè cũng chẳng ích gì!
Bốn: “Hành vi không đúng đắn – đọc sách vô ích”
Một người lời nói và việc làm không đứng đắn, thì đọc nhiều sách hơn nữa cũng khó mà thay đổi bản thân.
Năm: “Tâm cao khí ngạo – học nhiều vô ích”

Kết quả hình ảnh cho việc ác
Nếu như một người kiêu ngạo, tự cao tự đại, luôn nghĩ mình đúng, vậy thì học nhiều cũng như không.
Sáu: “Làm việc quái đản – thông minh vô ích”
Nếu như một người làm việc cố chấp, vô lý, như vậy dù có thông minh cũng không kết giao được với những người bạn tốt.
Bảy: “Thời vận chưa đến – quá đòi hỏi vô ích”
Nếu như thời cơ chưa đến, thì có cưỡng cầu cũng vô dụng, vì thế nên kiên trì hoàn thiện chính mình, và thuận theo tự nhiên!
Tám: “Chiếm của người khác – bố thí vô ích”
Nếu như một người thông qua phương thức bất chính để thu lợi, như vậy cho dù có cầm số tiền này đi làm việc thiện cũng là vô dụng!
Chín: “Không tiếc nguyên khí – y dược vô ích”
Nếu như một người không yêu quý thân thể của mình, đợi đến khi nguyên khí bị tổn thương rồi, về sau có dùng y dược nhiều bao nhiêu không làm khí lực quay trở lại như lúc còn khỏe mạnh được!
Mười: “Dâm ác tứ dục, âm đức vô ích”
Nếu như một người sống phóng túng xa xỉ, hoang dâm vô độ, cho dù có làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức cũng uổng công vô ích!
(Sưu tầm)

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Là con người chỉ cần học được 3 điều này thì sẽ vui vẻ hạnh phúc

Có một tỷ phú sống trong căn biệt thư xa hoa. Nhưng một ngày kia mắc bệnh hiểm nghèo, ông chợt nhận ra rằng tất cả những gì là danh vọng, tiền tài và vật chất, thực ra đều hư vô như mây khói.
Vì lo sợ sẽ không sống được bao lâu nữa, ông bèn tìm đến một vị danh y để xin lời khuyên. Sau khi bắt mạch, danh y nói với ông rằng: “Bệnh của ông ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi. Tôi sẽ kê cho ông ba đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo.”
Vị tỷ phú về nhà, trong lòng phấp phỏng hy vọng. Ông lấy đơn thuốc đầu tiên ra và đọc: “Hãy đến một bãi biển và nằm đó khoảng 30 phút, làm liên tục như vậy 21 ngày.” Mặc dù thấy khó hiểu, nhưng ông vẫn quyết định ra bờ biển. Ông lang thang một vòng rồi ngả lưng nằm trên bãi cát. Bất chợt một cảm giác nhẹ nhàng và khoan khoái vô cùng bao trọn thân thể ông. Vì trước đây công việc bận rộn nên ông không có cơ hội nghỉ ngơi. Nay ông có thể tĩnh tâm lại để lắng nghe tiếng gió thổi vi vu, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn với tiếng kêu thánh thót của đàn hải âu gọi bầy… Trái tim ông bỗng thổn thức, chưa bao giờ ông có được cảm giác thoải mái như bây giờ.
Ngày thứ 22, ông mở đơn thuốc thứ hai, trong đó viết: “Hãy tìm 5 con cá hoặc tôm rồi thả chúng xuống biển, liên tục như vậy trong 21 ngày.” Trong lòng ông đầy rẫy những băn khoăn, nhưng vẫn cặm cụi đi mua tôm cá rồi thả chúng ra biển. Ngắm nhìn từng con vật bé nhỏ được trở về với biển khơi, trong lòng ông không nén nổi nỗi xúc động.
Ngày thứ 43, ông đọc đơn thuốc thứ ba: “Tìm một cành cây và viết những điều khiến ông cảm thấy không hài lòng lên bãi cát.” Nhưng khi ông vừa viết xong, thủy triều lại cuốn tất cả xuống biển. Ông lại viết, sóng lại cuốn đi, lại viết, lại cuốn đi, rồi lại viết, và lại cuốn đi… ông bật khóc nức nở vì chợt hiểu ra tất cả. Khi về nhà ông cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, tinh thần chưa bao giờ thoải mái và tự tại đến thế, thậm chí ông cũng không còn sợ cái chết nữa.
Thì ra con người ta chỉ cần học được 3 điều trên thì sẽ vui vẻ hạnh phúc:
Thứ nhất: Nghỉ ngơi
Thứ hai: Cho đi
Thứ ba: Buông xuống

 
phat

Là người nhất định phải biết NGHỈ NGƠI
Phật giáo cho rằng, trong xã hội này có hai loại người. Một là quá tham lam, mong muốn và theo đuổi sự thành công, mong muốn kiếm tiền, ham muốn sao cho mình không ngừng vươn xa hơn nữa. Còn loại người thứ hai sống không có mục đích, không có chí tiến thủ.
Nhưng chúng ta cần nhận thức rõ rằng, có người mới được ít đã thấy đủ; có người biết đủ và cảm thấy vui vẻ, đây là hai dạng người không giống nhau. Người được ít mà thấy đủ chính là người chỉ cần được chút ít đã xem là đủ; người biết đủ cảm thấy vui vẻ chính là người có nhiều cũng cảm thấy đủ, có ít cũng cảm thấy đủ, có được nhiều thì càng tốt, có được ít cũng không sao, họ không để mình cảm thấy đau khổ, không làm tổn hại đến người khác, đó chính là biết đủ sẽ cảm thấy vui vẻ – tri túc.
Nếu một người lao đầu vào kiếm tiền, không chừa thủ đoạn nào để theo đuổi thành công và tài phúc mà không biết dừng nghỉ sẽ có ngày cảm thấy vô cùng mỏi mệt. Theo đuổi những chân trời viễn mộng khiến ta rất đau khổ, rất căng thẳng, bởi vì khi đã giành được nó ta lại sợ sẽ mất đi, sau khi mất đi thì lại muốn giành được nó, cũng gần giống như việc đánh bạc, mong muốn tất cả những đồng tiền ở túi kẻ khác là tiền của mình, bị thua lại mong thắng, thắng được rồi lại muốn thắng nữa, không bao giờ biết thỏa mãn.
Người thông minh là người biết nên làm và nên nghỉ ngơi hợp lý. Có như thế mới cân bằng cuộc sống và an nhiên, tự tại.
Đồng thời, con người sống cũng phải biết CHO ĐI
Trong cuộc sống này, những gì ta cho đi bằng tình người mới thật sự đúng nghĩa là cho mà không phải là sự trao đổi hay mua bán dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, nếu ta biết cho đi những giá trị vật chất để giúp đỡ hoặc chia sẻ khó khăn cho người khác thì đây chính là cách giúp ta có thể nhận lại được niềm vui và hạnh phúc bởi trong ta không có sự toan tính. Khi cho đi mà chúng ta không kèm theo bất cứ một điều kiện hay sự mong cầu nào thì chính ngay khi ấy chúng ta đã nuôi dưỡng được lòng từ bi vô hạn. Khi ta cho mà không có sự tính toán thì sự cho ấy mới là cao thượng nên ta sẽ nhận được sự an lạc, hạnh phúc.

 
phat.01

Còn một điều nữa, đó là phải học cách  BUÔNG XUỐNG
Nếu như con người biết buông xả trongđời sốnghiện tại. Buông đi những lợi danh, buông đi những hận thù chấp nhặt. Đồng thời xả đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, xả đi những “tham – sân – si” trong cuộc sống thường nhật thì sẽ tự tìm thấy cho mình niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn.
Bởi khi biết buông xả thì tâm ta mới trong sáng để vượt qua những cám dỗ của tham, sân, si, của mạn nghi ác kiến để rồi nhìn thấy niềm vui xung quanh ta.
Có buông xả được thì lòng ta mới rộng mở, ai nói gì không vừa ý cũng bỏ qua mà không chấp. Nếu ai có làm điều gì xúc phạm cũng dễ dàng tha thứ, mà nếu có giận có buồn thì chỉ một vài phút hoặc một vài giờ, cùng lắm qua một đêm rồi quên hết đi cho đời mình được an vui.
Tham lam là một liều thuốc độc, và dục vọng là con dao hai lưỡi; có một cuộc sống ổn định rồi vẫn muốn theo đuổi sự thoải mái; có cuộc sống thoải mái rồi lại muốn hưởng thụ những vật chất xa hoa… Nếu dục vọng không có điểm dừng thì con người vĩnh viễn không bao giờ cảm thấy đủ, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, và cũng không bao giờ tìm kiếm được niềm vui. Hãy trân trọng những gì bạn đang có, bạn sẽ thấy rằng bản thân mình là người giàu có nhất trên cõi đời này.
Sưu tầm

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Người lương thiện không tranh không cãi, người tranh cãi không phải người lương thiện

Kết quả hình ảnh cho người lương thiện
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên gặp một số người khéo ăn khéo nói, giỏi tranh biện. Nhưng cũng có lúc lại gặp người nhẫn nhịn, không tranh, không biện. Kỳ thực, đó đều là thể hiện của hai loại cảnh giới hoàn toàn khác sau.
Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết rằng: “Đạo của bậc Thành nhân là làm mà không tranh”. Câu nói này khiến nhiều người bừng tỉnh đại ngộ. Suy ngẫm một chút, lời ấy thật đúng! Lời nói ngọt, lời khéo không phải là một loại tài năng chân chính. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.
Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử cũng viết: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện” (Tạm dịch: Người thiện thì không tranh cãi, người tranh cãi thì không phải người thiện). Nguyên văn câu này là: “Tín ngôn bất mĩ, mĩ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện. Tri giả bất bác, bác giả bất tri” (Tạm dịch: Lời chân thành không hoa mỹ. Lời hoa mỹ không chân thành. Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Người biết không học rộng, người học rộng không biết). Ý tứ rằng, lời nói thật thì không nhất định sẽ êm tai, lời nói êm tai thì không nhất định là lời nói thật. Người tốt trên thế gian sẽ không nhất định “hoa ngôn xảo ngữ” , lời ngon tiếng ngọt. Người giỏi ăn nói, nói lời ngon ngọt lại cũng không nhất định là người tốt. Người thông minh không nhất định là người thông thái học rộng. Người học rộng, thông thái lại cũng không nhất định là người thông minh thật sự.
Việc tu hành của đời người quan trọng là ở chỗ làm, không phải ở lời nói, tranh biện. Chân lý không cần mỗi ngày đi tranh biện, tranh luận không ngớt, cũng không nhất định phải tranh biện hàng ngày để ra chân lý. Hết thảy chân lý và chính đạo, chỉ có chân chính dụng tâm thực tu mới có thể chân chính lĩnh ngộ.
Kết quả hình ảnh cho người lương thiện

Khổng Tử giảng trong “Luận ngữ – Lí Nhân”: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành” (Tạm dịch: Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh nhạy).  Trong “Luận ngữ – Học Nhi”, Khổng Tử lại giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn.” (Tạm dịch: Bậc quân tử ăn nhưng không cầu ăn no, ở không cầu an, nhanh nhẹn, minh mẫn trong việc làm nhưng rất thận trọng về lời nói). Từ điều này có thể thấy, con người sống trong nhân gian nên nói ít làm nhiều.
Ở điểm này, cả Khổng Tử và Lão Tử đều hoàn toàn nhất chí. Bởi vậy, trong cuộc đời, chúng ta làm bất cứ việc gì cho dù là tu hành hay sinh hoạt cuộc sống đời thường đều nên phải làm đến nơi đến chốn, làm thật chứ không thể chỉ nói lời êm tai, lời hay mà không thực tế hành động.
Nếu suy nghĩ điều này một cách cẩn thận, chúng ta có thể hiểu đạo lý rằng, một người lương thiện, có nhiều khả năng không cần phải đi tranh biện với người khác. Họ sẽ không chỉ dùng lời nói để chứng minh họ đúng. Cho dù  là phải đối mặt với lời phỉ báng hay bị người khác công kích, họ cũng có thể dùng hạnh động để chứng minh mình vô tội và trong sạch.
Những người có thể nhẫn nhịn không tranh biện thông thường đều là những người miệt mài làm việc. Họ nhất định là mang trong mình một tâm không tranh với đời.  Trái lại, những người tranh biện hằng ngày thật ra không phải là những người thực sự có năng lực. Mặc dù khi tranh biện với người khác, họ luôn muốn thể hiện năng lực của họ. Nhưng, người chân chính thiện lương sẽ không cần dùng lời hoa mỹ và khôn khéo để được người khác khen ngợi. Người nói suông mà không thật sự hành động thì cũng chỉ là người không làm được tích sự gì.
Trong tu khẩu, điều đầu tiên phải chú trọng chính là tránh không nói những lời khoa trương, khoác lác, không tùy tiện bình phẩm người khác, chân thành đối đãi với mọi người, giúp mọi người làm việc tốt, gặp ma nạn thì nhẫn nhịn không tranh biện. Đây là những điều mà bậc chính nhân quân tử làm.

                                                                         Sưu tầm

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Chuyện xưa ngẫm lại: Đừng tham lợi nhỏ trước mắt mà đi sai đường

Kết quả hình ảnh cho chuyện xưa


Lợi ích trước mắt chính là thứ cám dỗ nguy hiểm, nó có thể khiến con người ta lầm đường lạc lối, thậm chí đánh mất cả tương lai.

Người xưa thường nói: “Trong miếng mồi ngon tất có con cá chết”. Lời nói đó vô cùng đúng, nhất là trong xã hội hiện nay, khi có nhiều bậc cha mẹ luôn không ngừng lấy tiền của ra “chiêu đãi” con cái rồi cho đó mới là thương yêu. Nhưng mấy ai biết rằng, chính sự thương yêu lầm lạc ấy mang lại tai hại nhiều hơn là lợi ích.
Nếu con cái từ nhỏ đến lớn chỉ biết sống trong nhung lụa, chưa bao giờ phải bươn chải ngoài đời, rồi đến một ngày khi cha mẹ không còn nữa, liệu có ai dám chắc chắn rằng con mình sẽ sống mà không khổ. Chi bằng hãy học cách dạy con, để chúng tập tành dần với những bài học cuộc đời và rút ra kinh nghiệm cho bản thân, cũng như hình thành đạo đức, nhân cách sống tốt đẹp.
Vậy thế nào mới là nuôi nấng con cái một cách khôn ngoan sáng suốt? Câu chuyện sau đây có thể làm sáng tỏ phần nào:
Thời Xuân Thu Chiến quốc, Tôn Thúc Ngao làm lệnh doãn nước Sở lập nhiều công lao. Ông từng điều động người dân tháo nước sông Kỳ Tư tưới ấp Vu Lâu, tạo nên Kỳ Tư Bi, công trình thủy lợi dạng kênh ngòi đầu tiên được sử sách ghi nhận. Tôn Thúc Ngao cũng là người phù tá Sở Trang vương đánh bại quân Tấn ở đất Bật, hoàn thành nghiệp lớn.
Khi làm quan, Tôn Thúc Ngao đã thi hành nhiều chính sách giáo hóa, khiến cho trên dưới hòa hợp, phong tục tốt đẹp, giảm nhẹ hình phạt, quan lại không tham nhũng, giặc cướp không nổi lên, thu đông khuyên dân cày cấy, xuân hạ chài lưới. Nhờ những chính sách của Tôn Thúc Ngao mà dân chúng sinh hoạt an vui, nước Sở trở nên giàu mạnh.
Lúc Tôn Thúc Ngao sắp qua đời, ông gọi các con lại dặn dò:
“Sở vương đã nhiều lần tỏ ý muốn ban cho cha những chỗ ruộng đất phì nhiêu nhưng cha không nhận. Khi cha chết đi, thế nào Sở Vương cũng ban cho các con, nhất định không được nhận lấy. Nếu quá ép buộc, các con hãy xin Sở Vương ban cho mảnh đất Tẩm Khâu. Nơi đó là đất khô cằn hoang sơ, lại nằm giữa biên giới Sở – Việt nên chẳng ai thèm dòm ngó đến. 
Người Sở vốn mê tín dị đoan, còn người Việt thì nhút nhát sợ tai hoạ, vì thế đều ghét bỏ đất ấy. Các con giữ mảnh đất này thì sẽ không còn ai tranh chấp nữa, như thế sẽ giữ được đất phong hoá khô cằn lâu dài hơn là nhận chỗ đất màu mỡ”.
Khi Tôn Thúc Ngao qua đời, quả nhiên Sở Vương đề nghị ban phong cho các con của ông những chỗ đất vô cùng trù phú, màu mỡ. Các con của Ngôn Thúc Ngao nhớ lời cha dặn, nhất quyết chỉ xin đất Tẩm Khâu, quả nhiên truyền đời được rất lâu, không ai nhìn ngó hoặc tranh giành gì cả.
Tôn Thúc Ngao dạy con biết nhìn xa trông rộng, không nên chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bỏ qua sự bền bỉ lâu dài. Hơn nữa, phẩm chất thanh liêm mà ông ngầm hướng dẫn các con cũng là một điều cao quý. Tôn Thúc Ngao chính là tấm gương về sự tài trí thanh bạch mà các bậc phụ huynh cần học hỏi.

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Chuyện không cách nào thay đổi, thì cứ để nó tự nhiên đi

Vào một ngày của năm 1082, Tô Đông Pha trên đường gặp mưa, không mang theo đồ che mưa. Với người thường thì chỉ có hai chữ là ‘thê thảm’, nước mưa đổ xuống trong rừng trúc phát ra âm thanh rất rõ ràng, không tránh khỏi chạnh lòng.
Kết quả hình ảnh cho dĩ vãngTô Thức lạ thường thay, cứ như vậy mà viết ra: “Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh, hà phướng ngâm khiếu thả từ hành” (Chẳng nghe tiếng xuyên rừng gõ lá, sao không ngâm vang chậm rãi bước), hai câu thơ mà tôi thích nhất trong Tống từ. Không dùng “bất thính” (không nghe) mà dùng “mạc thính” (chẳng nghe).
“Bất thính”, tính cương quyết đó, là phải vận dụng sức mạnh của ý chí, để đối kháng lại với tiếng mưa. Còn “mạc thính”, thì ta có thể lựa chọn nghe, nhưng âm thanh đó cũng chỉ là ngoại cảnh, tâm của ta có thể quyết định nghe thấy, hay không nghe thấy. Chỉ với một chữ “mạc” mà cảnh giới đã trở nên thung dung tự chủ.
“Hà phướng ngâm khiếu”, từ “hà phướng” cũng là một sự thư thái, dù sao thì cái hiện thực bị ướt như chuột lột cũng không thể thay đổi, vậy chi bằng ngâm lên khúc du hành của lúc đó. Chuyện không cách nào thay đổi, thì cứ để nó tồn tại một cách tự nhiên đi.
Tô lão lúc đó chỉ cầm một cây gậy trúc, chân đi loại giày cỏ như trong “Thiện nữ u hồn”, từ đầu đến chân đều bị ướt, cũng không cưỡi ngựa. Nhưng ông nói: “Trúc trượng mang hài khinh thắng mã, thùy phạ?” (Gậy trúc giày rơm nhẹ hơn ngựa, ai sợ?), từ sự tự chế giễu tiêu cực mà bộc phát thành thú vui, trong mưa cầm gậy đi giày rơm nhẹ nhàng thoải mái, còn tiện lợi hơn là cưỡi ngựa.
Kết quả hình ảnh cho dĩ vãng
Mưa tạnh rồi, lại có lời vàng: “Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xứ, quy khứ, dã vô phong vũ dã vô tình” (ngoảnh nhìn chốn hiu hắt trước nay, về thôi, cũng không mưa gió không trời trong). Cảnh giới đã tương đối cao: được rồi, mưa tạnh rồi, khô người rồi, mưa xong tự nhiên trời sẽ trong, làm người không cần phải phát hoảng khi đang trong nghịch cảnh. Tô Đông Pha lại có thể hiểu thấu đáo không chút chướng ngại, mưa có thể không phải mưa, trong nghịch cảnh dựa vào tâm cảnh mà tự thấy an vui, vì vậy, trời trong cũng không phải trời trong, sự biến hóa của vạn pháp vô thường đã không liên quan đến tâm cảnh của ông nữa.
Tôi thường hay nghĩ, lỡ như vận số yếu gặp phải ma, cũng sẽ học tập Tô lão, trong lòng không có ma, nên là, không nhìn thấy. Không nhìn thấy, sau đó quay lưng bỏ đi, ngâm vang: “cũng không mưa gió không trời trong”.
Cảnh giới của bảy chữ này, đáng để chúng ta dùng làm khẩu thiền trong hoàn cảnh biến hóa của vô thường.
Chú thích:
*Tô Thức: Tô Đông Pha
*Tống từ : là một loại thơ ca được xem là văn chương thành tựu trong đời nhà Tống, câu cú có thể dài ngắn khác nhau nhưng âm tiết rất nhịp nhàng, có thể ngâm đọc hoặc hát.
*Thiện nữ u hồn: thiện nữ u hồn trong bài nhắc đến hình như là một bộ phim của Trung Quốc.

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Bản chất của tiền bạc là gì?

Con người sống trên đời, có rất nhiều người mỗi ngày đều vì cơm áo gạo tiền mà ra sức làm việc, vì một chút lợi ích nhỏ mà vui mà buồn, có một số còn tệ hơn, vì tranh chấp tiền bạc mà trở mặt thành thù. Rất nhiều người đều nói tiền bạc là vật ngoài thân, vậy mà từ xưa đến nay những người vì tiền phải làm chuyện nguy hiểm thì nhiều vô số kể.
Kết quả hình ảnh cho tiền bạcTuy chuyện đã qua hơn hai mươi năm, nhưng tôi vẫn không quên một câu chuyện nhỏ xảy ra trong thời thơ ấu. Trên đường tan học đi về nhà, đi ngang qua một cái hồ vừa mới đóng băng. Một thương gia với trò đùa quái ác, cố ý ném vài đồng tiền vào trong hồ, khiến cho một người bạn làm ăn tên Tài không tiếc thân mình mà nhảy xuống giữa hồ. Kết quả lớp băng mong không chịu nổi thể trọng của anh ta, băng nứt ra chìm xuống hồ, Tài không những không nhặt được đồng tiền, ngược lại vì hồ nước mà bị cảm lạnh rất nặng, nghỉ bệnh hơn một tuần.
Vì vậy tôi ngộ ra được, con người đứng trước danh lợi luôn bị mất đi lý trí, làm những việc nguy hiểm. Tuy rằng tôi thường xuyên nhắc nhở bản thân phải lấy đó mà cảnh giác, sau khi trưởng thành lại dần dần lý giải được ý nghĩa của câu nói: “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn”.

Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn…
Danh và lợi đối với con người mà nói là một sự mê hoặc vĩnh viễn. Danh lợi có lúc sẽ làm cuộc sống của một người lan tỏa thứ ánh sáng tuyệt đẹp, nhưng chẳng qua cũng chỉ như sự tỏa sáng của pháo hoa, đứng ở đoạn cuối của cuộc đời rồi nhìn lại, tôi tin chắc mỗi người đều thấm thía rằng danh lợi như nước tự xuyên qua kẽ tay trôi đi, như mây khói tan biến ngay trước mắt. Biết bao nhiều người giàu có trở thành nô lệ của đồng tiền, người thành danh thì lại than rằng : “Đứng trên cao không chịu nổi lạnh lẽo”, họ vì danh lợi mà hao phí hết tinh lực của cả đời. Cuối cùng thì niềm vui trong sáng nhất của cuộc đời đã bị mất hết hoàn toàn, vậy có phải là đời người rất đáng buồn và nhạt nhẽo không?
Không thể phủ nhận, con người sống trên đời, không cách nào thoát ly tiền của. Cũng không thể phủ nhận, cho dù có tích lũy bao nhiêu tiền, đến lúc rời khỏi cõi đời này thì một đồng cũng không thể mang theo. Vì vậy, khi đã kiếm đủ tiền chi tiêu cho cuộc sống, mà vẫn một lòng theo đuổi tiền bạc thì sẽ làm mất đi giá trị đích thực của đời người.
Thi tiên Lý Bạch thời nhà Đường trong trong “Tương Tiến Tửu” có viết: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, thiên kim tán tận hoàn phục lai”  (trời sinh ta giỏi tất hữu dụng, ngàn vàng tiêu hết sẽ có lại), đây là cách miêu tả tuyệt diệu về thực chất của tiền bạc.
Kết quả hình ảnh cho tiền bạc

Con người sống trên đời, quý ở chỗ giàu mà có đức. (Ảnh: Internet)

Con người sống trên đời, quý ở chỗ giàu mà có đức. Giàu mà không có đức sẽ làm nguy hại đến chúng sinh, hậu quả của những kẻ giữ của keo kiệt và những nhà giàu tiêu tiền như nước trong lịch sử đều vô cùng đáng buồn.
Đối với tiền của sống không giữ được, chết không thể mang theo, thay vì nói là vật ngoài thân, chi bằng nói là vật do trời ban. Nếu một người muốn sống thoải mái cởi mở, thì cần phải phá vỡ được sự trói buộc của tiền bạc, dùng thái độ “Trời sinh ta giỏi tất hữu dụng, ngàn vàng tiêu hết sẽ có lại” để đối diện với áp lực trong cuộc sống, tích cực làm việc thiện, tu tâm dưỡng tính. Người tích lũy nhiều công đức chắc chắn sẽ nhiều tiền nhiều của, người đại đức được ông trời che chở, cơm áo đầy đủ mà khỏe mạnh an vui.

Tích tiền không tích đức, cuối cùng công dã tràng

“Thời thế đổi thay, vật đổi sao dời”, rất nhiều người há miệng vô thần, ngậm miệng duy vật, hết thảy đều chỉ nghĩ đến tiền. Vì phát tài mà hãm hại lừa gạt, không có điều ác nào không làm, đạo đức ngược lại bị coi là “ngu ngốc khờ khạo”. Nhưng mà, như thế nào mới thực sự là ngốc đây?

Kết quả hình ảnh cho tích đứcCó người cho rằng “tích đức” thì có ích lợi gì? Nắm trong tay gia tài bạc vạn, chẳng phải rất sung sướng? Kỳ thực là bằng không, tích tài không tích đức, cuối cùng thì cũng là công dã tràng. Trong đời nhà Thanh có ghi chép lại hai ví dụ chân thật sau đây:
1. Khương Nguyên Long, người Trương Yển huyện Kim Sơn, là một phú nông. Hắn mua đất đai, hơn phân nửa là nhờ dụng tâm tính kế. Hắn cho vay nặng lãi, thấy ai có ruộng tốt đất đẹp, sẽ thừa lúc người ta túng quẫn mà cho họ vay nặng lãi. Bởi vì lợi tức rất nặng, nên lãi sinh lãi, người ta không thể trả, vậy là Khương Nguyên Long liền thu đất đai của nhà người ta. Cứ vậy, hắn có đến hàng nghìn mẫu ruộng.
Về sau Khương Nguyên Long sinh con trai, đặt tên là Khương Đức Chương. Khương Đức Chương chơi bời lêu lổng, không để ý đến việc nhà, không lo làm ăn, mới 20 tuổi đã ham thích trai gái cờ bạc. Cậu ta mỗi lần rời thôn đều mang theo giấy tờ ruộng đất của nhà mình để cầm cố đánh bạc, thường xuyên dùng đất đai để vay mượn tiền của người khác.
Đợi đến ngày hôm sau hắn viết biên lai mượn tiền, người khác sẽ lừa hắn: “Ngày hôm qua ta cho ngươi mượn 50 lạng bạc, mới một đêm đã vội quên?”. Khương Đức Chương cũng không tranh luận, liền viết xuống 50 lạng bạc, và không bao giờ nghĩ đến việc trả tiền để đòi lại đất. Người khác thấy hắn dễ lừa như vậy, cuối cùng đã lừa hắn không biết bao nhiêu lần. Bởi vậy, chưa đến 10 năm, Khương Đức Chương liền tiêu xài hết gia sản, cuối cùng đói mà chết
.
Kết quả hình ảnh cho tích đức
2. Chú Thánh Chương, người Hoàng Yển Kiều huyện Đan Dương, gia cảnh vốn thường thường bậc trung. Một năm nọ, lúa mì được mùa, mỗi thạch bán được hai trăm tiền. Chu Thánh Chương có trăm mẫu lúa mì, so với nhà khác lại rất tốt, nên thu hoạch được rất nhiều. Năm đó Chu Thánh Chương lại tích trữ được kha khá tiền, toàn bộ lại dùng mua lúa mì, tổng cộng trữ gần 4 nghìn thạch lúa mì.
Tới mùa xuân thu năm sau, cả làng bị mất mùa, lúa mì đều rất khan hiếm, Chu Thánh Chương vẫn đóng cửa không bán. Đợi đến mùa đông kênh đào nước cạn, tiểu thương không thể thông tàu thuyền, ngay cả lúa gạo để ăn cũng đều hết sạch, lúc này chỉ có Chu Thánh Chương là có trữ lúa mì. Vì thế dân chúng gần xa đều tìm đến ông ta để mua.
Chu Thánh Chương ban đầu vẫn không chịu bán, đợi người khác nài nỉ cầu xin, mới đồng ý đổi một thạch lúa mì lấy một mẫu ruộng. Cứ như vậy ông ta dùng 4 nghìn thạch lúa mì đổi lấy cả một rương giấy tờ khế ước đầy, được gần 4 nghìn mẫu ruộng. Chu Thánh Chương vốn keo kiệt, lại giỏi về sưu cao thuế nặng, không đến vài năm sau liền có hơn vạn mẫu ruộng, tiền chất cao như núi.
Nhưng mà hai vợ chồng Chu Thánh Chương mãi vẫn không sinh được con. Ông ta tìm mọi cách cầu khẩn, đến một năm nọ mới sinh được một mụn con, lúc đó ông ta đã 68 tuổi, nên đặt tên con là Lục Bát.
Chu Lục Bát chưa đến 10 tuổi, thì Chu Thánh Chương đã qua đời. Chu Lục Bát sau khi lớn lên, coi tiền tài như cỏ rác, mỗi lần ra cửa đều mang rất nhiều tiền, tiêu hết mới về nhà. Có khi hắn còn xa hoa vô độ, đem tiền bạc ném ra hai ven đường. Chu Lục Bát vung tiền như rác, cộng với thói chơi bời lêu lổng, bởi vậy gia đạo ngày càng suy sụp, đành phải bán bớt gia sản, về sau khối gia sản to như vậy cũng tiêu tán hết. Đến khi Lục bát chết, trong nhà hắn chỉ còn lại một gian nhà trống và một mẫu ruộng.
Có phúc đều là do đức mà đến, tổ tiên không tích đức cho con cháu, con cháu vô phúc chỉ biết hưởng thụ thì chỉ gặp cảnh phá sản. Ác hữu ác báo, chèn ép người khác thì chỉ cần nửa đời sau hoặc kiếp sau sẽ phải chịu báo ứng. Từ 2 ví dụ trên có thể thấy rằng: Một người vì tiền bán đứng lương tâm, đối với bản thân mình thực sự có ích lợi gì đây?

Sưu tầm

Disqus Shortname

Ads Inside Post

Comments system

Arsip

Hey, we've just launched a new custom color Blogger template. You'll like it - https://t.co/quGl87I2PZ
Join Our Newsletter