001-234-567-8910

5th Avenue Madson, NY758, USA

Get Update on our recent Gadgets & Tabs

Recent Comments

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

KHỔ KHÔNG THAN, SƯỚNG KHÔNG KHOE, MẤT KHÔNG TIẾC, NGUY KHÔNG LOẠN



Kể khổ cũng có giới hạn, đồng tình cũng có thời hạn. Đừng khiến bản thân trở nên đáng thương trong lòng người khác, cũng đừng tự hại mình trở thành hạt cát trong mắt người ta!

1. Khổ không than: là một loại tu luyện tâm tính
Trên mạng có một câu nói rất nổi tiếng:
"Đừng bao giờ kể khổ với bất kì ai, vì 80% số người nghe đều không quan tâm, 20% còn lại chỉ lấy làm trò cười."
Nghe qua câu nói này có vẻ rất tuyệt tình, nhưng nó lại cho chúng ta biết một sự thật:
Kể khổ cũng có giới hạn, đồng tình cũng có thời hạn.
Khi đối mặt với đau khổ, có rất ít người thật lòng muốn đi tìm hiểu hết nỗi khổ của bạn. Do đó, khổ mà không than mới là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta.
Người trưởng thành nên có một trái tim thật kiên cường và mạnh mẽ, đủ sâu sắc để cất giữ một vài chuyện riêng hay bí mật nào đó. Nếu chúng ta sống nông cạn như một cái dĩa, nghĩ cái gì cũng bày ra trên mặt, có chút buồn khổ cũng không kiềm chế được mà nói cho cả thiên hạ biết, vậy chắc chắn chỉ khiến nỗi khổ nâng lên gấp trăm ngàn lần.
Cuộc sống cứ 10 chuyện đã có đến 8, 9 chuyện không được như ý. Đối với người trí tuệ, họ xem nhẹ nỗi khổ, mà cố gắng nắm bắt 1, 2 phần như ý kia. Ngược lại, những người cố chấp chỉ biết sống chết trong sự bất hạnh của họ.
Không than khổ không phải vì muốn chúng ta tự kìm nén cảm xúc bản thân, mà vì muốn chúng ta sớm ngày xem thấu hồng trần. Đó là đại biểu của một loại trí tuệ gọi là "không đấu tranh vô ích", cũng là một loại dũng cảm mang tên "dám đối đầu với đau khổ".
Khổ không than không phải vì yếu đuối, chuyện gì cũng cắn răng nhận thiệt thòi vào mình, mà là ít than vãn, học cách buông bỏ những đau khổ không cần thiết.
Rồi đến một ngày nào đó, bạn nhất định sẽ phải cám ơn sự kiên trì đến cùng của chính mình, đã khiến bản thân không bị cái khổ đánh bại, mà có thể thờ ơ đối mặt với nó.
Khổ không than, chính là cách để chúng ta có thể im lặng "lột xác", đợi thời cơ đến, bản thân sẽ trở thành một phiên bản tuyệt vời nhất!
2. Sướng không khoe: là một loại trí tuệ trầm mặc
Hoa nở một nửa khiến người ta tò mò, rượu say một chút để bảo trì sáng suốt. Làm người nên biết sống khiêm tốn, điệu thấp chính mình; giấu bớt ánh hào quang, đừng để bản thân sống quá "chói mắt". Đây cũng là một dạng trí tuệ.
Sướng không khoe, không phải ý nói rằng vui mừng không được chia sẻ, mà muốn khuyên răn chúng ta đừng để cái vui của mình ảnh hưởng đến niềm vui của người khác.
So với những người tự mãn, thích ăn miếng trả miếng, những người sống điệu thấp thế này có thể dễ dàng kiềm chế tính cách của bản thân, khiến họ không nói lời khó nghe gây tổn thương cho người khác.
Bất kể họ đang đối mặt với những tin đồn xấu xa hay lời nói ác ý thế nào đi nữa, họ vẫn có thể bình tâm, cư xử có chừng mực.
Cuộc sống trước giờ đều là một cuộc thi trí tuệ đầy cam go, muốn thành công vượt qua mọi chuyện, trước hết là nên quản tốt cái miệng của chính mình.
3. Mất không tiếc: là một loại xem nhẹ sáng suốt
"Vườn hoa dù bừa bộn cũng có người ghé, mảnh đất dù cỏ xanh ngăn nắp cũng chẳng ai tìm." Mặc dù vật phía trước có hơi hỗn loạn, nhưng vì cảnh sắc xinh đẹp của nó, người ta liền dễ dàng bị mê hoặc. Ngược lại, cỏ dại chỉ là vật tầm thường, không giá trị, làm thế nào cũng không thể khiến người khác ghé mắt nhìn sang.
Những chuyện trên thế giới này có lẽ cũng tương tự như vậy. Chúng ta thường bởi vì đi quá nhanh, quá xa, mà dễ dàng lạc vào thế giới đầy phức tạp. Tự mình đắm chìm trong đó rồi quên đi nơi chúng ta xuất phát, lý do tại sao bắt đầu.
Trang Tử có câu nói thế này: "Phòng trống thì sáng, cát tường dừng lại."
Một căn phòng để trống mới để lộ sự rộng rãi, thoáng đãng và sáng sủa của nó. Nếu căn phòng chất đầy đồ đạc, sẽ không còn chỗ để ánh sáng lọt vào nữa.
Tâm trí con người cũng như vậy, nếu chúng ta có thể vứt bỏ hết những tạp niệm, rác rưởi trong tâm trí, quét sạch bụi mù, thì trái tim sẽ tràn ngập ánh sáng. Kết quả đương nhiên là thanh thản và tỉnh táo hơn trước.
Nhân sinh trên đời này, ai sớm hiểu buông bỏ phồn hoa, không níu kéo những bận rộn vô nghĩa, im lặng lắng nghe âm thanh từ sâu thẳm trong tâm hồn, người đó sẽ sớm đạt được hạnh phúc chân chính trên đời.
Trong một đời hạn hẹp này, người ta không thể lúc nào cũng để danh và lợi, tiền bạc và địa vị chiếm hết chỗ trong tâm trí mình. Ai vì nó mà bỏ qua gia đình, hạnh phúc, sức khỏe, quả là một sự thiếu sót và đáng tiếc lớn.
Khi tâm mệt mỏi, hãy cho nó một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, bình tĩnh và sáng suốt trở lại, có như thế bạn mới không tự đánh mất chính mình, qua đó dễ dàng chấp nhận từ bỏ những thứ dư thừa, không đáng bận tâm.
4. Nguy không loạn: Là một loại thân tâm kiên cường
"Gặp nguy không loạn" là phản ứng cần có đầu tiên của người muốn làm nên chuyện lớn.
Dù chuyện có khẩn cấp hay đột ngột đến đâu, bạn càng ít hoảng loạn, càng dễ khống chế tình hình.
Sợ hãi là điều không cần thiết, bởi dù sợ cũng không thể tránh khỏi. Thế nên thay vì hèn nhát trốn tránh hoặc hoảng sợ, cách tốt nhất vẫn là bình tĩnh, tập trung suy nghĩ biện pháp giải quyết vấn đề.
Muốn thành công và có cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn sau này, cách tốt nhất là nên cố gắng đạt được bốn cảnh giới này ngay từ bây giờ.
Sưu tầm

Học điều hay mỗi ngày...


1. Học cách điều chỉnh tâm trạng

Cuộc đời là của bạn, tâm trạng cũng là của bạn. Hoàn cảnh có thể không vui nhưng bạn có thể thay đổi được tâm trạng của mình.
2. Học cách tự chăm sóc bản thân
Không ai có thể nâng đỡ, chăm sóc được bạn cả cuộc đời. Hãy tự biết chăm sóc bản thân để thấy được giá trị của mình.
3. Học cách từ bỏ
Từ bỏ được nỗi buồn thì trong tim không còn gánh nặng. Từ bỏ được niềm vui xa hoa nhất thời thì tâm trí không bị u mê.
4. Học cách coi nhẹ được mất
Trên thế giới này, kỳ thực ngoài sinh mệnh của mình ra thì không còn có gì quan trọng, đáng để bạn lạc lối cả.
5. Học thiện lương
Thiện lương là nền tảng, cốt lõi để làm người. Đừng vì danh lợi mà để mất đi bản tính của mình.
6. Học quý trọng
Đời người nhìn thì tưởng là xa nhưng thực ra lại rất ngắn. Hãy quý trọng tất cả mọi người xung quanh mình, đừng để lưu lại sự hối tiếc khi đã quá muộn
7. Học về quy luật của trời đất
Có thân là có bệnh, nhưng nếu bạn có kiến thức và hiểu biết, bạn sẽ phòng ngừa được bệnh tật cho mình và người thân, đặc biệt là con cái! Sinh ra làm người là đáng quý, hãy biết quý trọng và bảo vệ sức khoẻ của mình và người thân.
(Sưu tầm)

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Không tham lam chính là bố thí, đoạn ác chính là làm việc thiện…

 Đời người, đều vì mong cầu mà khổ não, vì ràng buộc mà ưu phiền. Nhân sinh, có thể buông mới mong tìm thấy hạnh phúc, để vạn sự tùy duyên mới thong dong tự tại. Khổ đau hay hạnh phúc, đều nằm ở cái tâm này…


Nhân sinh luôn tồn tại tàn khuyết, thấy đủ thường vui mới có thể tiêu dao tự tại. (Ảnh: Guu) 

1. Không tham lam chính là bố thí, đoạn ác chính là làm việc thiện, sửa đổi chính là sám hối, khiêm tốn chính là lễ Phật, thủ lễ chính là giữ giới, tha thứ chính là giải thoát, biết đủ chính là buông bỏ, lợi người chính là lợi mình.

Ba ngàn phồn hoa bất quá chỉ là trong nháy mắt; trăm năm mây khói cùng lắm chỉ là một dải cát vàng. Không tranh giành là từ bi, không biện giải là trí tuệ, không nhìn thị phi tức tự tại, không nghe phiền não tức thanh tĩnh.

2. Nhân sinh luôn tồn tại tàn khuyết, thấy đủ thường vui mới có thể tiêu dao tự tại. Làm người, chớ nên ganh đua so sánh hạnh phúc của mình với người, để rồi lại oán trách bản thân mình thua kém.

Cuộc sống cần một loại tâm thái bình thản. Mỗi người đều có chỗ khác nhau, chớ nên xem nhẹ bản thân, cũng chớ vì ghen ghét hay hâm mộ người khác mà đánh mất đi phương hướng của chính mình.

3. “Nhấc lên nặng ngàn cân, buông xuống hai lạng nhẹ”, một niệm buông bỏ, mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng, tự tại. Cái gọi là buông, chính là buông những ích kỷ dục vọng, buông những chấp nhất vô vị, buông những bảo thủ cố chấp.

Gió nổi thì vui vẻ ngắm hoa rơi; gió ngừng thì đạm nhiên nhìn trời đất. Hiểu được buông thì sinh mệnh mới có thể càng thêm hoàn mỹ. Chớ vì được mà mừng vui, chớ vì mất mà ưu sầu. Cần thuận theo tự nhiên, thích ứng trong mọi hoàn cảnh.

Không tham lam chính là bố thí, đoạn ác chính là làm việc thiện... - ảnh 2
Gió nổi thì vui vẻ ngắm hoa rơi; gió ngừng thì đạm nhiên nhìn trời đất. Hiểu được buông thì sinh mệnh mới có thể càng thêm hoàn mỹ. (Ảnh: Panaprium)

4. Thiện đãi với trời đất, bởi đó là không gian cho cuộc sống; thiện đãi với cha mẹ, bởi họ đã cho ta sinh mệnh này; thiện đãi với người nhà, bởi họ là người thân thiết nhất với ta trong kiếp này; thiện đãi với đồng nghiệp, bởi họ là những người gần gũi trong công việc; thiện đãi với ân nhân, bởi đó là vị cứu tinh của ta khi khốn khó.

Thiện đãi oan gia, bởi họ là chủ nợ tiền kiếp; thiện đãi người xa lạ, bởi họ là nhân duyên của tương lai; thiện đãi với động vật, bởi chúng là bằng hữu của con người; thiện đãi với thực vật, bởi chúng mang đến mỹ diệu cho cuộc sống; thiện đãi với hết thảy, bởi tất cả đều là vì thế gian tươi đẹp này mà tồn tại.

5. Con người cảm thấy áp lực thường là bởi dục vọng quá lớn. Cho nên, cho dù bạn không thể hoàn toàn buông bỏ thì ít nhất cũng phải hiểu được rằng, dục vọng càng ít sẽ càng vui vẻ thỏa mái. Cuộc sống hết thảy đều tùy duyên, đừng để tham dục trong lòng bành trướng quá độ.

Đức Phật đã nói cho chúng ta biết cần phải giảm bớt lòng tham, giảm bớt dục vọng, đồng thời còn phải biết thông cảm cho người, đừng vì một chút không vui, liền lập tức oán trời trách đất. Lấy “vạn sự tùy duyên” đối mặt với hết thảy, như thế mới có thể sống được tự tại.

6. Tùy duyên thường bị hiểu lầm là không nỗ lực, phó mặc cho số phận, bởi vậy nó đã trở thành lý do cho một số người muốn trốn tránh vấn đề. Kỳ thực, tùy duyên không phải vứt bỏ truy cầu, mà là lấy tâm thái rộng rãi đi đối mặt cuộc sống.

Khi gặp phải vấn đề thì đều có thể hành xử một cách bao dung, dùng thiện hóa giải mâu thuẫn, khoan dung người khác, mở rộng lòng mình. Tùy duyên là một loại trí tuệ, có thể khiến một người dù ở trong hoàn cảnh khốc liệt vẫn có thể giữ được sự điềm tĩnh, tỉnh táo.

Không tham lam chính là bố thí, đoạn ác chính là làm việc thiện... - ảnh 3
Tùy duyên không phải vứt bỏ truy cầu, mà là lấy tâm thái rộng rãi đi đối mặt cuộc sống. (Ảnh: Outdoornews)

7. Có một loại vui vẻ gọi là buông. Buông đối với những tham chấp của quá khứ, bởi quá khứ đã đi qua; buông đối với những sầu lo về tương lai, bởi tương lai còn chưa tới; buông đối với những ham muốn không thực tế, tất sẽ rời xa những thống khổ không cần thiết.

Cấp cho tâm hồn một mảnh đất bình yên, lấy phương thức khoan dung và thân thiện để đối đãi người. Cũng cần nhớ kỹ, điều gì cần kiên trì thì kiên trì, điều gì cần hoàn thành thì nên hoàn thành, điều gì cần buông bỏ thì buông bỏ.

8. Hành tẩu nơi trần thế, nhu cầu của chúng ta kỳ thực không quá nhiều, nhưng quan trọng nhất là không thể thiếu một nội tâm bình an. Tâm an thì thần định, thần định thì tuệ sinh, tuệ sinh thì đại ngộ. Hạnh phúc bất quá chỉ là một loại lý giải, vui sướng bất quá chỉ là một loại tâm tình; triệt ngộ sẽ hiểu được rằng, những điều đã thông suốt ấy, xem nhẹ ấy, nhìn thấu ấy, hiểu rõ ấy đều là đại thu hoạch của nhân sinh.

9. “Khổ mà không nói, vui mà không cười”, câu nói ngắn ngủi này đã bao quát cảnh giới cao nhất để làm người. Nhân sinh trên đời thường sẽ vì những thương tổn gặp phải mà đau khổ không thôi. Kỳ thực, từng vết thương chồng chất đó chính là lễ vật tốt nhất mà tạo hóa cấp cho sinh mệnh của bạn.

Cùng người oán giận, chi bằng tĩnh tâm suy nghĩ, quá nhiều lời biện bạch ngược lại khiến người ta cảm thấy không tin tưởng. Có một số việc, vừa phân trần trắng đen đã trở thành quá khứ. Có một số người, giận hờn vài ngày đã trở thành dĩ vãng. Có những nỗi đau, vừa cười lên đã tan thành bọt nước. Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.

Sưu tầm

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

Không ham hưởng lạc mới thành được việc lớn

Từ cổ chí kim, phàm là bậc hiền nhân làm thành được việc lớn, hay nông phu gánh vác được gia đình thì đều là người dụng tâm, kiên nhẫn, không ngại khó khăn, không ngại gian khổ, cũng không ham an dật hưởng lạc. 

(Tranh: Lưu Tùng Niên, thời Tống, Public Domain)

Trong quan niệm của rất nhiều người ngày nay, truy cầu hưởng lạc là điều đương nhiên, là mục đích của cuộc đời. Họ coi những quan niệm như “Không làm mà hưởng”, “Một đêm thành danh”, “Hưởng thụ xa xỉ” thành xu hướng cho giá trị của con người. Rất nhiều người trẻ không muốn nỗ lực cống hiến mà thường oán trách. Khi gặp chút khó khăn trong cuộc sống hay phải làm thêm một chút việc, họ liền cảm thấy bất bình, cảm thấy rằng bản thân đang chịu thiệt thòi rất lớn. Kỳ thực, chịu khổ không phải là việc xấu. Trên thực tế, khổ nạn có thể giúp mài giũa ý chí của con người, giúp nội tâm trở nên mạnh mẽ, có thể thành đại sự.

Trong sử sách ghi chép lại rất nhiều lời răn của cổ nhân về vấn đề này. Sách “Hán Thư” viết rằng: “Cổ nhân ví ham hưởng an nhàn như rượu độc, đem việc đánh mất đạo đức để được giàu sang là việc bất hạnh. Nhà Hán hưng khởi đến lúc Hiếu Bình Đế, Chư hầu vương hàng trăm năm, phần lớn đều ngang ngược kiêu ngạo, hoang dâm vô độ, đánh mất đạo đức. Vì sao lại như vậy? Sa đà vào phóng túng, hưởng lạc, địa vị làm cho họ trở thành như vậy”. 

Hơn 300 năm trước công nguyên, Mạnh Tử cũng đã khuyên răn người đời rằng: Sinh nơi hoạn nạn, chết trong an lạc. Nhưng con người hiện đại ngày nay thường bị khống chế bởi tính lười nhác, chỉ tham thú hưởng lạc mà tránh né gian khổ. Kết quả chính là bỏ lỡ cả cuộc đời.

Trong cuốn “Mạnh Tử. Cáo Tử Hạ” có viết đại ý rằng:

Một trong số những vị Ngũ Đế thời thượng cổ là vua Thuấn, ông được phát hiện trên cánh đồng hoang nơi nông thôn. Phó Duyệt, bậc hiền thần nổi tiếng thời Ân Thương cũng xuất thân từ một người thợ xây. Giao Cách, một trọng thần do Chu Văn Vương tiến cử cho Trụ Vương, cũng xuất thân từ quầy hàng bán muối và cá.

Bào Thúc Nha tiến cử Quản Di Ngô (Quản Trọng) cho Tề Hoàn Công. Quản Di Ngô vốn được phóng thích từ tay cai ngục, sau này ông cũng trở thành một trong những vị tể tướng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tôn Thúc Ngao, một danh tướng nước Sở Thời Xuân Thu cũng được đề bạt khi ẩn cư ven bờ biển. Bởi vì khi cha bị giết, Tôn Thúc Ngao cùng mẹ lánh nạn nơi vùng biển phương xa.

Thời Tần Mục Công có Bách Lý Hề vốn là một nô lệ, được chuộc về từ chợ nô lệ. Sau này Bách Lý Hề cũng rất được trọng dụng. Lúc trước, Bách Lý Hề vốn bỏ trốn sang đất Uyển, bị dân biên giới nước Sở bắt lại và giam giữ. Tần Mục Công nghe nói Bách Lý Hề là người hiền tài, bèn sai người sang chuộc về nước. Nhưng sợ rằng người nước Sở biết ông là người tài giỏi mà không cho chuộc, nên chỉ dùng năm tấm da dê mà chuộc ông về. Người đời do đó gọi ông là Ngũ Cổ Đại Phu nghĩa là Quan lớn năm tấm da dê.

Mạnh Tử nói rằng, khi Thiên thượng muốn giao trọng trách lên thân một người, chắc chắn trước tiên phải khiến nội tâm người ấy thống khổ, khiến họ lao tâm khổ tứ, khiến họ đói khát mà thân thể tiều tuỵ, khiến họ thiếu thốn tiền bạc, phải chịu đựng cảnh nghèo khó, khiến những việc họ làm không được thuận lợi, làm việc sai sót, rối ren, dùng những điều này khiến họ chấn động trong tâm, khiến tính cách họ thêm kiên cường, phát triển những tài năng mà trước đây họ không có.

Theo Mạnh Tử, một người thường phạm phải sai lầm, như vậy sau đó mới có thể quy chính lại; tâm ý nghi hoặc, tư duy bế tắc, sau đó mới có thể nỗ lực phát triển. Tâm tình hiển lộ trên nét mặt, biểu đạt trong giọng nói, mới có thể được người khác thấu hiểu. Lo nghĩ tai ương càng khiến con người phát triển, còn an dật hưởng lạc khiến con người diệt vong.

Ngày nay, đời sống vật chất đã được nâng cao, rất nhiều người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành hầu như không phải chịu chút khổ nào đáng kể cả. Đa số đều lớn lên trong mật ngọt, dần dần dưỡng thành tính ích kỷ, ngang ngược, lại càng không thể hiểu được đạo lý “Sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc”.

Những việc hữu ích cho con người đa phần lại khiến họ không thoải mái. Ví dụ, dậy sớm tập thể dục dẫu vất vả nhưng lại có thể khiến thân thể khỏe mạnh. Khi cấp trên nghiêm khắc với cấp dưới, có thể khiến lòng người không vui, nhưng lại có thể giúp ta dưỡng thành thói quen làm việc nghiêm túc, hiệu quả cao. Quả là thuốc tuy đắng, nhưng dã tật, sự thật tuy mất lòng nhưng lại có lợi cho con người.

Phật gia cho rằng con người đều có nghiệp lực. Có nghiệp lực nên mới gặp khổ nạn, người ta trong khi chịu khổ mới có thể tiêu được nghiệp. Cho nên mới có câu rằng: “Có nạn sớm tiêu, có bệnh sớm trị, có khổ sớm chịu”, là việc tốt chứ không phải việc xấu.

ST

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Cuộc đời này, biết bao người đã thua ở một chữ “đợi”…

Thời gian tựa như dòng nước trôi không ngừng nghỉ, nếu chúng ta không trân quý từng phút giây trong cuộc sống, thì nó sẽ vụt qua rất nhanh, dù có tiền nhiều đến mấy cũng chẳng thể mua lại được. 

Ngày hôm nay, khi ta muốn làm một điều gì đó hãy bắt tay làm, đừng mãi lưỡng lự băn khoăn lo nghĩ về quá nhiều thứ. (Ảnh: Crooked Compass)

Tại một ngôi chùa cổ ở Nhật Bản, có một cậu bé mới 9 tuổi tên là Thân Loan (sau này là người sáng lập Chân Tông tịnh độ), quyết định xuất gia đi tìm thiền sư để xuống tóc, khi gặp được thiền sư đã hỏi ông rằng: “Con còn nhỏ thế này tại sao đã muốn xuất gia?”.

Lúc đó Thân Loan trả lời: “Năm nay mặc dù cháu mới 9 tuổi nhưng bố cháu đã qua đời, cháu không biết vì sao con người phải chết, vì sao cháu và bố cháu phải rời xa nhau. Vì thế để hiểu được đạo lý này, cháu nhất định phải xuất gia.”

Vị thiền sư nói: “Được! Ta hiểu rồi. Ta đồng ý nhận con làm đồ đệ, nhưng hôm nay muộn rồi, chờ đến sáng sớm mai ta sẽ xuống tóc cho con!”

Thân Loan nghe xong liền nói: “Thưa sư phụ, mặc dù sư phụ nói là chờ đến sáng sớm mai sẽ cắt tóc cho con, nhưng con còn nhỏ, con không dám chắc quyết tâm đi tu của con có còn giữ được đến sáng mai không. Mà sư phụ thì đã nhiều tuổi thế này rồi, sư phụ có dám chắc sáng mai tỉnh dậy sư phụ vẫn khỏe mạnh không?”

Vị thiền sư nghe xong liền nói:“Tốt, tốt! Con nói rất hay! Những gì con nói đều đúng, ta sẽ xuống tóc cho con ngay bây giờ.


Ngày mai cũng không chắc chuyện gì sẽ đến, có những biến cố bất ngờ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn cũng có thể khiến ta mất đi ngày mai vĩnh viễn. (Ảnh: Snim)

Vạn vật của thế giới luôn nằm trong sự biến đổi không ngừng nghỉ, con người cũng vậy, không ai biết được tương lai sẽ ra sao? Ngày mai cũng không chắc chuyện gì sẽ đến, có những biến cố bất ngờ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn cũng có thể khiến ta mất đi ngày mai vĩnh viễn. Vì vậy ngày hôm nay, khi ta muốn làm một điều gì đó hãy bắt tay làm, đừng chờ đợi.

Xưa nay, có biết bao nhiêu người thua bởi một chữ “đợi”: Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi cho đến khi không còn duyên phận, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn. Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.

Đặc biệt có rất nhiều các bậc cha mẹ, ngày qua ngày vẫn đang chờ đợi trong mỏi mòn…

Chờ con biết đi rồi mới an tâm
Chờ con đi học mới an tâm
Chờ con thi đậu đại học mới an tâm
Chờ con tìm được công việc mới an tâm
Chờ con tìm được người bạn đời mới an tâm
Chờ con kết hôn mới an tâm
Chờ con sinh em bé mới an tâm
Chờ cháu biết đi mới an tâm
Chờ cháu đi học mới an tâm
Chờ cháu thi đậu đại học mới an tâm…

Đáng tiếc, cuối cùng bọn họ đều chưa kịp hưởng thụ cuộc sống, đã vội rời khỏi thế gian này.

Cuộc đời này, biết bao người đã thua ở một chữ "đợi"...
Thanh xuân không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được. (Ảnh: Youtube)

Nhân sinh 5 điều không thể chờ đợi…

Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.
Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.
Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.
Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.
Thanh xuân không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà bạn khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy! Cho nên, cần tận dụng thời gian, làm những việc có ý nghĩa mới là quan trọng nhất. Quý trọng duyên phận, quý trọng thời gian, chính là quý trọng tính mạng của chính mình.

Sưu tầm


Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Thận trọng trong lời nói cũng là một loại tu dưỡng

 Dù là ở phương Đông hay phương Tây, từ xưa đến nay người ta đều luôn nhấn mạnh việc tu dưỡng lời nói, hạn chế nói những lời bất hảo có thể làm tổn thương người khác.

                           Thận trọng trong lời nói cũng là một loại tu dưỡng. (Ảnh qua DKN.tv)

Sự việc đáng suy ngẫm trong câu chuyện ngụ ngôn dưới đây sẽ khiến chúng ta nhớ về câu nói của người xưa: “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”.

Một thanh niên ở ngôi làng nọ khá bực bội về vụ trộm gần đây tại nhà mình và bắt đầu nghi ngờ người hàng xóm. Càng nghĩ về nó, anh càng tin rằng người đàn ông sống cạnh nhà mình chính là thủ phạm.

Tên trộm bị cáo buộc là một người đàn ông trung niên tên Kai, người này không mấy cởi mở và thường hay về nhà vào đêm khuya. Anh thanh niên luôn dõi theo nhất cử nhất động của người đàn ông này. Cuối cùng, anh đã chia sẻ băn khoăn của mình với vài người bạn.

Tin đồn Kai là tên trộm nhanh chóng lan ra khắp làng suốt một thời gian dài. Chẳng bao lâu sau, Kai bị bắt, nhưng anh đã chứng minh được mình vô tội. Sau đó, Kai đã khởi kiện người thanh niên ra tòa.

Đứng trước quan tòa, Kai nói: “Sau tất cả những tin đồn này, thanh danh của tôi đã bị bêu xấu và không thể khôi phục lại. Không còn ai tin tưởng tôi nữa”.

Thẩm phán chỉ vào chàng trai trẻ và nói: “Lời đồn của anh đã gây ra rất nhiều tai hại. Giờ anh hãy nói xem, dân làng nên làm gì để khôi phục lại danh dự cho Kai đây?”

Anh chàng đáp: “Đó chỉ là những lời bàn tán thôi mà. Sao lại quan trọng hóa đến vậy?

Thẩm phán rất thất vọng về câu trả lời này. Ông đưa cho anh một mảnh giấy và nói: “Chàng trai trẻ, vụ án vẫn chưa kết thúc. Hãy viết tất cả những điều xấu mà anh đã nói về Kai lên mảnh giấy này, xé tờ giấy thành từng mảnh rồi ném chúng trên đường về nhà. Ngày mai, tôi sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về hành động của anh”.

tu dưỡng
Những lời lương thiện có thể cải biến mọi thứ xung quanh. (Ảnh qua DKN.tv)

Ngày hôm sau, thẩm phán yêu cầu cậu thanh niên gom lại tất cả những mảnh giấy rách đó rồi đặt lên bàn trước phòng xét xử. Anh chàng lo ngại trả lời: “Nhưng đó là điều không thể. Những mảnh giấy ấy đã bị gió thổi bay khắp nơi rồi”.

Thẩm phán nghe vậy liền đáp: “Chính xác. Và đó cũng là cách mà lời nói của anh hủy hoại thanh danh của Kai”.

Vị thẩm phán nói thêm: “Lời nói phải đi kèm với trí tuệ. Mỗi từ chúng ta thốt ra có sức mạnh to lớn. Những lời lương thiện có thể cải biến mọi thứ xung quanh, tương tự vậy, lời nói đầy thù hận có thể làm hỏng bất cứ ai”.

Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng nó cho thấy rõ ràng ảnh hưởng của lời nói từ miệng chúng ta đối với những người xung quanh. Chẳng thế mà hầu hết mọi nền văn hóa từ bao đời nay đều nhấn mạnh việc suy nghĩ trước khi nói.

Ví như trong tiếng Hán, từ ‘trí tuệ’ (智慧) được cấu thành từ chữ ‘trí’ (智) và chữ ‘tuệ’ (慧). Chữ ‘trí’ (智) gồm bộ thỉ (矢) nghĩa là mũi tên, bộ khẩu (口) là cái miệng, và bộ cam (甘) là ngon ngọt, tốt lành. Chữ ‘tuệ’ (慧) gồm cây chổi (彗) phía trên và bộ tim (心) ở dưới. Các ký tự riêng lẻ này khi kết hợp lại đã thể hiện một ý nghĩa sâu sắc: Những lời chúng ta nói ra đều sắc như tên bắn, hễ bắn ra là một đi không trở lại; chỉ khi chúng ta nói lời tử tế, thiện lương, thì mới có năng lượng tháo gỡ nút thắt tiêu cực trong lòng ai đó và không làm họ tổn thương.

Sưu tầm


Disqus Shortname

Ads Inside Post

Comments system

Hey, we've just launched a new custom color Blogger template. You'll like it - https://t.co/quGl87I2PZ
Join Our Newsletter