Bám víu để lo toan
Đã làm người ai không có tình cảm
và những mối quan hệ liên quan mật thiết với nhau, tình người, tình nhân loại,
tình chúng sinh, tình cha mẹ, tình họ hàng thân thuộc, tình anh chị em chung
huyết thống, tình bè bạn, tình đồng nghiệp, tình làng nghĩa xóm và cái tình đầu
ấp tay gối vợ chồng… Có một loại tình cảm mà thế giới con người luôn đưa lên
hàng đầu và được đề cập nhiều nhất qua các tác phẩm văn hóa nhân loại là tình
yêu nam nữ.
Tình cảm con người được biểu hiện
qua các cảm xúc thân thương và ghét bỏ do mối quan hệ ta và của ta hay người và
của người. Từ tình cảm đó phát sinh luyến ái yêu thích chấp giữ, bảo vệ, thành
ra có thương yêu vị kỷ chỉ muốn riêng cho mình; ngược lại thì sinh ra oán ghét,
hận thù, tìm cách làm tổn hại cho nhau. Tình yêu nam nữ thường được người đời
tôn vinh và ca ngợi; nhưng bao học thuyết, bao nhiêu chủ thuyết, bao nhiêu tôn
giáo đều chỉ ca ngợi không có gì đẹp bằng tình yêu chân thật vượt qua sự vị kỷ
của tình yêu nam nữ. Trong tình yêu chân thật không có sự buồn thương, giận
ghét, bất an, lo lắng và sợ hãi; vì đã vượt qua hai khái niệm thương và ghét.
Ngày xưa, có đôi nam nữ trai tài
gái sắc thương yêu nhau rất mặn nồng, tha thiết. Cặp trai tài gái sắc này khó
ai bì kịp, họ sống với nhau rất ư là hạnh phúc. Do quá xứng đôi vừa lứa nên
suốt ngày họ chỉ say mê đắm đuối ngắm nhìn nhau mà không biết nhàm chán. Tưởng
hạnh phúc như thế được dài lâu, nào ngờ tai họa bắt đầu giáng đến, cặp vợ chồng
trẻ này Không biết bị bệnh gì mà mắt hai người từ từ mờ dần và cuối cùng mù
hẳn. Lúc này, chàng không nhìn thấy được nàng nữa và nàng cũng không còn được
thấy chàng. Việc này khiến cả hai người đều đau thương, buồn tủi và hết sức là
lo lắng.
Vì sợ mất nhau nên người chồng
tối ngày cứ suy nghĩ, “vợ ta dung nhan xinh đẹp kiều diễm đúng như một trang
tuyệt sắc giai nhân, trên đời này khó có ai đẹp bằng nàng. Ta bây giờ bị mù
lòa, không nhìn ngắm nàng được, nếu để cho người khác nhìn thấy nàng thì ta sẽ
mất nàng trong chớp mắt”. Người chồng nghĩ vậy và người vợ cũng nghĩ như chồng,
“chồng ta đẹp trai, khôi ngô, tuấn tú, mặc dù mắt bị mù nhưng hàng khối người
phụ nữ khác vẫn bị chết mê, chết mệt khi nhìn thấy chàng. Vì vậy, ta dù có đui
mù cũng phải canh chừng kẻo các nàng ấy cướp mất chàng của ta”. Chàng và nàng
vì sợ mất nhau nên lúc nào cũng nắm tay nhau, đi cùng đi, ngồi cùng ngồi, nằm
cùng nằm, thậm chí cho đến khi giải quyết việc riêng của mình thì hai người vẫn
không rời xa nhau. Cứ như thế trải qua 20 năm, họ luôn sống gắn bó với nhau
không rời nửa bước.
Con người ta xưa nay thường lầm
chấp rằng cái gì cũng cố định, không có sự đổi thay, nên chúng ta cứ cố chấp
bám víu vào đó để rồi nhìn đời bằng cặp kính màu đen. Chúng ta hy vọng nắm bắt,
uốn nắn nó theo ý mình nhưng nào được vậy. Thương thì sinh luyến ái muốn bảo
vệ, chấp thủ cho riêng mình; ai chạm đến thì phát sinh phiền não vì sợ bị mất
mát và chiếm đoạt. Thương yêu vốn là bản năng có sẵn nơi mỗi con người. Thế
giới con người chúng ta mọi người đều sống cần có tình cảm và sự yêu thương,
đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; nếu không như vậy thì cuộc sống này trở nên vô
nghĩa.
Trở lại câu chuyện ngụ ngôn trên,
chúng ta thấy ai cũng muốn bám víu cái thân vô thường, sinh diệt này, cứ muốn
làm sao cho thân này trẻ mãi không già. Đã làm người thì làm sao không yêu
thương được; không nhớ, không thương thì cuộc sống này có ý nghĩa gì; nên người
ta thường nói, “yêu là khổ, không yêu thì lỗ - Thà chịu khổ chứ không chịu lỗ”;
nên hầu như ai cũng chấp nhận khổ để được yêu. Sống mà không có yêu thương thì
cuộc đời trở nên vô nghĩa. Cho nên, ta cứ yêu và khi yêu trái tim ta màu xanh;
nếu sợ khổ mà không kết tình yêu thương thì thế gian này cuộc sống đâu còn giá
trị nữa, phải không các bạn? Ta cứ yêu và ta đã yêu, yêu nhau thật nhiều, nhờ
thế ta sẽ thấy cuộc sống này trở nên có ý nghĩa và nhiệm mầu biết bao. Tình yêu
thương chân thật là phương thuốc tâm linh mầu nhiệm chuyển hóa những nỗi khổ,
niềm đau thành an lạc, hạnh phúc.
Tình cảm con người được biểu hiện
qua các tâm lý cảm xúc hạnh phúc và khổ đau; bởi thương yêu và ghét bỏ, vui vẻ
và phiền muộn, lo lắng và sợ hãi, ganh tị và tật đố đều có nguyên nhân do sự
tham muốn quá đángdẫn đến chấp ngã, gây đau khổ cho nhau. Thực tế, chúng ta
sống trên đời này là để được yêu thương và chia sẻ để được mở rộng tấm lòng
nhân ái với tất cả mọi người; nhưng vì bị vô minh che lấp, nên
tham-sân-si-phiền não nỗi lên làm che mờ tính giác thanh tịnh, sáng suốt; do đó
khổ đau bắt đầu có mặt. Để được thương yêu trong cuộc sống, chúng ta cần phải
biết chia vui sớt khổ, cảm thông và tha thứ, luôn thương yêu, giúp đỡ mọi người
mà không phân biệt người thân, kẻ lạ. Đó mới là tình người trong cuộc sống.
Cuộc sống của chúng ta sở dĩ có
nhiều khổ đau là do chúng ta không biết buông xả, cảm thông và tha thứ. Ta muốn
người yêu phải theo sự sắp xếp của mình, nếu khác hơn thì ta sinh khổ đau,
phiền muộn. Nếu như ý thì ta dính mắc vào đó để ôm trọn cuộc tình mà ta lầm
tưởng nó đẹp như trong mơ; nhưng sự thực có đẹp mãi hay không? Cũng như hai
người mù kia khi được một vị thần y chữa cho sáng mắt, họ thấy lại được như xưa
nhưng đã đau khổ tột cùng khi phát giác ra người mình yêu không còn đẹp như
trong mơ nữa.
Mặc dù hơn 20 năm qua họ không
bao giờ rời xa nhau nửa bước, họ luôn bám víu vào sự xinh đẹp, trẻ trung của
nhau và nghĩ rằng nó sẽ mãi mãi như thế. Do đó, khi được sáng mắt, người chồng
quá ngỡ ngàng lên tiếng trước tiên, “ôi, mụ già nào đây, vợ ta xưa nay rất xinh
đẹp và dễ thương lắm mà!”; ngược lại, bà vợ cũng giãy nãy nói rằng, “cái lão
già mắc dịch, ông đâu phải là chồng của ta. Chồng ta xưa nay đẹp trai, hào hoa
phong nhã, ai thấy cũng muốn yêu chứ đâu có già khú đế như lão bây giờ”. Thế là
hai người cự cãi với nhau, không ai đồng ý sự thay đổi quá nhanh chóng như vậy
và họ không chấp nhận sự già nua của nhau đang phơi bày trước mắt mình. Do đó,
họ chấp nhận chia tay đễ mỗi người ôm vào kỷ niệm quá khứ thần tiên của cái đẹp
thời trẻ trung.
Khi xưa, có một chàng trai vì
muốn tìm cầu chân lý nên đã thắc mắc với cha rằng “nếu cha giải đáp được yêu
cầu của con thì cha bảo con làm gì con cũng sẽ làm mà không bao giờ cãi lại.
Chàng thắc mắc, “cha hãy làm sao để con có thể trẻ mãi không già?”. Tâm lý con
người ai cũng muốn mình trẻ đẹp mãi để được nhiều người yêu thương, nhưng thực
tế rất phũ phàng, ai rồi cũng phải già-bệnh-chết. Cho nên ngày xưa, người ta
hay luyện thuốc trường sinh bất tử để sống đời, nhưng có ai sống đời được đâu.
Người cha nghe con hỏi vậy đành lắc đầu chịu thua, không biết phải trả lời bằng
cách nào cho con hiểu. Con người thì phải sinh-già-bệnh-chết, còn các pháp thì
sinh-trụ-dị-diệt, và thiên nhiên thì thành-trụ-hoại không. Từ con người cho đến
muôn loài muôn vật đều chịu sự chi phối đổi thay của vô thường. Cho nên, người
phụ nữ thường hay trang điểm, sửa sắc đẹp, làm duyên, làm dáng để mình được trẻ
đẹp mãi; nhưng có ai trẻ mãi không già đâu. Nếu ta cứ bám víu vào nó thì cái
khổ sẽ từ đó phát sinh.
Có hai vợ chồng già không có con nên
mỗi ngày phải làm việc vất vả, nhọc nhằn. Một hôm, sau khi cuốc gần xong miếng
đất để chuẩn bị gieo trồng hoa màu, vì tuổi già sức yếu nên ông chồng mệt mỏi,
chán chường, đứng nhìn trời đất mà than thở rằng, “ước gì mình khỏe mạnh như
thời trai tráng thì hay biết bao!”. Một vị thần nghe cụ than thở, động lòng
thương xót nên hiện ra chỉ cho cụ cách thức để đạt nguyện ước của mình, “ông đi
về hướng Tây cách đây 3 dặm thì sẽ thấy một dòng suối thần tiên. Ngày mai, ông
xuống đó tắm sẽ được trẻ mãi không già y như mơ ước của mình”.
Cụ già trong lòng mừng thầm vì từ
nay về sau mình sẽ trẻ trung, mạnh khỏe, làm gì cũng thoải mái không sợ mệt
nhọc nữa. Trời vừa tờ mờ sáng, ông vội vàng đi đến dòng suối kỳ diệu đó để thực
hiện điều nguyện ước. Vừa ngâm mình dưới dòng suối, một sự thật không thể ngờ,
ông cảm thấy sự linh nghiệm của nó như y như vị thần đã nói. Dòng nướt mát đã
làm cho cụ trẻ dần trở lại từ 80 xuống đến 70, rồi từ 60 cho đến khi trở thành
một chàng thanh niên khôi ngô, tuấn tú 24 tuổi. Bây giờ, hình bóng cụ già không
còn nữa mà hiện tại là một chàng thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh. Nhìn lại thân
thể của mình, chàng trai ra vẻ hãnh diện, tự hào, “kể từ nay về sau, mình đủ
sức dầm mưa dãi nắng mà không sợ mệt mỏi của tuổi già nữa”.
Chàng trai trẻ trở về nhà để chỉ
dẫn cho bà vợ già biết cách làm trẻ lại như mình. Đến lượt bà cụ chống gậy đi
ra dòng suối đó. Sự nhiệm mầu vẫn thế, bà từ bà già 70 lần lượt giảm dần cho
đến khi còn 24. Đáng lẽ lúc này bà phải bước lên bờ, nhưng lòng tham không cho
phép bà dừng lại ở đó. Bà tự nhũ thầm, “phụ nữ bao giờ cũng mau già hơn đàn
ông, đây là dịp may hiếm có, ta phải tranh thủ tắm thêm một chút nữa thì có sao
đâu.” Chàng trai trẻ đợi mãi không thấy vợ về nên nóng ruột đi tìm. Khi đến bên
bờ suối, chàng nhìn dáo dác nhưng không thấy bóng dáng một người phụ nữ nào mà
chỉ thấy một bé gái trạc chừng 3 tuổi đang đứng đó. Ai cũng muốn trẻ mãi không
già mà không cần tìm hiểu nguyên nhân, nên lúc nào cũng sống trong mơ mộng hão
huyền, tiếc nuối về quá khứ; đến khi tuổi già sức yếu mà không biết tu thì đau
khổ vô cùng. Già thì mắt mờ, tai điếc, đi đứng khó khăn, lưng còng, gối mỏi;
nếu không có con cháu nuôi dưỡng thì phải vất vả trăm bề.
Câu chuyện trên đã cho ta một bài
học thiết thực trong cuộc đời, ta cứ mộng mơ trẻ mãi không già là điều không
thể có được. Phật dạy, “vạn sự, vạn vật trên thế gian này đều biến đổi theo
thời gian, con người thì phải sinh-già-bệnh-chết”. Thế mà ta cứ muốn trẻ mãi
không già nên sinh ra lo sợ, buồn khổ.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét