Căn bệnh của văn minh?
Nền văn minh của chúng ta, kiểu mẫu của phát triển, phải chăng chính nó cũng đang mắc phải căn bệnh phát triển?
Sự phát triển của văn minh chúng ta đã tạo nên những kỳ tích như: sử
dụng được năng lượng vật lý, các máy móc công nghiệp càng ngày càng tự
động hoá và tin học hoá, những máy gia dụng chạy điện đã giải phóng các
gia đình khỏi những công việc cực nhọc, phúc lợi và tiện nghi, những sản
phẩm tiêu thụ nhiều chủng loại, xe ô-tô (như tên nó ám chỉ, đã cho con
người quyền tự chủ trong việc đi lại), máy bay đã giúp chúng ta nuốt
được không gian, truyền hình như cái cửa sổ mở ra thế giới của thực tại
và mộng tưởng.
Sự phát triển này đã cho phép cá nhân con người thăng hoa, tìm được sự
thân mật trong tình yêu, tình bạn, sự giao lưu giữa cái ta với mình, sự
thông tin từ xa giữa những con người với nhau. Nhưng chính sự phát triển
này lại cũng manh mún hoá những cá nhân, làm họ bị mất đi những liên
đới cũ mà không đem đến những liên đới mới nào khác ngoài những thứ liên
hệ vô danh và hành chính.
Sự phát triển của khu vực kỹ thuật - quan liêu đã phổ biến loại công
việc vụn vặt mất tính chủ động, trách nhiệm hoặc hứng thú. Thời gian bị
đo lường, chắt bóp làm biến mất sự sẵn sàng, nhịp sống an nhiên tự tại.
Sự vội vã đuổi mất tính trầm tư mặc tưởng. Bộ máy vĩ đại quan liêu - kỹ
thuật - công nghiệp bao trùm càng ngày càng nhiều hoạt động. Nó bắt các
cá nhân phục tùng những quy định, mệnh lệnh, thể thức của nó. Người ta
không còn biết phải đối thoại như thế nào với những thứ quyền lực vô
danh này. Người ta không biết phải làm thế nào để sửa chữa những sai
lầm, không biết phải đến công sở nào, bàn giấy nào. Cơ giới hoá đã khống
chế cả cái không phải là cơ giới: sự phức tạp của con người. Cuộc sống
trên thực tế bị nhục mạ. ách thống trị vô danh của tiền bạc đi kèm với
với ách thống trị của chế độ quan liêu kỹ thuật vô danh. Những nhân tố
kích thích đồng thời cũng lại là những nhân tố phân rã: Tinh thần cạnh
tranh và ý chí thành công lại đẩy mạnh lòng ích kỷ và càng làm tiêu tan
tình đoàn kết.
Kinh thành-ánh sáng đem đến tự do và lạc thú lại cũng là cái thành phố
bạch tuộc mà những gò bó bắt đầu bằng cái vòng luẩn quẩn: chen xe - đi
làm - đi ngủ (Métro, boulot, dodo), đè nát cả cuộc đời và nơi đó sự căng
thẳng thần kinh dồn đập làm hao mòn cân não.
Đời sống dân chủ thoái bộ. Các vấn đề càng có chiều hướng kỹ thuật thì
lại càng thoát khỏi tầm tay của những công dân để rơi vào thẩm quyền của
những chuyên gia. Các vấn đề văn minh càng trở thành chính trị thì các
nhà chính trị lại càng ít khả năng đưa chúng vào ngôn ngữ và chương
trình hành động của họ.
Con người sản xuất phụ thuộc vào con người tiêu thụ. Kẻ tiêu thụ lại phụ
thuộc vào sản phẩm bán trên thị trường và cái thị trường này lại tuỳ
thuộc vào nhiều lực lượng phóng đãng, càng ngày càng khó kiềm chế trong
một tiến trình quay vòng, nơi người ta tạo nên một kẻ tiêu thụ cho một
sản phẩm chứ không còn chỉ tạo một sản phẩm cho kẻ tiêu thụ. Cá nhân con
người một khi thoát khỏi sự khống chế nô dịch của công việc đều rơi vào
một trạng thái náo động bề ngoài. Sự tiêu thụ bị rối loạn trở thành sự
tiêu thụ quá mức và vô độ để rồi lại xen kẽ với những đợt nhịn ăn, nhịn
tiêu. Nỗi ám ảnh về dinh dưỡng và hình dáng làm tăng niềm lo toan có
tính luyến kỷ (tự yêu mình) và những đòi hỏi ngông cuồng về ăn uống. Nỗi
ám ảnh này còn nuôi dưỡng cả tính ưa chuộng vitamin và các nguyên tố vi
lượng khá tốn kém. Nơi lớp người giầu có, sự tiêu thụ trở thành như
điên dại, gàn dở vì còn dính dáng đến những vấn đề địa vị xã hội, nhãn
hiệu, mỹ quan, thuần khiết và sức khoẻ. Họ chạy đôn chạy đáo khắp các tủ
kính, cửa hàng lớn, tiệm đồ cổ, chợ trời. Còn phải kể cả sự mê mẩn
những đồ lỉnh kỉnh đi đôi với thói sính những vật vô giá trị.
Những cá nhân sống qua ngày, tiêu thụ hiện tại, tự để mình bị lôi cuốn
bởi hàng ngàn thứ tầm phào, không ngừng tán gẫu mà chẳng bao giờ hiểu
được nhau trong toà tháp ngà của những chuyện lặt vặt. Không thể nào
ngồi yên một chỗ, họ loăng quăng khắp mọi nơi. Bản chất của du lịch rồi
chẳng phải là đi khám phá kẻ khác, cũng chẳng phải là mối liên hệ vật
chất đối với địa cầu mà là một đoạn đường mộng du được hướng dẫn trong
một thế giới nửa thực nửa hư, trang hoàng bằng những phôn-klo và đền
đài. Sự giải trí hiện đại trên thực tế lại làm tăng thêm nỗi trống rỗng
mà nó muốn trốn tránh.
Chính vì thế mà tiến trình nâng cao mức sống lại có thể đi kèm với sự
xuống dốc của chất lượng đời sống. Sự gia tăng các phương tiện truyền
thông có thể đi cùng với sự nghèo nàn về truyền thông giữa các cá nhân.
Một con người có thể cùng một lúc có cái tự chủ của mình nhưng lại trở
thành một hạt cát rời, là hoàng đế mà lại là bầy tôi, là chúa tể các máy
móc mà lại bị khống chế và nô dịch bởi chính cái mà mình chế ngự.
Cùng một lúc có một cái gì đó đe dọa nền văn minh chúng ta từ bên trong:
Sự xuống cấp những liên hệ giữa con người với nhau, nỗi cô đơn, sự mất
mát những niềm tin vững chắc đi kèm với nỗi bất lực trong việc đảm nhận
những bấp bênh, tất cả những thứ ấy nuôi dưỡng một căn bệnh chủ quan
ngày càng phổ biến. Vì căn bệnh tâm hồn này nằm trong đáy tâm linh, vì
nó gắn liền về mặt tâm thần với những lúc mất ngủ, những lúc khó thở,
với bệnh loét dạ dày, những khi khó ở, vì vậy người ta không hề nhận
thấy được cái kích thước văn minh tập thể nơi nó nên chỉ biết đi cầu cứu
bác sĩ, các nhà tâm lý trị liệu hoặc các ông đạo sư tôn giáo.
Khi các thanh thiếu niên nổi loạn phản đối xã hội, khi chúng trở thành
"bơ vơ" và rơi vào cạm bẫy của ma tuý loại "cứng" mọi người cho rằng đấy
chỉ là một thứ bệnh của tuổi trẻ, người ta không thấy được rằng thanh
thiếu niên là mắt xích yếu nhất của văn minh, nó là chỗ tập trung của
tất cả những vấn đề, những căn bệnh, những khát vọng mà ở nơi khác chỉ
mơ hồ và phân tán. Truy tầm cùng một lúc sự tự chủ và tình cảm cộng đồng
đòi hỏi một mối liên hệ chân chính với thiên nhiên để tìm lại bản thể
của chính mình, chối từ cuộc đời hư nguỵ của người lớn, là những thứ nói
lên một cách thấm thía hơn bao giờ hết những thiếu thốn mà chúng phải
gánh chịu. Sâu xa hơn nữa, lời kêu gọi của thanh thiếu niên ở California
(Caliphoocnia) trong những năm 1960: Phong trào Hoà bình và Tình yêu đã
để lộ căn bệnh sâu thẳm của tâm hồn thiếu tình yêu và hoà bình.
Những biến động năm 1968 đã nói lên sự phản kháng của giới trẻ đối với
ngay cả những nguyên tắc đời sống thế giới tây phương, khốn cùng về mặt
tâm lý và tinh thần trong khi rất đầy đủ vật chất.
Những căn bệnh khách quan gây ra do những vấn đề nan giải hoặc loạn chức
năng, do tính quan liêu nặng nề và cứng nhắc, do những suy thoái về
sinh thái đã trở thành dễ nhận thấy và bắt đầu bị vạch trần, lên án.
Nhưng những căn bệnh văn minh đang len lỏi vào tâm hồn và trở thành ý
thức chủ quan không phải lúc nào cũng dễ nhận diện. Nói tóm lại, những
căn bệnh khách quan và chủ quan đúc kết với nhau thành một thứ bệnh văn
minh mới. Xuất hiện ở Tây phương trong và bởi sự phát triển kinh tế, nó
tiếp tục tiến bước trong và bởi sự khủng hoảng kinh tế.
Từ năm 1968, cái hư cấu được chuyển tải bằng phương tiện truyền thông đã
chấp nhận vấn đề này. Trước kia tất cả phim ảnh thương mại đều kết thúc
bằng một kết cuộc có hậu, những nhân vật chính trong văn chương bình
dân đều tìm được tình yêu và thành công ở cuối quyển tiểu thuyết. Báo
chí phụ nữ phân phát những bí quyết để mưu cầu hạnh phúc. Sau 1968, mọi
người đã từ cái thần thoại tuyệt vời của hạnh phúc chuyển sang sự nghi
ngờ về hạnh phúc. Cái kết cục tất thắng của hạnh phúc không còn là tất
yếu nữa. Các tạp chí phụ nữ bắt đầu khuyên độc giả của mình nên can đảm
trù tính việc ly hôn, sống cô độc, bệnh tật, già yếu...
Cũng cần phải lưu ý rằng xã hội công dân (dân sự) đã phản ứng lại và tìm cách tự bảo vệ bằng những phương tiện riêng của nó.
Trong tinh thần đó, một cuộc phản công đối với những gò bó của cuộc sống
đô thị bị quan liêu hoá đã thể hiện từ những năm 1960 qua phong trào
của một cuộc sống xen kẽ công việc/ nhàn thú (7), thành phố/ thôn quê
với cuối tuần và ngày nghỉ tăng lên. Dưới sự thôi thúc của một chủ nghĩa
Tân phỏng cổ (bắt chước xưa) và Tân tự nhiên người ta đã đem chất đầy
nhà những thức cây cỏ, vỏ sò ốc, đá khoáng, đồ hoá thạch; đem quần bò,
quần nhung, trang phục quê mùa, trang sức cổ quái ra diện; tìm lại trong
những thức ăn nướng, rau vườn, món ăn nông dân các giá trị đã bị quên
lãng. Sau đó phong trào ý thức sinh thái còn đẩy mạnh sự tìm về thiên
nhiên trong tất cả mọi lĩnh vực, bắt đầu bằng thức ăn.
Êrôs trong thần thoại Hy lạp có thể đồng thời hoặc luân phiên biểu hiện
cho ái tình, sắc dục, tính dục, tình bạn đã trở thành một sự phản kháng
căn bản đối với căn bệnh của văn minh, một sự phản kháng mà chính nền
văn minh gây ra và truyền bá bằng những phương tiện truyền thông của nó.
Để chống trả lại sự vô danh hoá và manh mún hoá nhất là trong giới trẻ,
con người ngày càng phải tìm lấy những dấu hiệu tập hợp qua những phe
phái, nhóm bè bạn, lễ lạc. Và ở mọi tuổi, tình yêu đã trở thành Đấng cứu
rỗi. Đám cưới ngày xưa là một sự liên minh giữa các gia đình, bây giờ
đã không thể nào còn có thể xẩy ra nếu không có tình yêu. Người ta đem
những ngọn sóng tình để xoa dịu những cơn bệnh của tâm hồn. Tình yêu ra
đời và tái sinh khắp nơi. Những cuộc gặp gỡ ái tình, sắc tình, xuyên qua
tất cả các giai cấp xã hội, đột phá tất cả những cấm đoán, say sưa
trong vụng trộm, lén lút và bấp bênh.
Nhưng những đam mê cháy bỏng thì thiêu huỷ cũng rất nhanh, tình yêu
trong khi được nhân lên đã yếu đi và trở thành mong manh với thời gian.
Những gặp gỡ làm nẩy sinh một tình yêu mới lại giết mất tình yêu cũ.
Những cặp này rời nhau, những cặp kia kết lại, rồi cũng lại xa nhau. Căn
bệnh bất ổn định, vội vàng, hời hợt đã đến với tình yêu và đem theo với
nó cái căn bệnh văn minh mà tình yêu muốn xua đuổi.
Tình yêu và tình huynh đệ, lực lượng đề kháng tự phát đối với căn bệnh
văn minh vẫn còn quá yếu để trở thành một phương thuốc. Chúng xua đuổi
sự trống vắng bằng cái hăm hở đi đến trạng thái đầy, nhưng chính chúng
cũng bị gậm nhấm và giải thể bởi sự trống rỗng, từ đó là một phức hợp
rỗng - đầy rất khó nắm bắt.
Cuối cùng, còn có những hình thức và thế lực đề kháng khác đối với căn
bệnh văn minh, chúng biểu lộ chủ yếu qua ý chí học hỏi các phương pháp
và lời răn của các văn hoá đông phương được xem là có thể đem lại sự hài
hoà giữa thể xác và tâm hồn, sự bình thản của tâm linh, sự siêu thoát
của tinh thần. Chính theo nghĩa này mà những hình thức phổ biến thương
mại hoá của Yôga, Thiền đã phản ánh cái mặt không hoàn mỹ của văn minh
Tây phương và nhu cầu mà chúng có thể đáp ứng. Cùng một lúc, nhiều hình
thức học thuyết tôn giáo hỗn hợp trong đó có thể kể cái triết học Tân
thời đại (New Age), đang tìm tòi tính nhất thống của chân, thiện, mỹ,
muốn khôi phục đoàn thể tôn giáo và thần linh. Trong tàn tích của những
gì mà sự tiến bộ đã phá huỷ mà chính nó từ đây cũng trở thành hoang phế
vẫn còn có một nhu cầu tìm về những chân lý đã mất.
Vì tính mâu thuẫn hai mặt và các phức tạp của nó, thực chất của căn bệnh
văn minh rất khó nhận diện. Chúng ta phải nhìn đến cái tầng đất bị đặt
mìn, những hang động, những vực thẳm trong lòng đất, cùng một lúc với
cái dục vọng cầu sống và cuộc đấu tranh chống cái xấu một cách vô thức
và thầm lặng. Phải nhìn thấy mối liên hệ phức tạp giữa sự phi nhân hoá
và sự tái nhân đạo hoá. Phải nhìn thấy những thoả mãn, những niềm vui,
những thú vị, những hạnh phúc, cũng như bất mãn, đau khổ, thất vọng, lo
sợ, bất hạnh của thế giới phát triển, chúng tuy có hơi khác, nhưng không
phải là không có tính thực tại như những thứ ở thế giới chậm tiến kia.
Cái mà đang đấu tranh một mất một còn, chống lại những lực lượng chết
chóc của nền văn minh này lại cũng thuộc về nền văn minh này. Những
chứng loạn thần kinh chức năng mà nó gây ra không chỉ là hiệu ứng của
căn bệnh văn minh, nó còn là một thoả hiệp ít nhiều đau đớn với căn bệnh
để sống còn.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét