Cái Tôi ảo tưởng
Các
nhà tâm lý học nhận thấy, trong mỗi con người, có khi tồn tại cùng một
lúc ba cái Tôi, đó là "cái Tôi chân thực" (tức cái Tôi mà bản thân chúng
ta thực sự đang có), "cái Tôi ảo tưởng" (tức cái Tôi mà chúng ta tưởng
rằng mình có) và "cái Tôi lý tưởng" (tức cái Tôi mà chúng ta đang khao
khát vươn tới, muốn trở thành).
Trong ba cái Tôi kể trên, thì "cái Tôi ảo tưởng" (hay còn gọi là ngụy
ngã) chính là cái tôi nguy hại nhất. Nó làm cho con người không dám sống
thật là chính mình. Quan sát cuộc sống, bạn sẽ thấy có vô số biểu hiện
khác nhau của cái Tôi ảo tưởng.
Biểu hiện trước tiên của cái Tôi ảo tưởng chính là căn bệnh "không đủ".
Trong cuộc sống, tiền bạc, địa vị cùng danh vọng là ba cái có sức mạnh
quyến rũ biết bao người. Con người ta, ai lại chẳng mong có được những
thứ này! Căn bệnh này khá phổ biến ở nhiều người trong giao tiếp ngày
nay. Cảm giác "không đủ" đó luôn luôn hiện hữu trong họ.
Những người mắc phải "căn bệnh" này luôn tự nhủ rằng: mình không đủ bằng
cấp, mình không đủ thông minh, không đủ giàu có, không đủ địa vị, không
đủ xinh đẹp... Chao ôi! Danh sách của sự ham hố, tham lam cứ thế mà
tiếp tục... Nhiều người luôn cảm thấy thiếu thốn và thèm muốn đủ mọi thứ
trong cuộc sống. Lúc nào họ cũng thầm nghĩ trong lòng: "Tôi cần nhiều
hơn nữa, những thứ đã bị bỏ lỡ. Liệu tôi có nên thay đổi công việc? Hay
là quay trở lại trường học để kiếm thêm bằng cấp? Đổi chỗ ở? Làm sao để
thăng tiến?..."
Một số người khác lại thích bắt chước những kiểu áo quần, kiểu tóc, cách
cư xử và lối sống của người khác. Họ hoàn toàn không dám sống như chính
bản thân mình! Lúc nào họ cũng muốn "sao chép" lại người khác, muốn là
một "bản sao" của người khác.
Bên cạnh căn bệnh "không đủ" nêu trên, thì ham địa vị và háo danh cũng
là "căn bệnh" của nhiều người trong xã hội. Biểu hiện của căn bệnh này ở
nhiều người là họ luôn thèm khát lời khen của thiên hạ đến mức đê mạt!
Không phải chỉ có con nít mới ham được khen đâu! Có nhiều người tuy đã
lớn tuổi, mang danh là trí thức hẳn hoi mà vẫn huếnh hoáng, khoe khoang,
đấu đá, đòi hỏi, rất tầm thường và thiếu văn hoá.
Phải có một đầu óc rất trưởng thành, con người mới may ra thoát khỏi
được thói háo danh. Sau những vất vả, lo toan của cuộc sống, sau những
thấm thía của bề trái cuộc đời, con người mới có thể bớt đi những ham
muốn danh vọng hão huyền và sẽ nhận ra điều gì là quan trọng, đáng quan
tâm trong cuộc sống. Quả thực, cuộc sống của chúng ta có nhiều điều quan
trọng, đáng quan tâm hơn danh vọng rất nhiều!
Tất cả những con người trên đây đã quên mất một điều rằng: Con người ta
không thể đứng vững bằng sự ảo tưởng về bản thân! Con người chỉ trở
thành đáng kính trọng một khi đã bước qua được những chuyện tầm phào,
thói háo danh cùng vô số những chuyện vô bổ của đời thường... để sống
thật với lòng mình.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét