001-234-567-8910

5th Avenue Madson, NY758, USA

Get Update on our recent Gadgets & Tabs

Recent Comments

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Cuộc đời nhiều lo âu, do đâu?

Biết ít nhưng vui nhiều
Đó là tặng vật
Cho cõi phù du…
Martin Heidegger - Bùi Giáng dịch
Vì đâu chúng ta luôn bận rộn, cuống cuồng, hối hả với những lo âu hằng ngày? Có phải phần lớn những phức tạp, rắc rối, những lo âu hằng ngày của chúng ta đều liên quan đến chuyện tiền bạc, nhằm giải quyết những nhu cầu vật chất hằng ngày? Mọi băn khoăn, suy nghĩ, thắc mắc, lo lắng… hàng ngày hàng giờ của chúng ta phải chăng chỉ xoay quanh những chuyện cơm ăn, áo mặc, nhà ở, phương tiện đi lại?
Câu hỏi trên khiến chúng ta phải nhìn nhận một thực tế: Tại sao con người ít khi biết đủ? Tại sao lúc nào cũng phải tìm cách thu gom, tích cóp? Phần lớn nguyên nhân lâu nay được quy cho lòng tham vô đáy của con người. Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ, nguyên nhân trước tiên là do nỗi lo sợ bị thiếu thốn.
Cuộc sống vốn dĩ là không thể biết trước! Chúng ta chỉ có thể biết những gì đã xảy ra trong quá khứ và những gì đang diễn ra ở hiện tại, còn cuộc sống tương lai sẽ như thế nào thì không ai dự đoán cụ thể hay chắc chắn được. Ngay cả khi chúng ta mong muốn một cuộc sống phẳng lặng bình yên, thì những bão giông của cuộc đời cũng có thể bất chợt đổ xuống đầu mình. Chính vì nỗi lo lắng rằng tương lai mình có thể gặp chuyện bất trắc, có thể lâm vào cảnh thiếu thốn mà con người mới luôn tìm cách thu gom, tích cóp.
Nhưng thu gom, tích cóp bao nhiêu cũng không cảm thấy đủ. Từ đây, khái niệm “lòng tham vô đáy” mới xuất hiện. Nhu cầu vật chất của chúng ta là không có giới hạn, thành thử lại càng phải thu gom, tích cóp để thỏa mãn nhu cầu của bản thân mình. Từ đó, cuộc sống trở thành những bon chen, giành giật không hơn không kém. Bạn thử nghĩ xem, cuộc sống của chúng ta trên cõi đời này chỉ vỏn vẹn có bao nhiêu năm – không dài lâu bằng cuộc sống của một loài cây cổ thụ nữa, nhưng tại sao lại phải vất vả, mệt mỏi đến thế? Làm sao để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này?
Vẫn biết rằng, cuộc sống quanh ta không thiếu gì những người còn nghèo khổ. Vẫn biết rằng, hằng ngày có biết bao nhiêu người lương thiện phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà vẫn chưa đủ ăn. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập đến trong một dịp khác. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói đến những con người không hề bị áp lực của những gánh nặng cuộc sống. Họ vẫn có của ăn của để, không thiếu thốn chi. Thế nhưng, họ lại coi việc chạy theo nhu cầu vật chất là điều đáng quan tâm bậc nhất trong cuộc sống, ngoài ra không có điều gì khác đáng để quan tâm cả!
Ý nghĩa cuộc sống của bạn chắc chắn không thể đo đếm bằng khối lượng hay giá trị tài sản mà bạn sở hữu. Trong cuộc sống, mọi thứ luôn biến đổi. Ngày hôm nay tài sản nằm trong tay bạn, nhưng ngày mai nó có thể nằm trong tay người khác. Nhận thức được tính chất mong manh đó, biết nỗ lực tự giải thoát mình khỏi những ràng buộc của nhu cầu vật chất bao nhiêu, chúng ta càng dễ dàng cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống bấy nhiêu!
Lại Thế Luyện
Thế giới trong ta...
Bước ngoặt quan trọng nhất trong tiến trình nhận thức của con người có lẽ là khi chúng ta bắt đầu nhận thức về chính bản thân mình. Thay vì đặt những câu hỏi về thế giới quanh ta, mỗi chúng ta đều có một thời điểm bất chợt nào đó quay nhìn lại chính mình và đặt ra những câu hỏi đại loại như “Ta là ai?”, “Tại sao ta sinh ra và chết đi?”, “Đời sống của ta có ý nghĩa gì?”...
Khi nhận thức về chính bản thân mình, chúng ta luôn vấp phải những trở ngại hầu như không thể vượt qua. Chẳng hạn, mọi phương thức hình thành các khái niệm mô tả mà ta đã từng áp dụng cho thế giới vật chất đều trở nên không phù hợp để mô tả về bản thân chúng ta. Khi nhận thức về một sự vật, ta luôn có thể thấy được sự vật ấy hình thành từ bao giờ, hình thành như thế nào, tồn tại trong bao lâu và sẽ hư hoại trong những điều kiện nào. Nhưng với tâm thức chúng ta thì hoàn toàn khác. Chúng ta không thể nói được là ta đã bắt đầu hiện hữu từ bao giờ. Tuy có mối tương quan với thể xác vật lý, nhưng ít người trong chúng ta tin rằng tâm thức ta chỉ bắt đầu hiện hữu từ lúc thể xác này sinh ra và sẽ biến mất hoàn toàn sau khi thể xác này tan rã. Có nhiều lý do để chúng ta không thể chấp nhận một quan niệm như vậy, nhưng ngay cả khi ta chấp nhận thì điều đó dường như lại sẽ làm nảy sinh hàng loạt nghi vấn khác...
Một trong những ưu thế lớn nhất của con người là chúng ta có ngôn ngữ và chữ viết. Nhờ đó mà kiến thức và kinh nghiệm của mỗi chúng ta đều có thể chia sẻ với tất cả những người cùng thế hệ cũng như lưu lại cho nhiều thế hệ về sau. Đồng thời, ta cũng thừa hưởng được vô số những kiến thức và kinh nghiệm của biết bao thế hệ trước đây.
Trong chuỗi trao truyền đó, đã có quá nhiều dữ kiện khiến ta không thể chấp nhận được giả thuyết về một tâm thức đoạn diệt, nghĩa là chỉ giới hạn hoàn toàn trong kiếp sống này. Gần đây nhất là hiện tượng tái sinh có chủ định của các vị Lạt-ma Tây Tạng. Không chỉ được nhiều người trực tiếp chứng kiến, các hiện tượng này còn được ghi chép cụ thể, kèm theo nhiều hình ảnh và có cả các đoạn phim cho phép người xem có thể kiểm chứng được tính xác thực của sự việc. Ngoài ra, người ta cũng ghi nhận được rất nhiều trường hợp đặc biệt của những trẻ em có khả năng nhớ lại chính xác một số chi tiết trong đời sống trước đây của chúng. Mặc dù khoa học hiện nay vẫn chưa giải thích được một cách cụ thể về nguyên nhân dẫn đến những trường hợp này, nhưng việc bác bỏ những sự kiện hiển nhiên như thế là điều không thể được.
Nhưng ngay cả trong trường hợp chúng ta không chấp nhận các sự kiện nêu trên và nhất định tin rằng đời sống con người chỉ giới hạn trong phạm vi của một kiếp sống, thì việc tìm ra một ý nghĩa cho sự hiện hữu của mỗi chúng ta trong cuộc đời lại càng trở nên khó khăn hơn. Lẽ nào chúng ta chỉ sinh ra và chết đi như một sự ngẫu nhiên? Và nếu như thế thì sự nỗ lực hoàn thiện bản thân hay xây dựng cộng đồng nào có ích lợi gì, vì tất cả rồi sẽ không còn ý nghĩa gì cả khi ta đã đi qua hết những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời này. Chỉ cần nghĩ đến điều đó thôi, có lẽ chúng ta đã có thể hoàn toàn mất đi tất cả những động cơ cần thiết cho đời sống. Và như vậy, trong một chừng mực nào đó thì đây là một cách suy nghĩ hết sức tai hại.
Trở lại với vấn đề ý nghĩa cuộc sống, hầu hết chúng ta hẳn không ai có thể hài lòng với cái vòng luẩn quẩn “ăn để sống và sống để ăn”. Khả năng nhận thức về cuộc sống và chính bản thân mình giúp ta thấy được nhiều ý nghĩa và mục tiêu cao cả hơn là việc chỉ đơn thuần kiếm sống qua ngày. Vì thế, việc đi tìm một lý tưởng cho đời sống hầu như có thể xem là bản năng tinh thần của hết thảy mọi người. Chúng ta khó lòng hình dung được một con người với khả năng tư duy nghiêm túc lại có thể chấp nhận một cuộc sống không mục tiêu, không lý tưởng.
Thế nhưng, mọi lý tưởng hay quan điểm sống dường như đều phải xuất phát từ nhận thức cơ bản nhất về chính bản thân ta, dựa trên mối quan hệ phân biệt giữa bản thân và thế giới chung quanh. Chính vì vậy mà nhân loại đã nảy sinh ít nhất là hai quan điểm khác biệt nhau như đã đề cập đến trong chương trước: duy tâm và duy vật.
Những người theo quan điểm duy vật không thể bác bỏ hoàn toàn quan điểm duy tâm, vì có những sự thật hiển nhiên đã từng xảy ra nhưng họ không thể giải thích được. Nhưng ngược lại thì những người duy tâm cũng không thể thuyết phục được những người duy vật, vì những gì họ tin nhận đã không được chứng minh cụ thể bằng cái gọi là “những quy luật khách quan”. Và do đó, tình trạng “đường ai nấy đi” trong cuộc tranh cãi bất phân thắng bại này có lẽ sẽ vẫn còn kéo dài dai dẳng không có hồi kết thúc.
Nhưng từ một góc nhìn khách quan và toàn diện hơn thì các quan điểm duy tâm hay duy vật thật ra đều không giúp chúng ta giải quyết được vấn đề quan trọng nhất của đời người, không giúp chúng ta nhận chân được ý nghĩa thực sự của cuộc đời. Hơn thế nữa, có vẻ như việc chạy theo các ý tưởng về duy tâm hay duy vật còn khiến cho rất nhiều người trong chúng ta bị lệch hướng.
Đức Phật đã gián tiếp chỉ cho ta thấy sự lệch hướng này khi ngài hoàn toàn không đề cập đến duy tâm hay duy vật mà chỉ nhấn mạnh vào sự phân tích và nhận hiểu về chính tâm thức con người. Như đã nói, cả hai quan điểm duy tâm và duy vật đều dựa trên ý niệm căn bản đầu tiên là phân biệt giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Xuất phát từ sự phân biệt này, mọi hành vi ứng xử của ta đều hình thành xoay quanh một “bản ngã” được xem là trung tâm điểm và quan trọng nhất. Nói cách khác, dù là duy tâm hay duy vật thì “cái ta” vẫn là quan trọng hơn “người khác”, vẫn cần phải được quan tâm trước tiên. Và như vậy, sự khác biệt về quan điểm chỉ có thể dẫn đến những cung cách hành xử có phần nào đó khác biệt nhau, nhưng về nền tảng cơ bản thì lại không có gì khác biệt.
Và cái nền tảng cơ bản được xây dựng trên quan điểm về một “bản ngã có thật” đó chính là đầu mối của mọi sự khổ đau và bất ổn mà chúng ta luôn tự chuốc lấy về mình. Mọi sự công kích hay gây hại nhắm đến cái “bản ngã” đó đương nhiên được xem là đang nhằm vào ta, đang tấn công ta, và vì thế ta cần có những phản ứng thích hợp để tự bảo vệ.
Nhưng liệu cái “bản ngã” mà ta mặc nhiên thừa nhận đó có thực sự chính là ta? Đức Phật đã quán chiếu rõ về điều này và bằng kinh nghiệm thực chứng của bản thân, ngài dạy rằng cái “bản ngã” đó là hoàn toàn không thật có. Hơn thế nữa, sự nhầm lẫn cho rằng “bản ngã” đó thật có lại chính là nguyên nhân dẫn đến tất cả những ưu phiền khổ não trong đời sống. Trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy rõ ý nghĩa này:
Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sinh ưu não.
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?
(Kinh Pháp cú, kệ số 62, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu)
Khi ngay từ nền tảng cái “ta” đã là không có, thì làm gì có những hệ quả tiếp theo như “vợ con của ta”, “tài sản của ta”...? Và khi tất cả những thứ “của ta” đó vốn đã là không có, thì dựa vào đâu ta có thể khởi tâm tham đắm, vướng mắc? Như thế, mọi ưu sầu khổ não sẽ không còn lý do để sinh khởi, mở ra một cuộc sống ung dung tự tại mà không cần đến bất kỳ một phép mầu hay sự cứu rỗi nào.
Tiếc thay, một chân lý sáng tỏ như thế nhưng lại có rất ít người trong chúng ta có thể thực sự nghiêm túc nhận hiểu và làm theo. Vì sao vậy?
Đó là vì sự nhận hiểu về một “bản ngã thật có” đã ăn sâu trong tâm thức chúng ta từ nhiều đời, nhiều kiếp, đến nỗi ta hầu như đã mặc nhiên xem đó như một phần nhận thức không thể thay đổi! Hơn thế nữa, suy luận thông thường của chúng ta dường như rất ít khi chạm đến những điểm vốn là hoàn toàn không hợp lý trong sự hình thành khái niệm về bản ngã.

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét

Disqus Shortname

Ads Inside Post

Comments system

Arsip

Hey, we've just launched a new custom color Blogger template. You'll like it - https://t.co/quGl87I2PZ
Join Our Newsletter