Trần gian này khổ hay vui
Đạo
Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân
loại lúc nào cũng đấu tranh giành giựt chiếm đoạt tài nguyên thiên
nhiên để rồi giết hại lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Con người
đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổ vì phiền não tham sân si,
mạn, nghi, ác kiến.
Trong gia đình khổ vì phải làm việc vất vả nhọc nhằn để lo cơm áo gạo
tiền, rồi thương yêu xa lìa khổ, oán ghét mà gặp nhau hoài lại càng khổ
hơn, rồi mong cầu mà không được cũng khổ, thân ốm yếu hoặc sung mãn quá
cũng khổ.
Nghèo cùng với bao nỗi thiếu thốn khó khăn, khổ là lẽ đương nhiên nhưng
người giàu sang phú quý vẫn có những nỗi khổ niềm đau riêng. Ngoài xã
hội lại khổ vì đấu tranh, giành giựt, hơn thua, phải trái, cứ như thế
oán giận thù hằn ngày càng thêm chồng chất, còn hoàn cảnh phải khổ về
thiên tai, sóng thần, động đất, bão lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh
tràn lan, vì sự ngu si mê muội của con người.
Chúng ta thường nghe người đời than thở: Trời ơi, tại sao tôi khổ quá
vậy nè? Ông trời ngó xuống mà coi làm sao cho tôi hết khổ nè, trời ơi!
Người đời thường trách đất kêu trời than khổ đủ thứ chuyện, vì nghèo
khó, vì bệnh tật, vì thất nghiệp, vì thất tình, vì mất mát, vì chia lìa.
Tuy nhiên, cũng có không ít người giàu có, khỏe mạnh, có sự nghiệp, có
tình yêu, nhưng vẫn kêu khổ, khổ ơi là khổ! Người già than khổ đã đành,
người trẻ cũng lại than khổ! Người ngu dốt than khổ, kẻ thông minh cũng
than thở đủ thứ chuyện! Nói tóm lại, già trẻ lớn bé, mỗi người đều có
nỗi khổ niềm đau riêng.
Khổ là sao?
Khổ là sự khó chịu, bất như ý, không toại nguyện, là trạng thái tâm lý
trái ngược lại với vui vẻ, sung sướng, hạnh phúc, thoải mái, dễ chịu,
hài lòng, lạc quan và thỏa mãn... Nỗi đau đớn, buồn phiền, lo lắng, sợ
hãi, bất mãn, thất vọng, tuyệt vọng, đau nhức... đều được xem là khổ.
Chúng ta thường nghe nói "có thân là có bệnh", hay nói cho rõ ràng hơn
"có thân phải khổ vì thân”, chính vì thế ta cũng đừng trách tại sao phải
như thế, con người đều khốn khổ vì mang thân bệnh.
"Khổ vì thân" có hai loại chính: bệnh khổ và tai nạn khổ, còn vô số cái
khổ khác cũng làm cho con người ta điên đảo từ chuyện nhức đầu, đau
răng, cảm mạo cho đến những bệnh nan y do ảnh hưởng ô nhiễm của môi
trường độc hại gây ra.
Như vậy, ai làm người cũng khổ vì thân hay bệnh khổ là điều tất yếu trên
thế gian này. Nhưng, những cái khổ đó chưa quan trọng bằng cái khổ bởi
vô minh trong nhiều đời gây ra, có nghĩa là không phân biệt được đúng
sai, chánh tà, phải quấy, tốt xấu.
Một người bình thường nhìn thấy người khiếm thị hoặc tật nguyền, họ nghĩ
rằng nạn nhân chắc là thống khổ lắm, nếu nạn nhân đó bị bẩm sinh thì họ
cũng có cảm giác bình thường như bao người bình thường khác về thân
thể. Nếu người đang mù bổng nhiên được chữa trị, cặp mắt sáng lại thì họ
có cảm giác sung sướng hơn người đang bình thường.
Chính vì vậy một người đang sáng mắt và một bệnh nhân được chữa lành mắt
sáng, cảm thọ của hai người khác nhau, là do sự tác động tâm lý mà có.
Nếu thân vật lý không bị tác động bởi trạng thái tâm lý thì cái gọi là
khổ của thân vật chất chưa hẳn là thật khổ.
Cuộc sống của chúng ta có quá nhiều nỗi khổ niềm đau, luôn luôn bám víu
vào thân phận con người. Khổ về bản thân như đau ốm bệnh tật, già nua.
Khổ vì người thân trong gia đình bị mất mát chia lìa. Khổ vì vợ chồng
không cảm thông và tha thứ cho nhau nên dẫn đến ly dị. Khổ vì con cái
bụi đời nghiện ngập hút sách bê tha hư hỏng. Khổ vì phải làm việc nhọc
nhằn, vất vả để lo cho gia đình người thân: Như lo ăn, lo uống, lo mặc,
lo chỗ ăn ở, lo nghèo giàu đủ thứ…
Khổ vì hoàn cảnh như chiến tranh, thiên tai lũ lụt, hạn hán, mất mùa,
dịch bệnh. Khổ vì thi rớt, vì thất tình, vì của cải bị phá sản, vì thua
bài bạc bán hết gia tài, vì bị giựt hụi mất hết một số tiền lớn .v..v.
Luận về những nỗi khổ ở đời, thì bất cứ ai cũng có những nỗi khổ niềm
đau của riêng mình. Thực khó mà kể ra cho hết được.
Khổ được biểu hiện qua phần thân và tâm. Cơ thể đau nhức là nỗi khổ ở
thân này, chẳng hạn như cảm giác đau đớn do bệnh tật hay tai nạn, và cảm
thấy khó chịu do nóng lạnh, đói khát. Tâm đau khổ như bất mãn, phiền
muộn, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, bất an bởi những thứ không được hài
lòng vừa ý.
Trên đời này cái gì là khổ nhất?
Khi Phật còn tại thế, đệ tử lớn là A Na Luật cùng 4 vị đồng tu mới ngồi
lại thảo luận với nhau về đề tài: Trên đời này cái gì là khổ nhất?
Một thầy tỳ kheo nói: “Con người khổ nhất là do lòng tham dục phát sinh
quá đáng, khi sự tham dục không được thỏa mãn, con người sẽ cảm thấy
khổ đau, nó có thể dằn vặt hành hạ mình ghê gớm, nhiều người chịu không
nổi phải quyên sinh tự tử”.
Thầy tỳ kheo khác lại nói: “Trong cuộc sống, khổ nhất là không được ăn
uống no đủ, sự thèm khát trong thiếu thốn, làm cho con người ta khốn khổ
không gì có thể so sánh được”.
Thầy thứ ba không chịu nên nói: “Con người khổ nhất là khi tức giận, oán
thù một ai đó, mặt mày trông dữ tợn hiện tướng bốc lửa từ ánh mắt, ngay
khi sân giận đó đã làm cho tâm khổ não bất an”.
Một thầy khác lại nói: “Con người khổ nhất là nỗi sợ hãi trước các loài
cầm thú hoặc sự khủng bố của con người, không có một giây phút nào cảm
thấy bình an”.
Đúng lúc ấy Phật trên đường hoằng hóa độ sinh, ghé lại thăm các đệ tử
của mình, họ mới trình bày quan điểm của mỗi thầy “cái gì là khổ nhất”.
Phật nghe xong mới nói: “Các con đều chưa nói được cái gốc của khổ, tất
cả những điều các con nói chỉ đúng một phần thôi, giống như người mù sờ
voi vậy, mỗi người đều chỉ nói đúng một phần.
Trong số các con, có người từng là chim bồ câu tái sinh, cho nên nói
rằng tham dục là khổ; có người kiếp trước làm con chim ưng bị đói khát
nên cho rằng sự đói khát là khổ, có người là rắn độc tái sinh nên nghĩ
sân hận là khổ não, có người kiếp trước là thỏ nên luôn cảm thấy sợ hãi
là khổ. Tất cả từ con người cho đến loài có tình thức đều phải chịu sự
chi phối của sinh già bệnh chết, nên đau khổ vô cùng tận không luận là
giàu nghèo hay sang hèn.
Hình ảnh quen thuộc hàng ngày của người nông dân khắp tất cả ba miền đất
nước, ta thường bắt gặp những hình ảnh giản dị qua cuộc sống. Đi làm
đồng về, người chồng dựng vội cái cày, cái cuốc, với bình trà xanh,
trong khi bà vợ tất tả ném vội nắm thóc cho đàn gà, rồi bước vào chuồng
heo để tẩy uế và tắm mát cho chúng.
Trong những vật nuôi trong nhà, trâu, bò, ngựa, heo, chó, mèo, gà, là
những con vật không thể thiếu ở nông thôn. Họ lý giải chức năng của
chúng thật chặt chẽ, rõ ràng. Con trâu, con bò cày ruộng, con ngựa kéo
xe, con chó giữ nhà, con mèo bắt chuột, con gà chạy lăng xăng, bươi mỗ
kiếm chút đồ thừa thải.
Ngày xưa, có gia đình nọ làm nghề nông, trong nhà có nuôi một con trâu,
hai mẹ con nhà ngựa, một con chó, một đàn heo và cùng với đàn gà dăm ba
chục con.
Mỗi ngày, trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chiều tối mới về, còn chó
ta chỉ việc nằm phè ở nhà dòm chừng trong ngoài trước sau. Trời còn
chạng vạng tối tiếng gà gáy sáng đã báo thức mọi người dậy, để chuẩn bị
cho công việc một ngày mới bắt đầu.
Một hôm, trâu đi cày về, thấy chó nằm dài trước cửa nhà, mắt nhắm lim
dim trông thật nhàn hạ, thoải mái, sung sướng làm trâu ganh tị, tức tối,
muốn điên lên, bèn nói lời mỉa mai rằng: “chú chó nhà mày thật hạnh
phúc quá, ăn rồi chỉ đi loanh quanh, lẫn quẩn trong xó nhà, lúc nào làm
biếng thì nằm phè ra đó. Mày thật là có phước nhất nhà này”.
Chó nhà ta nghe trâu nói lời hậm hực, nặng nhẹ mình thì buồn bã trong
lòng, nghĩ rằng trâu tuy to xác nhưng không có chút trí tuệ nào, mới
phát ra những lời lẽ so đo ganh tỵ như thế.
Chó bèn nói với trâu rằng: “này anh trâu ơi, anh không thể nào hiểu hết
hoàn cảnh của tôi đâu, tôi nào có sung sướng hạnh phúc gì như anh tưởng.
Anh tuy làm lụng vất vả, nhọc nhằn ngoài đồng ruộng, nhưng còn có thời
gian để nghỉ ngơi. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ
hơn anh, nhưng thật ra tôi rất mệt mỏi và căng thẳng lắm. Tôi tuy nằm
lim dim mà trong lòng lúc nào cũng lo sợ phập phòng, cứ phải nơm nớp
không yên vì sợ mất mát đồ đạc của ông bà chủ, không dám lơ là hay chểnh
mảng một chút nào. Nếu ngủ quên hay sơ ý để xảy ra mất trộm, thì tôi
khó mà sống được yên thân.
Đêm đêm, trong khi mọi người yên giấc ngủ ngon lành, thì tôi có được
nghỉ ngơi gì đâu, tôi phải vểnh lỗ tai lớn ra để nghe ngóng, dòm ngó
động tĩnh trước sau, đề phòng kẻ gian, hễ nghe có tiếng động gì thì phải
sủa to lên để báo cho chủ nhà hay biết. Hôm nào, hai vợ chồng chủ nhà
vui vẻ thì tôi được cho ăn no đủ một tí, khi hai người giận nhau hay
buồn bực chuyện gì, họ đều trút đổ lên đầu tôi hết.
Họ đánh, họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi như là con chó ghẻ vậy đó. Mỗi
khi gia đình, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa, họ
chửi tôi là đồ ngu dốt, “bộ mày mắt đui hả?". Bạn bè họ đến chơi thì
không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ chửi rủa, đánh đập đuổi đi.
Anh trâu à, anh thử suy nghĩ coi, anh và tôi ai sướng hơn ai?”.
Trâu nhà ta nghe nói vậy mới hiểu được hoàn cảnh khổ tâm của chó, nên
trong lòng rất ăn năn và hối hận vô cùng, bởi những lời nói xổ sàng,
trịch thượng của mình.
Trâu ta liền xin lỗi chó: “đúng là mày còn vất vả khổ sở hơn tao rất
nhiều. Tao với mày tuy ở chung một nhà, mà chưa có một lần nào được trò
chuyện tâm tình, nên mới hiểu lầm mà trách móc lẫn nhau. Bây giờ tao đã
hiểu hết nỗi khổ niềm đau của mày rồi, tao nghe mày nói tao mới biết, cả
hai chúng ta đều khổ cả, chẳng ai sung sướng gì đâu”.
Khi ấy, chó ta quay sang đàn gà đang chạy đùa tung tăng bươi móc tìm
kiếm thức ăn mà ganh tỵ, đúng là lũ gà sướng thật vừa mới mở mắt ra, nó
đã được bà chủ cho ăn bữa sáng bằng những hạt thóc được mẹ con nhà ngựa
chở từ ngoài đồng về. Chó ta thèm chảy nước miếng thấy đàn gà vừa kiếm
ăn, vừa đùa giỡn, anh ta vừa than thở, vừa ước ao, phải chi mình được
sinh làm gà thì sướng biết mấy.
Chú gà trống đầu đàn nghe anh chó ước vậy, bèn quay sang nói rằng: Này
anh chó, chúng tôi chả sung sướng gì đâu, tuy được ông bà chủ cho ăn và
còn có nhiều thức ăn khác chung quanh sân vườn nhà. Nhưng mà chúng tôi
cũng khổ lắm anh nhà chó ơi, ông chủ tôi nuôi gà trống để đi đá độ thỏa
mãn thú tính tàn nhẫn, kích bác chúng tôi tàn sát nhau để bọn con người
vui trong sự oán giận thù hằn của chúng tôi. Rồi con người nuôi gà để
lấy trứng bán và ăn, lúc nào con người thèm khát thì chúng cắt cổ nhổ
lông mần thịt để ăn uống vui chơi thỏa thích. Thật ra chúng tôi cũng khổ
lắm anh chó ơi.
Trâu đang nghe lũ gà phân trần với chó, nó tự nghĩ rốt cuộc rồi con
người nuôi các loài vật, mục đích chính là để gánh vác bớt công việc
nặng nhọc cho con người và làm thức ăn nhằm bồi bổ thân này theo quan
niệm trời sinh ra vạn vật, thật là quá tàn nhẫn?
Đang nghĩ vẩn vơ, trâu bỗng nghe tiếng chim hót ríu rít trên cành cây
cao, nó nhìn lên thấy các chú chim vui đùa bên nhau mà hằng ước ao được
như thế, rồi ngậm ngùi thương xót cho số phận của mình, chó và bọn gà,
sao quá khổ sở nhọc nhằn, rồi tự than thở:
Bọn chim trời, cá nước thật là diễm phúc và sung sướng làm sao. Chúng có
thể tự do, tự tại bay lượn, bơi lội đó đây mà không bị ngăn ngại, không
bị ai giam cầm, quản thúc, không phải làm việc nhọc nhằn, vất vả, không
phải chịu nỗi khổ, niềm đau của kiếp làm tôi mọi cho con người. Giá mà
chúng ta, có được cuộc sống vui vẻ như các loài chim, cá thì vui sướng
hạnh phúc biết chừng nào.
Khi ấy, một chú chim nghe lời trâu than vãn, bèn đáp lên lưng trâu mà
nói rằng: “bác trâu ơi, bác đâu có biết, chúng cháu cũng chả sung sướng
gì như bác nghĩ đâu. Tuy loài chim chúng cháu không phải trông nhà giữ
cửa, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc kèm
kẹp của con người, nhưng chúng cháu cũng có nỗi khổ, niềm đau riêng của
mình, bác trâu ạ.
Mạng sống chúng cháu luôn bị đe dọa từng ngày, chúng cháu lo sợ các chú
chim lớn rình mò, chụp bắt đã đành, lại còn lo sợ những kẻ thợ săn có
thể bắn chết chúng cháu bất cứ lúc nào không hay. Tổ của chúng cháu làm
rất khó khăn, vất vả biết bao, chưa chắc đã ở được lâu ngày vì sự phá
hoại của con người. Trứng chúng cháu sinh ra chưa kịp nở, thì đã bị con
người lén lấy mất.
Loài người lúc nào cũng biết thương yêu, chiều chuộng con cái của mình,
nhưng nào biết thương hại các loài vật đâu. Các chú, các bác chỉ bị hành
hạ làm lụng khổ sở nhọc nhằn đôi chút, còn chúng cháu lúc nào cũng sống
trong lo âu sợ hãi, vì loài người hay tìm cách tước đoạt mạng sống của
chúng cháu nữa.
Các bác biết đó, đâu phải chết rồi là được yên thân, loài người tàn nhẫn
hơn khi đem đi nhổ lông, vặt cánh, xẻ thịt, nấu nướng, làm đủ thứ các
món thức ăn, thân thể chúng cháu bị tan nát rã rời. Loài người ỷ mạnh
hiếp yếu, ỷ có trí khôn của mình nên mặc tình sát sinh, hại vật, nào có
biết thương yêu, tôn trọng sự sống của muôn loài gì đâu.
Các chú, các bác có cái khổ của các chú, các bác, còn chúng cháu cũng có
cái khổ của chúng cháu, sống mà cứ phập phòng nơm nớp lo sợ trong từng
phút giây, sống được ngày nào thì mừng cho ngày đó. Thật ra, trên cõi
đời này không có loài vật nào được sung sướng cả, nếu có cũng phải trả
một giá rất đắt đối với loài người vô liêm sỉ đó”.
Bầy cá đang ở dưới nước, nãy giờ nghe bác trâu nói mình sung sướng,
thoải mái quá, nên cũng không đồng ý mà vội vàng phân bua rằng: “Dạ, xin
thưa với các bác, loài cá chúng con cũng không sung sướng hạnh phúc gì
lắm đâu. Nhà cá chúng con thường bị loài người giăng lưới đánh bắt, mỗi
lần bị sát hại chết đến cả hàng ngàn, hàng vạn con không sao kể hết tội
lỗi của loài người.
Chúng con lúc nào cũng sống trong lo âu, sợ hãi. Loài người rất khôn
ngoan và mưu ma chước quỷ. Nơi nào có chúng con ở là loài người dùng đủ
mọi cách câu giăng, lưới bắt, tát cho bằng được. Cá lớn, cá nhỏ gì chúng
đều lượm sạch ráo, chẳng tha con nào. Bắt bằng tay, bằng lưới không
được thì loài người dùng điện chích, bỏ thuốc độc, để bắt cho được hết
loài cá chúng con, các bác ạ”.
Rồi một chú ngựa con đang lui hui tìm chút cỏ non để cho qua cơn đói
khát, bổng nhiên một mùi thơm phức, làm bao tử chú ngựa con cồn cào khó
chịu, chú tò mò đến gần xem sự thể ra sao. Bầy heo đang nhốn nháo khi
thấy con người mang thức ăn đến đổ vào máng, chúng tranh nhau táp phầm
phập trông rất ngon lành, thoáng phút chốc các máng đều hết sạch, rồi
mỗi con một chỗ nằm phè ra, ngủ say sưa.
Ngựa con nhìn thấy mà thèm chảy nước miếng, vừa buồn tủi, vừa giận trách
loài người sao quá bất công, hai mẹ con ngựa làm lụng vất vả cả ngày mà
chỉ ăn toàn cỏ khô, loài heo kia chẳng làm gì mà lại được ăn lúa mạch,
bắp rang thơm phức.
Trong lòng bực bội, ngựa con tức tối về nhà tìm gặp ngựa mẹ hỏi cho ra
chuyện mới được. “Mẹ ạ, sáng nay con vô tình đến chỗ nhà heo thấy chúng
được ăn món ngon thượng vị, con nào cũng mập ú ù ra vẻ oai phong lẫm
liệt, chẳng phải nhọc nhằn làm việc vất vả mà được ăn no đủ, tắm mát rồi
nằm phè ra ngủ một cách ngon lành. Thật là sung sướng làm sao! Ước gì
con cũng được như thế mẹ nhỉ”.
Nghe con mình nói như vậy, ngựa mẹ chẳng thèm trả lời mà bình thản, an
nhiên gặm cỏ khô. Ngựa con ấm ức quá mới phân trần với ngựa mẹ, “mẹ à,
sao loài người quá bất công để loài ngựa chúng ta phải nhọc nhằn gánh
vác, chuyên chở hàng hóa, đưa người đón bạn, xông pha chiến trường, bảo
vệ tổ quốc mà vào sanh ra tử, chịu lao khổ trăm bề, vậy mà thức ăn chỉ
toàn cỏ khô và nước lã, chẳng công bằng tí nào. Loài heo chúng nó thật
có phước quá, chúng chỉ ăn no rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, chẳng phải làm gì
cực nhọc mà thức ăn lại thơm ngon đáo để”.
Ngựa mẹ bảo, “con à, mỗi loài đều có phước báo riêng, con không nên vì
thế mà than thân trách phận, chúng ta hãy chấp nhận cuộc sống hiện tại
có gì ăn nấy, miễn sao tạm no đủ là được rồi, đừng vì muốn món ngon vật
lạ mà khổ lụy trong hiện tại và mai sau.
Con muốn ăn loại thức ăn đó cũng không khó gì, nhưng con hãy ráng chờ
thêm vài ngày nữa sẽ biết rõ được sự thật”. Tuy được nghe ngựa mẹ khuyên
nhủ kiên nhẫn chờ đợi nhưng ngựa con vẫn còn tiếc nuối, vì nhớ lại hình
ảnh ăn ngon, tắm mát, ngủ kỹ của nhà heo.
Vài ngày sau, bầy heo bị loài người trói gô lại tất cả, kêu la eng éc
nghe thảm não vô cùng. Ngựa con nghe thấy bèn chạy đến xem sao. Thật là
một cảnh tượng quá hãi hùng và khủng khiếp. Chú thấy một người đồ tể đi
đến chỗ bầy heo đâm thẳng vào tim chúng làm máu chảy xối xả, kèm theo đó
là những tiếng kêu la thảm thiết, đau thương.
Sau khi thọc huyết xong, họ đổ nước sôi lên khắp thân thể chúng rồi cạo
lông nghe sồn sột, cuối cùng tất cả đều bị chặt đầu, mổ bụng, lột da xẻ
thịt và cho lên xe chở đi.
Ngựa con bây giờ mới thức tỉnh liền nhanh chân bỏ chạy về nhà, vừa thấy
mẹ chú ta liền nói, “mẹ à, giờ con đã hiểu ra rồi, con cám ơn mẹ rất
nhiều”.
Ngựa mẹ bảo, “nghiệp duyên của chúng ta là ngựa thì mình phải có trách
nhiệm vận chuyển hàng hóa, đưa đón con người, chuyên làm các việc nặng
nhọc để tạo ra miếng ăn, sự sống cho loài người; chỉ chuyên tâm một điều
làm việc nào biết việc đó. Loài ngựa chúng ta chấp nhận cuộc sống đạm
bạc và rèn luyện trong gian khó, nếu sau này có sự cố gì ta còn có đủ
khả năng để vượt qua. Con không thấy loài heo đó sao, chỉ vì ham ăn
ngon, ngủ kỹ mà phải chịu quả khổ như vậy”.
Nếu nói về nhân quả thì loài heo trước kia đã từng gieo trồng phước đức,
từng bố thí thức ăn thức uống cho nhân loại; nhưng đồng thời gieo
nghiệp nhân giết hại do ngu si mê muội mà hiện đời hưởng phước báo ăn
ngon, ngủ kỹ nhưng phải đoạ làm heo để bị giết hại trở lại.
Heo trong thời kỳ sơ khai lạc hậu, con người ta phải nuôi từ 6 tháng đến
một năm rồi mới làm thịt. Ngày hôm nay công nghệ kỹ thuật tân tiến, heo
chỉ nuôi hơn 3 tháng là có thể được đưa đến các lò mỗ.
Chúng ta thấy rõ ràng nhân quả rất công bằng, sòng phẳng, làm phước thì
được hưởng phước, được ăn ngon ngủ kỹ mà không phải làm lụng nhọc nhằn,
khổ sở; nhưng ngược lại vì nhân giết hại do ngu si, mê muội nên bị quả
báo mạng sống ngắn ngủi và bị giết hại lại.
Con người vì không biết rõ thực tướng của vạn vật nên si mê chấp thân
tâm làm ngã rồi dẫn đến chiếm hữu. Loài heo vì tham ăn ngon, ngủ kỹ nên
mới bị đọa lạc như thế, loài ngựa tuy phải nhọc nhằn, cực khổ làm lụng
vất vả, ăn uống đạm bạc, phải ra công vận chuyển giúp đỡ loài người có
phương tiện sinh sống nhưng nhờ vậy chúng lại được tôi luyện.
Chúng được cho ăn món thượng hạng hằng ngày rồi nằm phè ra ngủ, thấy thế
tưởng như ngon lành nhưng không ngờ đang gần kề cái chết mà không hay
biết. Ăn ngon ngủ kỹ là căn bệnh trầm kha của nhiều người, đa số ai cũng
thích như vậy từ chỗ tham ái chấp trước mà ra.
Trâu nghe chó, chim, gà, cá phân trần sự khổ não của chúng, cảm thấy
thương hại cho các loài vật mà ngửa mặt lên trời, mới oán trách tạo hóa
sao quá bất công, để các loài vật chúng ta phải chịu khổ đau thế này.
Tại sao thượng đế lại tạo ra nỗi bất công lớn lao như thế, chỉ có con
người là được sống sung sướng, hạnh phúc nhất trên cõi đời này mà thôi.
Nói như thế rồi trâu ta buồn bã bỏ đi vào chuồng, nằm suy nghĩ mông lung
về thân phận của nó và các loài vật khác sao mà khốn khổ quá. Nó nghĩ
mà tức giận thượng đế vô cùng. Tại sao ông ta quá bất công, tàn nhẫn,
bất cứ loài vật nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại. Cho đến chúa tể
sơn lâm hung dữ, ác độc lừng danh như loài cọp mà cũng bị loài người
dùng trí khôn để khống chế. Trâu ta rống lên tiếng rống bi ai, não nuột:
“Cuộc đời sao quá bất công, loài người được quyền ăn trên, ngồi trước,
có tri thức, hiểu biết, mà tại sao tàn ác, nhẫn tâm đối xử tệ bạc với
các loài vật thế này. Ấy vậy mà họ lại được ăn sung, mặc sướng, không
phải chịu một sự đau khổ nào”.
Đang lúc đó, bỗng trâu nghe rõ ràng tiếng quăng chén, bát, đĩa, muỗng
cùng nhiều thứ đồ đạc khác trong nhà vọng ra. Nó lắng tai nghe kỹ mới
biết hai ông bà chủ đang lớn tiếng gây gỗ, cãi vã, chửi mắng lẫn nhau.
Tiếng ông chủ gào lên trong cơn giận dữ: “Trời ơi, hãy ngó xuống mà coi,
sao tôi phải chịu nhọc nhằn khổ sở đến như thế này, làm người gì mà
không bằng con trâu, con chó trong nhà nữa. Con trâu đi cày còn có được
thời gian để nghỉ ngơi, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu, đa
đoan với nhiều công việc, nào là phải lo nhà cửa, vợ con, cơm ăn, áo
mặc, tiền bạc, đám tiệc, hội hè, đình đám, đủ thứ, làm quần quật suốt cả
đêm ngày mà không có lúc nào rảnh rỗi, nghỉ ngơi.
Tôi phải thức khuya, dậy sớm, đầu tắt mặt tối, làm lụng nhọc nhằn, vất
vả khổ sở như vậy, là vì ai? Vậy mà bà vẫn không vừa ý, hài lòng, để cho
tôi được yên thân một chút, hễ thấy mặt tôi là bà hạch sách, cằn nhằn,
càm ràm, đủ thứ hết. Bà vừa phải thôi chứ, bà mà làm quá tôi sẽ cho cả
nhà ra hết chuồng trâu mà ở, để cho vừa lòng hả dạ mấy người”.
Nghe ông chủ nhà nổi nóng, to tiếng quát tháo ầm ỉ lên, trâu ta bỗng
giật mình, bất giác mà ngậm ngùi than thở rằng: “Té ra, cuộc sống trên
cõi đời này đâu có ai hoàn toàn được sung sướng mà dám bảo đảm rằng mình
không bao giờ nhọc nhằn, khổ sở đâu? Từ con người cho đến muôn loài
vật, ai cũng phải khổ hết, vì có thân này là có khổ”.
Câu chuyện trên là một bài học sâu sắc nói về giá trị sống của muôn loài
vật muốn bảo tồn mạng sống phải chịu muôn vàn điều khổ đau. Trong cuộc
sống, mỗi người đều có một hoàn cảnh, sự nghiệp và việc làm khác nhau.
Từ người lãnh đạo đất nước cho đến thứ dân bần cùng đều phải làm việc để
lo cơm áo, gạo tiền và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Người nắm cán cân công lý thì chịu trách nhiệm chung lo duy trì hài hòa
bảo đảm đời sống an vui, hạnh phúc cho toàn dân. Binh sĩ lo bảo vệ biên
cương, bờ cõi, an ninh quốc gia. Thương nhân lo kinh doanh, buôn bán.
Nông dân và công nhân tích cực lao động, sản xuất. Tu sĩ lo gìn giữ đạo
đức tâm linh để giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an
vui, hạnh phúc ngay hiện tại và cho cả tương lai.
Hạng người thấp kém thì hay trộm cướp, lường gạt của người khác, hút
xách, đàn điếm, gây ra tệ nạn xã hội làm khổ cho nhiều người. Hạng có
địa vị thì lợi dụng quyền cao chức trọng để được ăn trên ngồi trước,
hưởng thụ xa xỉ quá đáng trong khi nhiều người còn quá thiếu thốn, khó
khăn.
Nhân đam mê hưởng thụ quá đáng sẽ khiến con người ngày càng sa đọa, gieo
đau khổ cho mình và người, giống như loài heo được ăn no ngủ kỹ rồi chờ
ngày bị con người phanh da xẻ thịt đau khổ vô cùng. Kẻ ngu si chỉ biết
hưởng thụ đam mê nhất thời mà phải chịu khổ triền miên không có ngày
thôi dứt. Người trí vì lợi ích an vui lâu dài cho chính mình và tha nhân
nên luôn sống đơn giản, muốn ít biết đủ để có cơ hội phục vụ và đóng
góp cho con người nhiều hơn.
Tham có nghĩa là tham lam, ham muốn quá đáng như tham sống sợ chết, tham
tiền tài, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon ngủ kỹ… Do chấp
thân là thật nên tham lam mọi nhu cầu vật chất để phục vụ thân này.
Lòng tham con người được ví như giếng sâu không đáy, như cái hang không
cùng nên không biết đến đâu là đủ. Khi không có thì tham muốn cho có,
khi có rồi thì tham muốn cho thật nhiều, tham được thì càng thêm tham,
tham không được thì sinh ra buồn phiền, giận dỗi, tìm cách trả thù dẫn
đến tàn sát, giết hại lẫn nhau, gây đau thương và làm tổn hại cho nhiều
người.
Quả thật, lòng tham con người vô cùng tận như giếng sâu không đáy, chúng
ta có thể dò được đáy sông, đáy biển nhưng không thể đo lường lòng tham
của con người vì nó không có bến bờ nhất định.
Chính vì thế, tu sĩ Phật giáo giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống
hiện tại. Họ không phải là những người lười biếng, ăn bám xã hội. Họ có
trọng trách thiêng liêng, cao quý là giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ,
niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Thế gian này, nếu con người sống
không có nhân cách đạo đức tốt đẹp, không có luân thường đạo lý, thì xã
hội sẽ là một bãi chiến trường đẫm máu, mà lịch sử loài người đã chứng
minh thực tế rõ ràng. Từ mấy ngàn năm lịch sử, chiến tranh nhân loại xảy
ra cũng vì lòng tham lam, ích kỷ của con người.
Đây là những câu chuyện ngụ ngôn mang tính triết lý sâu sắc về nền tảng
nhân quả, từ nghiệp nhân si mê mà bị đọa lạc vào các loài súc sinh để
trả quả khổ đau. Si là vô minh, là cái bất giác lầm lẫn không biết rõ sự
thật nên thành ra có tham hay ham muốn quá độ. Do đó, si là cái khởi
đầu bắt nhịp cầu cho tham lam, nóng giận bộc phát. Đúng ra, si là cái
ngu tối thâm căn cố đế chẳng biết thế nào là đúng-sai, thật-giả.
Nhưng nếu trong cuộc sống, ai cũng có ý thức sống bằng trái tim yêu
thương và hiểu biết, mà cùng nhau chia vui, sớt khổ, hay làm những việc
thiện lành, để đem lại an vui, hạnh phúc cho nhân loại, thì thế gian này
sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Ngược lại, con người sẽ chỉ làm khổ nhau, vì
tâm tham lam, ích kỷ, hẹp hòi; vì tâm si mê, ganh ghét, tật đố, sân
hận, muốn bảo vệ quyền lợi cho chủ nghĩa cá nhân.
Đó là một lẽ thực trong cuộc sống hiện tại, nên Phật vì lòng từ bi,
thương xót chúng sinh, mà khuyên nhủ chúng ta không nên giết hại, trộm
cướp, tà dâm, nói dối hại người, và không dùng các chất độc hại, như
rượu chè be bét, hút chích xì ke, ma túy, mà làm khổ đau cho nhau.
Song, nếu quán chiếu theo tuệ giác của Thế tôn, thì thế gian này khổ đau
nhiều hơn hạnh phúc. Khổ và vui như hai mặt lật úp của một bàn tay, đan
xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa khắp cuộc đời
chúng ta, không một ai có thể thoát được.
Ngoại trừ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni và các chư vị đại Bồ tát, các Ngài
đã vượt qua được mất, khen chê, tốt xấu lẫn khổ vui của cuộc đời, để
thành tựu đạo quả giác ngộ, giải thoát giáo hóa chúng sinh không biết
mệt mỏi nhàm chán. Ngài đã tìm ra chân lý kiếp người, và biết cách làm
chủ bản thân thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau.
Cuộc sống này người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có
những cái khổ của người già, người giàu có những cái khổ của người giàu,
và người nghèo có những cái khổ của người nghèo. Dù trong bất cứ hoàn
cảnh nào cũng đều có những cái không được hài lòng, như ý. Ai cũng có
những nỗi khổ về thân như nóng lạnh, bị muỗi mòng chích đốt.
Trong gia đình, con người khổ vì phải sinh, già, bệnh, chết. Ngoài xã
hội, con người khổ vì đấu tranh, giành giựt miếng ăn để sống, và đủ thứ
nỗi khổ, niềm đau đến với con người: yêu thương, xa lìa nên khổ; oán
ghét mà gặp nhau hoài là khổ; mong cầu mọi việc mà không được vừa ý cũng
khổ. Khổ là một sự thật của muôn loài chúng sinh. Vậy, chúng ta muốn
vượt qua nỗi khổ niềm đau thì phải làm sao đây?
Có ai sống mà không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, không nhớ
nhung, không sầu khổ, không nuối tiếc hay hy vọng một điều gì đó? Có ai
sống mà không biết phiền muộn khổ đau, thất chí nản lòng, bi quan yếm
thế, chán chường trong cô đơn tuyệt vọng? Có ai dám bảo đảm rằng ta hoàn
toàn khỏe mạnh, thoải mái cả hai về mặt thể xác lẫn tinh thần? Chắc
chắn là không có ai, ngoài trừ các vị đại Bồ tát và chư Phật thị hiện
vào đời để giáo hóa chúng sinh.
Thế giới loài vật cũng có sự sống sinh hoạt song hành với loài người nên
cũng bị vô minh chi phối. Loài vật chỉ sống theo quán tính, thói quen,
không có sự nhận định, suy xét, tìm tòi, quán chiếu soi sáng như loài
người bởi nghiệp si mê nhiều đời chiêu cảm.
Người ham hưởng thụ nhiều cho rằng chết là hết, không tin tội phước,
nhân quả nghiệp báo sẽ tranh thủ tận hưởng khoái lạc trần gian bất chấp
luân thường đạo lý, cuối cùng gây nhiều tội lỗi tày trời làm băng hoại
đạo đức xã hội. Người bi quan yếm thế sẽ chán chường, chẳng muốn làm gì
hết vì nghĩ có cố gắng cũng phí công vô ích, thà ăn không ngồi rồi còn
sướng hơn.
Người mê tín khi nghe vậy cứ tưởng đấng sáng tạo đang trừng phạt con
người nên càng cầu khẩn, van xin ban ân huệ, cuối cùng dẫn đến cuồng
tín, si mê không biết phân biệt đúng sai. Người ăn không ngồi rồi, người
đầu trộm đuôi cướp, người si mê nghiện ngập sẽ càng sa đoạ hơn khi tin
vào những điều huyền hoặc vu vơ. Họ mặc tình ngang nhiên làm nhiều điều
phi pháp để kiếm tìm sự hưởng thụ cho thỏa thích vì sợ sau khi chết sẽ
làm ma ngáp ruồi. Tất cả những hạng người ấy đều phải chịu quả khổ đau
vô cùng tận không có ngày thôi dứt vì quan niệm sai lầm.
Hiện tại những quả báo chung của các loài có tình thức như thiên tai,
sóng thần, động đất, lũ lụt, hoả hoạn, chiến tranh dường như đã được sắp
sẵn và đang xảy ra trên thế giới này. Chúng ta có thể biết được nhờ vào
mạng lưới thông tin, báo chí hằng ngày; nhưng chúng không đồng loạt,
khi thì chỗ này, khi thì chỗ kia, hậu quả từ nhân phá hoại sự sống lẫn
nhau trên trái đất.
Riêng con người thì thông minh hơn, ác độc hơn, vì có hiểu biết hơn nên
có thể giết hại tất cả các loài vật khác, thậm chí có thể giết hại luôn
gia đình người thân của mình. Con người phát triển, mở mang tới đâu thì
tàn hại và huỷ diệt thiên nhiên muôn loài vật tới đó. Giết hại con người
thì mạng đền mạng hoặc chịu tù từ 10 năm cho đến chung thân, hơn thế
nữa sẽ bị chi phối bởi luật nhân quả mà âm thầm nhiều kiếp bị chết yểu,
bệnh hoạn và bị giết hại trở lại.
Giết hại con người thì quả báo nặng hơn các loài khác vì có cộng nghiệp
người thân trả thù nên ảnh hưởng nhân quả rất lớn. Giết hại các động vật
có tâm thức thì tuỳ theo mức độ cố ý hay vô tình mà thủ phạm phải chịu
trả quả bị thương tật, chết chóc, hoặc có thể bị tai nạn chung với nhiều
người như thiên tai, dịch bệnh và tai nạn giao thông… Rất nhiều nghiệp
nhân khác làm hủy hoại trái đất để phục vụ nhu cầu cuộc sống cho con
người như chặt phá cây rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi
làm môi trường ô nhiễm; quả báo phải trả là tai hoạ chung của toàn nhân
loại do nhân phá hủy sự sống mà ra.
Người con Phật với tinh thần từ bi, trí tuệ mỗi ngày hãy nên quán sát và
xem xét từng hành động, lời nói, suy nghĩ của mình trong từng phút giây
không lơ là, giải đãi; muốn ít biết đủ, không xan tham quá mức những
nhu cầu hằng ngày.
Con người cần phải chủ động ngồi lại thương thuyết với nhau để cân bằng
sinh thái của bầu vũ trụ bao la này, nếu không con người sẽ tự tiêu diệt
lẫn nhau và sống trong oán giận thù hằn, bởi nhân đấu tranh giành giựt
chiếm đoạt.
Sở dĩ con người và muôn loài vật phải chịu nhiều đau khổ trong đời,
chính là do nhân ham muốn luyến ái dục lạc, mà chúng ta nỡ nhẫn tâm tàn
sát, giết hại lẫn nhau. Loài vật vì ngu si, mê muội nên phải bị đọa lạc
vào chỗ thấp hèn để trả quả xấu ác. Con người có phước hơn, vì có hiểu
biết và nhận thức sáng suốt, nếu biết vận dụng theo chiều hướng thượng
thì đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh; ngược lại, sẽ gieo
đau thương, tang tóc cho muôn loài, thì phải chịu quả báu khổ đau, cùng
cực.
Những nỗi khổ, niềm đau của muôn loài không bao giờ chấm dứt, vì nhân
tương tàn, tương sát lẫn nhau. Cho nên, ta phải biết khôn ngoan, sáng
suốt, lựa chọn con đường hướng thượng, để rèn luyện nhân cách đạo đức.
Ta biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời,
nhờ giữ gìn năm giới của nhà Phật: không giết hại, trộm cướp, lường gạt,
tà dâm, nói dối, và dùng các chất kích thích như rượu, xì ke ma túy, để
làm tổn hại cho nhân loại.
Khi chúng ta nhận biết cuộc đời là một trường đau khổ, và cái khổ sẽ tác
động đến tất cả mọi người, từ vua chúa, quan quyền, cho đến dân đen,
con đỏ. Những nỗi khổ, niềm đau trong kiếp người không biết bao giờ kể
xiết, nó đeo đẳng chi phối đời sống của ta như bóng theo hình.
Người nghèo phải khổ vì dãi nắng dầm mưa, đầu bán cho trời, lưng bán cho
đất, nợ nần chồng chất, con cái thất học, bệnh tật đau yếu, vợ chồng ly
tán.
Người giàu phải khổ vì quyền cao chức trọng, sợ người tài giỏi hơn mình,
luôn sống trong lo âu sợ hãi, sợ tiền tài bị mất mát, và nỗi khổ đau
nhất là con cái bất hiếu, phá sản vì bê tha, nghiện ngập. Xét cho cùng,
đã có thân này là có khổ; cho nên, ta cần phải cố gắng tu tâm dưỡng
tánh, để biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc
đời.
Đức Phật vì lòng từ bi mà thương xót chúng sinh, nên đã chỉ ra nỗi khổ,
niềm đau, chỉ dạy phương pháp dứt khổ, để chúng ta cùng được sống trong
bình yên, hạnh phúc.
Khổ là một sự thật. Phần lớn, mọi người tìm đến chùa học hỏi, tu tập đều
do gặp hoàn cảnh trắc trở, khổ đau trong đời sống hằng ngày. Mà khổ từ
đâu ra? Từ sự chấp trước thân tâm này làm ngã là ta, là tôi, là mình nên
muốn chiếm hữu, rồi từ đó tham muốn quá đáng mà sinh ra các hệ lụy khổ
đau.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét