Những bài học làm người
Ba câu chuyện ngụ ngôn, nội dung tuy đơn giản, nhưng lại mang hàm nghĩa sâu sắc, là những bài học làm người mà bất kỳ ai cũng cần tự mình suy xét.
1. Câu chuyện thứ nhất: Nương tựa nơi caoMột cây ngô đồng cao vút tầng mây, đứng thẳng giữa trời xanh. Có một con chim phượng hoàng rất đẹp thường đậu ở trên cây, nó vui vẻ ngửi mùi hương hoa của cây.
Về sau, một con chim khổng tước bay đến, nó đậu ở cành cây cao nhất, vui vẻ cất tiếng hát ca: “Hãy nghe tiếng hót của tôi, lảnh lót biết bao, khắp thiên hạ đều có thể nghe thấy được”.
Khổng tước xòe cái đuôi to với đủ loại màu sắc, khoe khoang với chim phượng hoàng rằng: “Tôi đứng ở chỗ này, xòe ra cái đuôi khổng tước đẹp đẽ nhất, khắp thiên hạ đều có thể nhìn thấy được”.
Chim phượng hoàng đã đậu ở trên cây ngô đồng nhiều năm, thiện ý nhắc nhở khổng tước rằng: “Đừng có quên rằng, cậu đứng ở nơi cao, là cây ngô đồng nâng cậu lên đấy, đừng có khoe khoang bản thân, càng không nên tự mãn, kiêu ngạo quá sớm muộn sẽ phải chịu thiệt thôi!”.
Khổng tước không cho thế là phải, vẫn lớn tiếng hát vang, khoe khoang bản thân mình. Bỗng một cơn gió lớn ấp đến, thổi gãy cành cây mà chim khổng tước đang đậu, hất khổng tước rơi bịch xuống mặt đất. Còn chim phượng hoàng vẫn đậu yên ở trên cây ngô đồng, thong thả ngửi mùi hương hoa của cây ngô đồng.
Cảm ngộ:
Phượng hoàng thân ở nơi cao, nhưng lại không tự mãn, không làm bạn với kẻ tầm thường, chọn người lương thiện để mà kết bạn, chủ động theo đuổi cuộc đời cao thượng, tu dưỡng phẩm hạnh của tự thân.
Cây ngô đồng đứng thẳng, nâng đỡ người khác, che chở người khác, lặng lẽ không ai biết đến. Khi chúng ta đứng ở nơi cao, đừng quên những người đã nâng đỡ chúng ta.
Chỉ có khiêm tốn mới có thể có được thành tựu lớn hơn, mới có thể có được trí huệ lớn hơn.
2. Câu chuyện thứ hai: Đứng thẳng không lay động
Tre xanh đội trời đạp đất, cao vút tận mây. Một con rắn bò lên trên thân tre, nói rằng: “Tre này, cậu thẳng đứng như vậy, có mệt hay không? Hãy học theo tôi đây này, cong cong, lỏng lẻo, tùy theo ý mình, muốn cong thể nào thì cong thế nấy, thật thoải mái biết bao!”.
Cây tre vẫn vươn mình đứng thẳng, không hề bị những lời của con rắn làm cho dao động. Một cây tre trong đó nghiêm giọng đuổi con rắn đi: “Nhà ngươi hãy mau cút xuống đi, chúng tôi đứng thẳng, không cho phép ngươi đến làm bẩn”.
Lúc này, một con rồng vàng bay đến, món vuốt của con rồng một tay tóm lấy con rắn, xé nó thành hai đoạn, ném vào trong khe suối, con rồng vàng lại dùng móng rồng của mình lau lau thân tre, chùi sạch mùi hôi của con rắn.
Con rồng nhìn thấy thân tre thẳng tắp, vô cùng kính ngưỡng, muốn so thử với tre xanh. Đuôi của con rồng dựng đứng trên mặt đất, vươn thẳng thân thể, giống như thân tre, đứng thẳng đến tận tầng mây.
Cảm ngộ:
Làm người cần phải ngay thẳng giống như cây tre, không sợ cường thế, không cúi đầu trước thế lực tà ác, có thể chống cự lại các loại cám dỗ.
Những dụ dỗ mê hoặc trong thế tục quả thật rất nhiều, hễ không cẩn thận sẽ rơi xuống vực thẳm. Giữ vững chính nghĩa lương tri, tuy bước đi khó khăn, cuối cùng sẽ nghênh đón được ánh sáng. Chỉ cần chúng ta giữ vững lương thiện, gìn giữ đạo đức, trong lòng ôm giữ thiện niệm, thì sẽ nhận được sự che chở của Thần.
Làm người cần phải khiêm tốn giống như cây tre, khiêm tốn tiếp nhận ý kiến của người khác, thế mới là bậc trí giả. Đốt tre không ngừng lên cao, tượng trưng cho tiết tháo cao thượng. Cây tre bên trong trống rỗng, bên ngoài thẳng tắp, đại biểu cho đức tính khiêm tốn.
Bên trong trống rỗng, không có tự ngã, mới có thể lắng nghe ý kiến của người khác, mới tiến bộ. Nội tâm thuần tịnh, mới có thể chứa đựng trí tuệ cao hơn, ngộ thấy được chân lý cao hơn. Còn những người tự mãn, ý kiến gì cũng không nghe lọt tai, trong lòng chỉ có bản thân mình.
3. Câu chuyện thứ ba: Vượt qua giông tố
Có hai thầy trò đi leo núi gặp phải cơn mưa, học trò hỏi thầy: “Nếu như chúng ta ở giữa đường, đột nhiên gặp phải mưa lớn, thì chúng ta nên làm thế nào?”.
Thầy giáo nói: “Cần phải đi lên đỉnh núi”.
Người học trò cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi rằng: “Tại sao lại không đi xuống chân núi? Mưa gió trên đỉnh núi không phải là lớn hơn sao?”.
Thầy giáo nói: “Đi lên đỉnh núi, mưa gió có thể rất lớn, nhưng sẽ không uy hiếp đến mạng sống của em. Còn đi xuống núi, dường như mưa gió nhỏ hơn một chút, cảm thấy khá an toàn, nhưng có thể gặp phải lở đất hoặc lở núi mà mất đi mạng sống quý giá nhất”.
Cuối cùng thầy giáo nói: “Mưa gió vốn là điều không thể trốn tránh được, cần phải dũng cảm đối mặt, mới là an toàn nhất”.
Cảm ngộ:
Quá trình của đời người không phải cũng như vậy sao? Đối diện với bất cứ khó khăn gì, chúng ta không nên trốn tránh, trái lại nên phải thản nhiên đối mặt, trầm tĩnh suy nghĩ, từng bước từng bước vượt qua nghịch cảnh, mà nghịch cảnh nhất định sẽ đi đến con đường lớn của chân lý.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét