Thế gian hằng như mộng
Trong
cuộc sống vốn dĩ mang tính chất vô thường biến đổi này, chẳng có gì
mang tính chất nhất định cả. Vì vậy chư Phật và chư Tổ Sư đã vì đời mà
khuyên nhủ chúng ta rằng: "Không có gì là thực tướng. Tất cả chỉ là mộng
huyễn mà thôi"! Thế nhưng ai là người đã liễu ngộ được điều này và ai
là người "xúc sự vô tâm" trước mọi hoàn cảnh biến dịch của đất trời vạn
vật ?
Tsunami đã xảy ra vào cuối tháng 12 năm 2004 vừa qua tại các nước Ðông
Nam Á Châu, quả đã chứng minh được điều đó. Ðiều được chứng minh rõ ràng
là nhà cửa, sinh mạng, của cải, đất đai, ruộng vườn, công danh, sự
nghiệp v.v... tất cả chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ đã trở thành một
cái không to tướng vô nghĩa. Người có nhà cao cửa rộng đã trắng tay
không còn một tấc đất. Người có địa vị tột đỉnh trong xã hội, sau một
cơn thịnh nộ của đất trời cũng trở thành vô nghĩa và lúc ấy chỉ còn một
xác chết không hồn, vô chủ, chẳng ai thừa nhận. Một mỹ nữ, một tăng
nhân, một em bé, một cụ già v.v... tất cả cũng chỉ là không. Không tất
cả. Chẳng có gì là thực tướng, mặc dầu bình sinh ta vẫn thấy có tướng
nam, tướng nữ, tướng giàu, tướng nghèo, tướng cao, tướng thấp, tướng
đẹp, tướng xấu v.v... tất cả chỉ là ảo ảnh và bọt nước. Mà đã là giả
cảnh, huyễn mộng thì có ai có thể níu kéo lại với cuộc đời này. Dẫu cho
đó là Thần Thánh, người có quyền ban ơn giáng họa đi chăng nữa thì cái
không thể cãi lại vô thường vẫn là một sự thật mà ít ai trong chúng ta
có thể chấp nhận một cách dễ dàng được.
Mặc dầu chúng ta già; nhưng nếu có ai đó khen ta trẻ, ta vẫn vui và nếu
có ai đó thật tình bảo rằng chúng ta già, thì chúng ta buồn và không
chấp nhận. Vậy thì già và trẻ, tốt và xấu, hơn và thua, trắng và đen
v.v... nó cũng chỉ là một sự đối đãi của cuộc đời mà vốn thật tướng của
nó là không có thật. Do vậy Ðức Phật mới dạy cho chúng ta rằng: "Cuộc
sống ở thế gian này là giả tạo, huyễn mộng".
Cũng bởi chúng ta cho rằng cuộc đời này là thật có; nên chúng ta mới khổ
đau khi người thân ra đi, khi của cải bị đánh rơi; khi không còn được
thương yêu nói lời dịu ngọt nữa. Cũng bởi cho là thật có ông Bác sĩ, bà
Kỹ sư, cô Y tá v.v.. nên mới vin vào đó mà chấp ngã và nâng cao cái ngã
của mình hơn cái ngã của người khác và rồi còn bao nhiêu cái thuộc về
ngã còn đèo bồng theo phía sau nữa. Cũng vì tất cả cái nhìn của ta đều
hữu tướng, chứ chưa thật biết vốn cái gì có hình tướng đều bị vô thường
chi phối và tất cả cái gì có, đều là hư vọng cả. Như có danh, có tiền,
có tình, có của, có sắc đẹp v.v...
Phật dạy trong kinh Kim Cang rằng: Quá khứ là những gì đã qua. Vị lai là
những gì chưa đến. Còn hiện tại biến đổi trong từng phút giây sanh
diệt. Do vậy mà chúng ta biết được rằng tất cả mọi vật trên thế gian này
đều bị vô thường chi phối. Chẳng có cái nào đứng yên, không có cái nào
tồn tại; nên Phật bảo rằng: Các pháp đều luôn đổi thay. Không có pháp
nào đứng yên một chỗ, ngay cả pháp xuất thế gian, chứ đừng nói đến pháp
thế gian. Vậy thì cái nhìn của Ðức Phật về cuộc đời và sự vật sẽ như thế
nào? Ngài nhìn đời như sau:
Thế gian hy sinh diệt
Du như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Ðại Bi tâm
Nghĩa là:
Thế gian lìa sanh diệt
Giống như hoa hư không
Trí chẳng có và không (được và mất)
Mà tăng tâm Ðại Bi
Nghĩa đen đã giải thích như trên. Còn nghĩa bóng là ý gì? Ðó là - dưới
cái nhìn của Phật và chư vị Bồ Tát, thế gian này chẳng có sanh mà cũng
chẳng có diệt. Vì sanh diệt chỉ là một hiện tượng mà thôi. Khi đã gọi là
hiện tượng thì chúng không thể có thật tướng, mà chỉ có sự biến đổi. Ví
như không khí chỗ này trống thì chỗ kia đến choán chỗ. Sự sinh ra và
mất đi cũng chỉ là sự thay đổi vị trí chứ không mất mà cũng chẳng còn.
Vì tất cả những hiện tượng ấy cũng giống như hoa đốm trên hư không, vốn
là điều chẳng thật có. Sở dĩ chúng ta thấy hoa đốm. Vì lẽ mắt ta bị hoa
chứ hư không thực tế không có hoa đốm. Ðó chỉ là ảo giác của con người.
Dưới con mắt trí tuệ của bậc Ðại Nhân thì chẳng có sự có mà cũng chẳng
có sự không. Vì có không, chỉ là một sự đối đãi trong cuộc đời này. Ðiều
quan trọng của chúng ta là phải phát khởi tâm từ bi khi quan sát sự vật
thì chính tâm ấy mới giúp ta hiểu rõ được lẽ thật của cuộc đời.
Giáo lý của Ðạo Phật lấy cái không để lập luận cho mọi sự hiện hữu trên
thế gian này; nên tam pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã) hoặc tứ pháp ấn
(vô thường, khổ, không, vô ngã) làm căn bản cho mọi nhận thức. Nếu mọi
cách nhận định mà đi xa nguyên tắc này, tức giáo lý ấy không phải là
giáo lý của Ðạo Phật. Tại sao giáo lý của Ðạo Phật lấy cái không để nhận
định về mọi pháp? Vì lẽ thực tướng của các pháp là không và vì để đánh
mạnh vào sự hiểu biết ấy và phải thực hành giáo lý ấy cho sâu xa nên
kinh Bát Nhã, Trung Quán luận, Kim Cang đều là những bộ kinh quan trọng
hướng dẫn chúng ta chứng thực được với thực tướng của cái không ấy; từ
đó ta mới có thể hiểu rõ được bộ mặt thật của thế gian này là gì.
Giả dụ rằng có người nào đó hỏi tôi rằng: Tại sao Thầy đi xuất gia? Thay
vì tôi sẽ trả lời theo sự tò mò của họ, thì tôi sẽ hỏi lại họ rằng: Tại
sao anh không xuất gia? Khi anh trả lời rõ được câu hỏi ấy, tức anh sẽ
hiểu tại sao tôi xuất gia. Ví dụ câu tự trả lời của anh là: à, à... vì
tôi, vì thế này, vì thế kia. Vì tôi có gia đình, tôi đang có sự nghiệp,
tôi đang có con cái, của cải v.v... Rõ ràng là anh đã bị những cái có ấy
chi phối cho nên anh đã không đi tu. Vậy thì người đã đi tu là ít ra đã
thoát ra ngoài một phần nào sự chi phối ấy. Vì họ biết nhìn nhận vào
mặt thật của cuộc đời, của sự vật. Chứ không phải vì người ta chán đời
mà người ta đi tu; hoặc giả vì thất tình, mất công danh sự nghiệp mà đi
tu v.v... đi tu như thế thì biết bao giờ mới thoát khỏi được sự sanh tử
triền phược của thế gian này.
Có người nói tôi đã tỉnh rồi; nhưng sau đó lại say nữa thì sự tỉnh ấy nó
chỉ có tính cách đối đãi mà thôi. Một ngày nọ tôi đi thăm người ta
triển lãm về cơ thể học của con người. Họ chia thân thể này ra từng mảnh
nhỏ và khi đến phần buồng phổi thì người ta chia ra loại phổi có hút
thuốc lá nó nguy hại và đen đóm như thế nào; còn loại phổi không hút
thuốc lá nó đỏ và hồng như thế nào, ai xem cũng hiểu rõ là cái hại và
không hại của sự hút thuốc lá; nhưng khi mới rời khỏi căn phòng triển
lãm chẳng được bao lâu thì chính những người khi nãy ở bên trong khi xem
thấy sự tai hại của việc hút thuốc lá, đã thán lên là hút thuốc nguy
hiểm như thế đó! Phổi nám đen như vậy, mà chính bây giờ, ngay lúc này
khi mới ra khỏi hội trường, họ đã vội bật quẹt đốt thuốc, rít thật mạnh,
nhả khói phì phà; làm như là suốt đời họ chưa bao giờ được hút như thế.
Quả thật là: Biết thân ta vẫn biết mà tiếc thân ta vẫn tiếc là vậy.
Mọi người trong chúng ta ai cũng biết sự nguy hiểm của thuốc lá và rượu
đối với sức khỏe như thế nào; nhưng bỏ được thuốc lá và rượu không phải
là điều dễ. Mà vốn dĩ những thứ này do ta tự huân tập mà thành, chứ khi
sinh ra đâu có đứa bé nào đã biết hút thuốc và uống rượu đâu. Ðó là chưa
kể những loại tham, sân, si có những cội nguồn đã ăn sâu vào trong vô
lượng kiếp về trước nữa, làm sao có thể xả bỏ được.
Cái giả còn chưa biết được thì làm sao biết được cái chân; mà cái chân
ấy có được là cũng từ cái giả ấy mà ra; chứ cái chân như thật tánh ấy
vốn không phải từ nơi xa lạ đến đây. Cũng ví như khi trái cam còn trên
cành, khi còn xanh ta hái lấy để ăn, thí chắc chắn quả cam ấy sẽ chát và
chua; nhưng trải qua thời gian năm thắng thì trái cam ấy khi chín sẽ
ngọt. Câu hỏi được đặt ra là: Chất ngọt kia từ đâu đến? Có rất nhiều
người tra lời rằng: Nhờ đất, phân bón, ánh sáng mặt trời v.v... những
câu trả lời như thế không sai; nhưng thực tế là không hoàn toàn đúng.
Câu trả lời đúng nhất là: Chất ngọt ấy từ chất chua kia mà thành cũng
như phiền não và Niết Bàn an lạc là một chứ không phải là hai và Bồ Ðề
tức sự giác ngộ không đâu khác hơn là từ phiền não mà biến hóa ra Bồ Ðề.
Nếu chúng ta biết tu học và giải quyết vấn đề nan giải ấy thì mọi việc
sẽ thành tựu. Ðôi khi chúng ta chỉ biết chạy trốn vấn đề chứ không đối
diện với vấn đề. Còn giải quyết vấn đề là vấn đề khó khăn hơn nữa, cần
phải đối diện thẳng với vấn đề và chấp nhận vấn đề thì mới có thể giải
quyết vấn đề được. Còn đa phần chúng ta hay chạy trốn vấn đề hơn là đối
diện để chấp nhận và giải quyết vấn đề.
Ở đây sự vô thường sanh diệt cũng thế. Chúng ta chỉ nghĩ rằng vấn đề đó
của người khác chứ không phải là vấn đề của mình và vì không phải là vấn
đề của mình cho nên ta chẳng quan tâm. Nên khi vấn đề đến, ta rất ngỡ
ngàng và lo sợ. Mới đây có người đến nhà xác để đưa tiễn một người thân
và trông thấy nhiều quan tài quá thì người kia hỏi tôi rằng:
- Thưa Thầy: Tại sao có nhiều người chết quá vậy?
Tôi trả lời:
- Không lẽ sanh ra đời, ai cũng sống mãi không chết sao? Bởi lẽ người ta
chỉ vui khi có đứa bé ra đời; chứ đâu có ai lo nghĩ là một ngày nào đó
mình cũng phải chết đi. Vì chết là một định luật, đâu có ai thoát khỏi.
Người kia lại tiếp:
- Chắc là Thầy quen với sự chết rồi nên Thầy không sợ ma?
Tôi bảo:
- Ngay cả ma nó cũng chẳng có thật tướng thì lấy gì để mà sợ. Sở dĩ ta
sợ ma vì ta tin rằng có con ma như thế, như thế; nhưng đa phần con ma ấy
là ma tưởng tượng mà thôi. Cũng giống như ta nằm chiêm bao thấy bao
cảnh tiệc tùng mà ta tham dự ở Việt Nam
hay ở những nơi khác; nhưng khi mở mắt ra thì chẳng có tiệc gì cả. Vì
sao vậy? Ðó chỉ là sự huân tập của chủng tử trong nhiều nơi, nhiều lần;
nên mới hiện ra như vậy. Còn thực tướng của chân như rõ ràng là không có
sự đối đãi, mất còn, đến đi, hai một v.v...
Rõ ràng là mộng. Tất cả chỉ là mộng, ngay cả thân người này cũng chỉ là
mộng; nhưng chúng ta vẫn nói nó là thật có; mà đâu có gì là thật, khi mà
đất, nước, gió, lửa mỗi thứ tan rã theo mỗi nơi. Khi 4 chất lớn này tan
rã thì không khí trả về cho không khí, đất đai trả về cho đất đai, nước
và lửa cũng lại như thế. Có cái gì là còn và có cái gì là mất đâu. Tất
cả chỉ là một sự thay đổi. Ta đến đây cũng chỉ để chấp nhận và hứng chịu
những sự khổ đau cũng như hưởng được một chút an lạc hạnh phúc mà ta
cho là hiện thực; nhưng trong thực tế của tánh không, thì tất cả chỉ là
ảo giác; tất cả chỉ là ảo ảnh của cuộc đời.
Một cuộc sống 30 năm, 60 năm, 80 năm hay nhẫn đến 100 năm đi nữa nó cũng
chẳng là bao. Thời gian ấy so với đất trời vạn vật này hiện hữu cả mấy
trăm triệu năm thì sự hiện hữu của ta giữa cuộc thế này nó cũng chỉ là
hạt cát trong sa mạc, giọt sương mai dưới ánh nắng mặt trời; chỉ là một
giọt nước trong biển cả đại dương. Tất cả đều vô nghĩa. Tất cả là một
cái không to tướng. Ta phải quán sát như thế để ta thấy rằng ta không là
gì cả. Vì ta không từ đâu đến mà cũng chẳng đi về đâu. Sự đến và sự đi
của ta cũng chỉ là một ánh sáng nhỏ như con đom đóm giữa sa mạc hoang vu
vậy thôi.
Ta đang sống cũng có nghĩa là ta đi dần đến chỗ chết. Ta đang khổ đau
cũng có nghĩa là ta đang chuyển sự khổ đau ấy thành ra an lạc, hạnh
phúc. Ta đang si mê cũng có nghĩa là ta đang hướng về bờ giác. Ta đang
là chúng sanh cũng có nghĩa là ta sẽ đi đến con đường của chư vị Bồ Tát
và chư Phật đã đi. Hãy quên đi niềm tự hào vô cớ, hãy quên đi tự ngã là
gì, hãy quênđi tất cả. Chỉ nhớ một điều duy nhất là: Cái gì ở trên đời
này cũng không có thật tướng; ngay cả lời khen hay tiếng chê, đẹp hay
xấu v.v...
Khi người Phật Tử chấp nhận những nguyên tắc ấy thì chúng ta sống rất là
bình an trong cuộc sống vốn chẳng an bình này; chúng ta sẽ được an lạc
khi tâm chúng ta hoàn toàn không có thù hận ngự trị. Sống và chết như
thế mới có một giá trị toàn hảo. Còn sống để mà sống, chết để mà chết,
thì sự sống chết ấy nó hoàn toàn vô ý vị, chẳng có gì để đáng nói nơi
đây và nhất là dưới cái nhìn của Ðạo Phật. Ðạo Phật đến với con người và
giúp con người phải hiểu rõ cái bản lai diện mục của nó là gì và phải
đối diện với tử sinh chứ không chạy trốn tử sinh. Nhìn và thực hiện giáo
lý của Ðạo Phật như thế, là một cái nhìn tích cực,chứ không phải tiêu
cực như bao nhiêu người đã hiểu sai lầm về Ðạo Phật. Do vậy ta có thể
định nghĩa rằng: Ðạo Phật không phải là đạo bi quan, cũng không phải là
một đạo lạc quan, mà là một đạo thực tế cho cuộc đời này. Từ đó ta sống
và đi vào đời rất thong thả tự nhiên như những Thiền sư đã thẳng tay vào
chợ mà không bị chợ đời đàm tiếu thị phi, mà dẫu cho người đời có nhìn
những vị ấy là gì gì đi nữa thì tất cả cũng chẳng là gì so với cái có và
cái không trong cuộc đời này.
Thế gian hằng như mộng là thế. Chẳng có gì là thật tướng cả. Vì vậy
chúng ta nếu chấp nhận những thực tế thì tánh chân như sẽ hiện về. Còn
nếu chúng ta buông lung chạy nhảy, cố chạy trốn sự thật của cuộc đời thì
suốt cả hành trình sanh tử ấy chẳng có ý nghĩa gì so với cái có và cái
không to tướng kia. Dẫu cho là một bậc quân vương hay một bậc mẫu nghi
trong thiên hạ đi nữa mà không ý thức được việc này thì khi chết đi cũng
chẳng mang theo được cái gì ngoài cái nghiệp mà thôi. Phải ý thức như
vua Trần Thái Tông rằng: "Trẫm xem ngai vàng như đôi dép bỏ" thì mới
hiểu được thế nào là đạo và thế nào là giả tướng của cuộc đời. Nếu
không, ai trong chúng ta cũng lao mình vào khổ đau và chốn bùn lầy nước
đọng, mà chẳng biết mình đang bị hại bởi chính mình.
Viết bài này để tự đánh thức lấy mình và mong cho mọi người con Phật
hiểu rõ được giả tướng của cuộc đời để tự tu tự độ và sớm vào chỗ an lạc
giải thoát chân như tuyệt đối, thì đó mới chính là chỗ nương nhờ của
chúng ta đối với cái không thênh thang của Ðạo Phật.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét