Danh vọng, cần hay không cần?
Cũng
có người lên tiếng hoàn toàn phủ nhận danh vọng. Hoặc người đó là tiên
(đã là tiên thì chỉ đáng trọng chứ không đáng phục), hoặc người đó dối
mình dối người (không thật thì khó chiếm được lòng tin của người khác).
Phải thừa nhận rằng danh vọng luôn tồn tại trong đời thật, thường xuyên
đối mặt với con người. Vấn đề là cần điều tiết nó ra sao để phát huy mặt
lợi, hạn chế mặt bất lợi, tạo ra động lực thực tế cho mọi hoạt động của
con người trong đó có hoạt động sáng tạo của nhà văn. Không ít trường
hợp, nhất là đối với các cây bút trẻ mới bước vào nghề, mặt tốt của danh
vọng đã tiếp sức cho ngòi bút của họ, giúp họ gặt hái được những thành
công ban đầu vốn đặc biệt có ý nghĩa cho những chặng đường kế theo của
nghiệp văn chương.
Vậy ta không phê phán danh vọng nói chung. Có chăng ta chỉ không đồng
tình với những ai theo đuổi hư danh, danh không đi liền với thực. Nhà
thơ quá cố Chế Lan Viên khuyên: “Chớ hư danh!” (Nghĩ về thơ ca). Xa hơn,
ở thế kỷ trước, nhà thơ Nguyễn Khuyến chế nhạo “Tiến sĩ giấy” vì:
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Hữu danh vô thực thật có hại cho người, cho đời. Còn danh đi liển với
thực, danh xứng đáng với thực thì lại là một may mắn lớn cho bản thân và
cho xã hội. Ta cũng không đồng tình với những người suốt đời theo đuổi
danh vọng, coi danh vọng là mục đích hơn thế là mục đích tối thượng của
đời mình. Sinh thời, Hồ Chí Minh nói với các nghệ sĩ: “Có người chỉ muốn
làm cái gì để “lưu danh thiên cổ”. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài
mình lên các báo lớn”. Người còn chỉ rõ: “Những khiếm khuyết đó đều do
chủ nghĩa cá nhân đề ra”. Khi coi danh vọng là cứu cánh, những người này
bất chấp tất cả, đánh đổi bằng mọi giá để đạt được nó. Cũng như quyền
lực và tiền tài, danh vọng có sức hút thật kinh người. Đã sa vào bả lợi
danh thì rất khó tìm được lối ra. Con người cứ đánh mất mình dần đi.
Hàng ngày, hàng tháng hàng năm,.... Và hậu quả khó lòng mà ngờ hết.
Xin hãy ghi nhớ lời căn dặn của văn hào M. Gorki. Với giọng văn có phần
hài hước. ông viết: “Cần phải loan báo cho các bạn mới vào nghề biết
rằng danh vọng là một thứ nước có màu đùng đục, có một vị chua chua và
nếu uống vào nhiều thì sẽ có tác dụng xấu với những hệ thần kinh yếu,
gây nên ở người uống một trạng thái say sưa nặng nề giống như “say bia”.
Khi uống thứ nước này phải thận trọng, một năm không quá một thìa cà
phê, uống quá liều lượng sẽ sinh chứng thừa chất mỡ ở tim, chứng sưng bộ
phận tự ái, chứng viêm tuyến hách dịch, tuyến tự cao, tuyến hẹp hòi mà
nói chung là đủ thứ méo mó bệnh tật”.
Tệ hại của thói hám danh thật không kể xiết. Tuy ta cần phân biệt lòng
ham danh vọng với khát khao vươn tới chiếm những đỉnh cao của sáng tạo
nghệ thuật. Với các nhà văn tài năng, ý nguyện này là không cùng. Đã có
nhà văn danh tiếng từng tuyên bố: khi cầm bút trước mặt ông không có
Banzăc, Tôlxtôi... nào hết. Lại có nhà văn, tiếng tăm cũng không kém,
yêu cầu rất có lý: Nếu kêu gọi nhau hãy viết như Puskin, như Maia thì
nhiều lắm chỉ tạo ra một Puskin khác, một Maia khác, chứ không thể tạo
ra những tài năng mới.
Mong muốn viết ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị lớn là
chính đáng. Nhưng đây chỉ là lúc dụng bút, Còn bình thường thì các nhà
văn này là những tấm gương sáng trong việc học tập, trau dồi nghề
nghiệp. Họ học hỏi bất cứ ai, bất cứ điều gì để bồi dưỡng bản lĩnh sáng
tạo của riêng mình. Nghề văn khắc nghiệt là vậy! Đến thì nhiều mà ở lại,
ở lại một cách xứng đáng có bao lăm. Phạm Văn Đồng từng nhắc nhở người
nghệ sĩ: “Thời gian thì hữu hạn, mà nghệ thuật thì vô cùng”. Đừng có lạ
khi những cảm giác của những nhà văn thực thụ về những gì mình đã viết
ra là cảm giác không mấy hài lòng. “Tác phẩm lớn nhất là tác phẩm chưa
được viết ra”, bao giờ họ cũng trả lời tương tự như vậy khi được hỏi về
những tác phẩm thành công nhất của mình. Cũng dễ hiểu! Sớm thỏa mãn. Đó
là dấu hiệu nổi bật của sự chững lại nếu không muốn nói là sự suy thoái,
tàn tà, nhất là đối với nhà văn.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét