Họa hay Phước
Đọc truyện cổ, cách nay khá lâu,
tôi còn nhớ mang máng câu chuyện nói về ông già mất ngựa. Chuyện kể rằng: Trong
làng nọ, có một cụ già, ông có một đứa con trai và nuôi một con ngựa. Con ngựa
sắc lông rất đẹp. Con trai ông rất thích cỡi con ngựa đó.
Một hôm, con ngựa của ông sổng
chuồng chạy mất. Con trai của ông rất buồn. Vì mất con ngựa để cỡi. Được tin
ấy, người hàng xóm đến chia buồn cùng ông. Ông nói: “Sao mấy người biết tôi mất
ngựa là họa mà đến chia buồn cùng tôi”. Thời gian không lâu, con ngựa của ông
nó dẫn về thêm một con ngựa nữa. Con ngựa này vừa đẹp lại vừa hay. Được tin này,
người hàng xóm cùng đến chia vui với ông. Ông nói: “Sao mấy người biết tôi có
thêm con ngựa là phước mà đến chia vui cùng tôi”.
Được ngựa hay và đẹp, đứa con
trai của ông rất thích cỡi. Ngày nào nó cũng thích cỡi ngựa cho chạy nhảy khắp
nơi.
Một hôm, vì bất cẩn, nên nó bị té
gãy hết một chân. Được tin, mọi người đến chia buồn cùng ông. Ông nói: “Sao mấy
người biết con trai tôi bị gãy chân là họa mà đến chia buồn cùng tôi.
Chẳng bao lâu, trong nước có
loạn, giặc giả nổi lên, lệnh truyền của vua là mọi thanh niên trong lứa tuổi
con trai của ông đều phải nhập ngũ tùng quân giết giặc. Tất cả những thanh niên
cùng trang tuổi con trai ông đều phải đi lính hết, chỉ có con trai của ông bị
gãy một chân, nên được miễn dịch. Thế là, mọi người đến chia vui cùng ông…
Thú thật, khi xưa, đọc qua câu
chuyện này, tôi không để tâm nghiền ngẫm. Vì thấy cũng chỉ là câu chuyện thường
thôi. Có lẽ, lúc đó, trình độ hiểu biết của tôi chưa đủ để nhận xét tìm hiểu
cái hay của cốt chuyện. Cho nên, tôi không mấy quan tâm đến. Nhưng càng lớn
tuổi có thêm chút ít kinh nghiệm sống với đời và học hiểu lõm bõm chút ít giáo
lý nhà Phật nói về họa phước, nên tôi nghiền ngẫm lại câu chuyện trên thấy hay
hay. Do đó, nên hôm nay, tôi muốn kể lại để chia sẻ cùng với các bạn sen. Nói
hay mà hay ở điểm nào? Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có cái nhìn khác nhau. Ở đây, tôi
chỉ xin được trình bày theo chỗ nhận xét hiểu biết vụng về của tôi mà thôi. Nếu
có gì không đúng, xin các bạn thương tình mà bỏ qua cho.
Thói thường, người ta nhìn sự vật
theo một chiều. Phước là phước mà họa là họa. Ít ai nhìn thấy, trong phước có
họa, trong họa có phước. Nói theo người đời là trong cái rủi, nó có cái may và
ngược lại trong cái may, thì lại theo sau, nó có cái rủi. Nhìn vào một sự vật,
nếu ta chỉ nhìn theo một chiều, đó là cái nhìn định kiến cục bộ. Đó là cái nhìn
theo lăng kính chủ quan của mình. Chính cái nhìn này, mà tự mình có nhiều nỗi
khổ niềm đau. Ở đây, ta thấy, ông già có một cái nhìn rất sâu sắc. Cái nhìn của
ông không hạn cuộc một chiều. Mà ông nhìn thấu suốt được hai mặt của một sự
vật. Do có cái nhìn tương đối đó, nên ông rất bình tĩnh sáng suốt mà thốt lên
những câu nói trên, khi mọi người đến chia sẻ buồn vui với ông.
Khi mất ngựa, ông không hốt hoảng
lo sợ. Trong khi đó, thì những người khác thiếu cái nhìn bình tĩnh sáng suốt
như ông, nên họ kéo nhau đến chia buồn cùng ông. Ở đời, tất cả mọi việc xảy
đến, người ta ít khi chịu khó suy tư chín chắn. Gặp việc buồn bất như ý thì
người ta đâm ra lo lắng sầu muộn. Người ta không biết rằng, mọi việc xảy đến
với mình đều có nguyên nhân cả. Chẳng qua cái nguyên nhân xảy ra, vì nó quá xa
mà ta không biết đó thôi.
Trên đời này, không có việc gì ngẫu
nhiên mà có ra cả. Mà tất cả đều phải theo luật nhân quả. Hiểu được lý nhân
quả, thì khi chuyện buồn vui họa phước xảy đến, ta không đến đổi phải cuống
cuồng lên tỏ ra mừng lo sợ hãi. Họa hay phước đều do mình tạo ra. Thử nghiệm
lại cho kỹ, nội trong đời này thôi, khoan nói đến nhiều đời trước, từ lúc sanh
ra cho đến khi nhắm mắt, có khi nào chúng ta một bề nghĩ lành, nói lành và làm
lành hết không? Hay là có lúc vầy lúc khác. Khi thì nghĩ điều lành như Bồ tát,
lúc thì nghĩ dữ như quỷ Dạ Xoa. Do đó, khi mình gặp điều phước xảy đến là do
mình tạo điều lành ở nơi 3 nghiệp. Ngược lại, khi mình gặp hoạn họa đến, đó là
lúc mình gây tạo nghiệp ác ở nơi 3 nghiệp. Không phải gây tạo trong đời này, mà
chúng ta đã gây tạo nhiều đời về trước.
Tỷ như đời trước, vì tham lam nên
mình trộm cắp tài vật quý giá của người, thì đời này mình phải bị quả báo là
mất của. Đó là họa. Ngược lại, như đời trước hoặc đời này, khi mình phát khởi
tâm lành, bố thí cứu giúp cho những người bất hạnh như nghèo khổ, đói khát, tật
nguyền v.v… Nay, mình làm ăn, làm đâu được đó, phát tài lộc, tiền vô như nước. Hoặc
giả lúc mình gặp vận không may, làm ăn thất thoát, cụt vốn, hết tiền, đâm ra
nghèo khổ, bấy giờ có quý nhân giúp đỡ cho mình tài vật để làm lại cuộc đời. Đó
là Phước. Như vậy, họa hay phước tất cả đều do mình tạo lấy. Nó diễn biến theo
từng giai đoạn theo chiều thời gian trong đời sống của mình. Đó là nhân và quả,
chính do mình đã gây tạo. Nhân và quả như bóng với hình. Bóng luôn bám sát theo
hình, không hề sai chạy một mảy may nào cả.
Nhân và quả trong cuộc đời mình,
khi mình gây tạo nhân tốt, thì sẽ có quả báo tốt. Ngược lại cũng thế. Giống như
trên con đường xe chạy, có khi thì bằng phẳng trơn láng, có lúc thì lổ hang,
khúc khuỷu quanh co. Lúc gặp bằng phẳng xe chạy nhanh, người ngồi trong xe cảm
thấy thoải mái, dụ như lúc đó phước đến với mình. Còn gặp lúc gồ ghề lổ hang,
xe khó chạy, người ngồi trong xe bị dằn đau nhất nhối, la ó ỏm tỏi, dụ như bị
tai họa xảy đến. Trên đường đời cũng thế. Cuộc sống của mỗi người chúng ta, ít
nhiều gì cũng có những họa phước xảy đến. Nặng hay nhẹ, lành hay dữ, đều tùy
thuộc vào cái nhân chúng ta đã gây tạo. Hiểu thế, thì khi gặp tai họa đến, ta
hãy bình tâm để trả. Vì mình biết rõ, đây là nghiệp quả chính do mình tạo ra,
chớ không ai gây ra cho mình .
Đọc qua mẩu chuyện ngắn trên, ta
khen cho ông già đó quá! Ta khen ông, vì ông quá hiểu rõ lý nhân quả và ông đã
thể hiện ngay trong đời sống. Chuyện xảy ra, giữa họa và phước luôn đắp đổi
nhau. Nhưng thường thì họa đến với ta nhiều hơn là phước. Nên có câu nói:
“Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nghĩa là, Phước thì không đến dồn dập
hai lần, còn họa thì không đến một cách riêng rẽ. Tức là thường đến chồng chập,
dồn dập. Điều này, nghiệm kỹ cũng dễ hiểu.
Thử xét lại đời mình. Trong suốt
cuộc đời từ nhỏ tới già mình tạo nghiệp dữ nhiều hay tạo nghiệp lành nhiều?
Chắc ai cũng nói là mình tạo nghiệp dữ nhiều. Nhưng có điều ta nên nhớ, phước
hay họa đến với chúng ta không phải do ta gây tạo trong đời này không, mà ta đã
gây tạo trải qua biết bao nhiêu đời trước. Những đời trước, chúng ta đã gây tạo
làm sao chúng ta biết được? Đã thế, thì trách ai đây? Vậy thì, ta nên bắt chước
thái độ của ông già trong câu chuyện mất ngựa nói trên, để mà bình tĩnh nhận
lãnh khi nghiệp quả họa hay phước xảy đến. Chúng ta phải tập cho mình có một
cái nhìn, một nhận xét sáng suốt trước sự việc xảy ra.
Phước đến không mừng, họa đến
không lo. Cứ tùy phận mà vui sống. Như khi ta gặp hoạn nạn, như bệnh hoạn đau
yếu, đang sống cảnh cô độc, hoặc giả đang mang chứng bệnh nan y v.v… chẳng hạn,
thì ta biết đó là do nghiệp quả của ta đã gây tạo, nên giờ đây ta phải trả.
Nhưng khi trả quả, ta lại khởi niệm, biết đâu nhờ bệnh mà nó cảnh tỉnh ta, dừng
chân bay nhảy bon chen với đời để an phận trả quả tu hành. Đây là thời gian tốt
để cho ta dốc lòng niệm Phật. Ta buông bỏ tất cả. Nhất quyết không để tâm vướng
bận lưu luyến bất cứ thứ gì. Ta biết trước sự ra đi của ta. Ta không sợ hãi, vì
ta biết rằng ai cũng phải bước vào cửa tử. Đây là con đường mòn mà tất cả mọi
người già trẻ bé lớn gì cũng phải đi qua. Biết thế, ta không còn nghĩ ngợi lắm
chuyện lăng nhăng khó khăn, như khi ta còn mạnh khỏe.
Đây là thời gian quý báu để ta
quyết tâm tìm cái sống trong cái chết. Tìm Niết bàn trong sanh tử. Như thế,
không phải là ta đã chuyển họa thành phước đó sao? Ngược lại, khi ta đang sống
trong cảnh giàu sang, mọi thứ đều đầy đủ ấm no, gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe
yên vui, ta mãi lo đắm mê thụ hưởng mà quên đi làm phước tu hành. Đó là trong
phước có họa. Bấy giờ ta nên khởi nghĩ, sở dĩ hôm nay ta được như thế này, bởi
do đời trước ta tu tạo nhiều căn lành, như bố thí cứu người hành thiện không
biết mỏi mệt. Nghĩ thế, thì tại sao hôm nay ta không cố gắng tu tạo thêm nhiều
phước đức, để mai sau ta tiếp tục hưởng quả báo tốt đẹp như thế này? Do nghĩ
thế, ta liền thức tỉnh, gắng chí gia công tu hành tài bồi phước đức. Như vậy,
đó không phải là chuyển họa thành phước đó sao?
Tóm lại, dù sống trong hoàn cảnh
nào, giàu sang hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay đau yếu, đẹp đẽ hay xấu xa… tất cả
đều phải theo luật nhân quả an phận mà vui sống. Không than van, không oán
trách một ai! Vì tất cả do ta tạo lấy. Mọi việc xảy đến lành hay dữ, ta đều
dùng trí huệ để quán chiếu thấu đáo tận tường vào lý nhân quả, như ông già nói
trên. Ta tin sâu vững chắc vào lý nhân quả. Nhờ tin sâu như thế, ta không còn
chán nản, lo sợ, buồn rầu. Ta quyết tâm an phận mà vui sống. Đó là ta khéo biết
tạo cho ta có một cuộc sống an lành, tùy duyên trả nghiệp. Có thế, thì ta mới
có cuộc sống an bình trong mọi nghịch và thuận cảnh xảy đến cho ta.
Đó là nói họa hay phước do nhân
quả con người tạo ra. Đến như họa, phước của thiên nhiên gây ra thì sao? Thiên
tai là một họa hại mà con người luôn lo sợ và tìm mọi phương cách để đối phó.
Nhưng liệu có đối phó được không, đó lại là một chuyện khác.
Hẳn ai cũng còn nhớ, trong năm
qua, thiên tai đã dồn dập xảy đến ập lên đầu nhân loại. Thật là quá sức tưởng
tượng và cũng quá sức chịu đựng của con người. Những trận thiên tai xảy ra dữ
dội. Có thể nói hằng mấy trăm ngàn người chết và hằng triệu triệu người sống
trong cảnh màn trời chiếu đất, đói khát lầm than.
Ta có thể điểm sơ qua một vài
thiên tai kinh hoàng đã xảy ra trong năm qua: sóng thần Tsunami ở vùng biển Sumatra, lấy đi hơn 225.000 sinh mạng con người. Rồi đến
trận bão khủng khiếp Katrina ở Mỹ, lũ lụt ở Trung Quốc, trận động đất 7,6 độ
richter ở Nam Á chôn vùi hàng chục nghìn người. Cơn bão số 7, một cơn bão lớn nhất
ở Việt Nam
xảy ra vào khoảng đầu tháng mười năm qua, đã gây ra một sự tổn thất rất lớn lao
về sinh mạng và tài vật. Đó là những thảm họa lớn nhất mà do thiên tai giáng
xuống cho nhân loại hứng chịu. Thiên tai gây ra, dù đây là thiên nhiên, nhưng
không phải vô cớ mà xảy ra như thế. Tất cả đều phải có nguyên nhân dù gần hay
xa.
Nguyên nhân gần, các nhà bảo vệ
môi sinh cho rằng, phần lớn là do con người vì mưu sinh mà phá rừng. Vì cái lợi
trước mắt mà người ta quên đi cái họa hại lớn lao về sau. Đó là con người tự
hủy diệt chính mình. Bởi do con người can thiệp một cách vô ý thức vào môi
trường thiên nhiên.
Ai cũng nhìn nhận, thiên tai là
một họa hại cho con người. Nhưng xét mặt khác, thì cũng nhờ thiên tai xảy ra mà
nhân loại toàn cầu biết đoàn kết và càng ngày càng ngồi gần lại nhau hơn. Vì
lương tâm, vì nhân đạo, mà người ta vượt qua những hàng rào ranh giới chánh
trị. Trước mắt là phải cùng nhau hiệp lực cứu mạng sống con người. Toàn thế
giới không thể an nhiên ngồi nhìn những thảm họa vô cùng đau khổ đã và đang đè
nặng trên đầu nhân loại.
Những lời kêu gọi, những nỗ lực cứu
trợ, tiếp tế cho những nạn nhân xấu số, ngần ấy, chứng minh con người vẫn còn
lương tâm, vẫn còn biết yêu thương đồng loại. Đó không phải là sự đe dọa cảnh
cáo của thiên nhiên sao? Thiên nhiên cần cho con người bài học tình người. Và
hơn thế nữa cảnh cáo lòng tham lam quá độ không đáy của con người. Muốn được
sống yên thân, thì mọi người mau mau dẹp bớt lòng tham, đừng bao giờ động đến
thiên nhiên. Thiên nhiên cho ta quá nhiều năng lượng để tạo thêm nhiều sức
sống. Thế thì tại sao ta không biết ơn để mà ra tay cùng nhau đoàn kết bảo vệ.
Chẳng những không bảo vệ mà còn phá hoại thiên nhiên. Đó phải chăng con người
vì quá tham lam ích kỷ mà chọc giận đến thiên nhiên?! Khi thiên nhiên phẫn nộ
lên, thì mọi hậu quả khổ đau chính do con người nhận lấy.
Phải chăng qua sự trừng phạt nặng
nề của thiên nhiên, mà con người bắt đầu thức tỉnh và chạy lo tìm mọi phương
cách để bảo vệ thiên nhiên. Cương quyết trừng trị những ai manh tâm phá hoại
thiên nhiên. Tạo cho môi sinh càng ngày càng trở nên trong lành và tốt đẹp hơn.
Đó không phải là cái phước của nhân loại sao? Nếu không có thiên nhiên ra tay
trừng phạt, thì biết đến bao giờ con người mới chịu ngồi lại với nhau để tìm
phương cứu trợ bảo vệ mạng sống chung cho cả nhân loại. Như vậy, không phải
trong cái họa tìm ra cái phước sao? Mong sao cái phước này mãi mãi được mọi
người quan hoài chiếu cố để cùng nhau đồng tâm bảo vệ. Bảo vệ thiên nhiên chính
là trực tiếp bảo vệ mạng sống con người.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét