Bao giờ thôi hết dại khờ
Dại
khờ thì chẳng ai muốn, sanh ra đã trót dại rồi thì biết làm sao được.
Ấy vậy mà có những người thông minh lanh lợi, học hành giỏi giang, nhìn
rộng trông xa nhưng xem ra cũng khó vượt qua đại ải dại khờ.
Nhận lầm các giá trị rồi nhọc sức uổng công đuổi theo những ảo ảnh phù
vân có lẽ vẫn là dại khờ muôn thuở, là thân phận của kiếp người. Một
ngày mỏi mệt hay lúc tuổi đã xế chiều, có ai bình tâm nghĩ lại ta đã làm
gì đáng và nên làm. Đâu đó trong tâm thức vọng về hình ảnh chàng khờ
bán trầm hương mà như bảng lảng chân dung chính mình.
Kinh Bách Cú Thí Dụ kể rằng: “Xưa, có ông trưởng giả giàu có. Ông ta có
một người con trai tài trí thấp hèn. Một hôm, ông nghĩ rằng phải cho con
cái đi buôn để làm quen với thương trường và trui rèn bản lĩnh kinh
doanh. Người con khởi sự chuyến buôn bán đầu tiên với mặt hàng chủ yếu
là trầm hương.
Trầm hương giá đắt nên rất ít người mua. Trải qua thời gian khá lâu
nhưng bán buôn cứ ế ẩm. Những người cùng đi với anh ta đã trở về. Nóng
lòng vì lo sợ lạc đường, trong khi trầm hương lại ít người mua, không
biết làm sao, anh ta bèn xem xét, nghiên cứu nhu cầu của khách chợ.
Thấy than là mặt hàng bán rất chạy, anh ta liền đốt hết trầm hương thành
than mong bán được nhanh. Mọi người thấy vậy đều chê cười nói: Có người
khờ khạo đến thế sao! Bán trầm hương tuy chậm nhưng thu được nhiều
tiền, nay đốt thành than rồi thì còn giá trị gì nữa”.
Thực tế thì không có thương buôn nào lại khờ khạo như gã bán trầm hương
kia. Nhưng bình tâm mà xét ở trong chợ đời, nơi mỗi con người kiếm sống
bằng cách “bán” đi công sức và trí tuệ của mình thì chí ít cũng một đôi
lần, chúng ta đã, đang và sẽ làm gã khờ bán trầm hương.
Vấn đề đặt ra ở đây là cần xác định đúng các giá trị. Trầm hương vốn quý
giá thì không thể bán chạy như than củi. Cứ túc tắc mà bán được trầm
thì chắc chắn lợi nhuận thu về cao hơn bán than ào ạt. Vì thế, không thể
bán trầm nhanh như bán than, lại càng không thể đốt trầm thành than để
mong bán chạy.
Do vậy, sự nghiệp của đời người, muốn thành tựu phải có thời gian đầu
tư, có thể vận dụng cả nghề tay trái, lấy ngắn nuôi dài nhưng không thể
chạy theo cái lợi nhỏ trước mắt mà bỏ quên sự nghiệp lâu dài. Đơn cử,
một họa sĩ trong quá trình sáng tác nên những bức tranh để đời có thể vẽ
thêm tranh chợ, nhưng nếu chạy theo tranh chợ vì bán chạy thì sự nghiệp
của anh ta chỉ là một gã thợ vẽ tầm thường.
Một thời, chúng ta phá rừng ào ạt, đốt than, lấy củi, trồng cây lương
thực ngắn ngày, tuy giải quyết được vấn đề trước mắt nhưng bình tâm mà
xét thì việc đốt phá rừng vàng thành đất trắng thì cũng chẳng khác nào
đốt trầm hương.
Trong thời hội nhập, việc phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn
hóa truyền thống, bản sắc dân tộc cũng đang là một thử thách cho mọi
quốc gia. Kinh tế có thể xây dựng thành công trong một giai đoạn, trong
khi các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc vốn được tích lũy, kế thừa từ
nhiều đời. Phát triển kinh tế mà đánh mất các giá trị văn hóa truyền
thống là một sự đánh đổi oan uổng và đáng tiếc, có tội với lịch sử, với
dân tộc.
Đặc biệt là đối với sự nghiệp tu học, cứu cánh và phương tiện là hai vấn
đề vốn không tách rời nhưng có giá trị khác biệt. Phương tiện rất cần
thiết để hỗ trợ cho thành tựu cứu cánh nhưng chạy theo phương tiện mà
quên đi cứu cánh là sự vong bản, là đốt trầm để bán than. Hiện tại, cứu
cánh đích thực của sự nghiệp tu học là giải thoát nhưng đã mấy ai làm
được hay chỉ loay hoay như người vào rừng đốn lõi cây mà chỉ đem về cành
lá mà thôi.
Thì ra, chuyện chàng khờ bán trầm hương không hẳn chỉ là cổ tích và cũng chẳng phải của riêng ai.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét