Chỉ vì một câu nói mà phải chịu khổ báo 6 vạn năm nơi địa ngục
Vào thời quá khứ, tiền thân của Phật Thích Ca khi còn tu hạnh Bồ Tát, có một kiếp đã từng làm thái tử con vua Ba La Nại tại Ấn Độ, tên là Mộ Phách. Năm ấy, thái tử được 13 tuổi, bỗng nhiên không nói chuyện, giống như người câm điếc không khác gì pho tượng.
Nhà Vua chỉ có một mình thái tử, được người trong cả nước đều yêu kính, không bao lâu nữa thái tử sẽ là người kế thừa ngôi vua. Vua cha trông thấy thái tử, tuy có ăn cơm, mặc áo nhưng không hề biết kêu la lạnh đói; tuy mắt thấy tai nghe, song giống như không nghe thấy. Trước đây thái tử là một người bẩm tính thông minh, lanh lợi nhưng nay lại giống như người đá. Nhà vua âu sầu, lo lắng khôn cùng.
Bấy giờ, nhà vua mời các Bà La Môn tướng số nổi tiếng, hỏi họ rằng: “Thái tử vì sao trước đây nói chuyện được, mà nay lại không biết nói?”.
Các tướng sư thưa: “Tâu bệ hạ, tướng mạo thái tử tuy đoan chính, nhưng thân bị bệnh khuyết tật. Mà người có khuyết tật như vậy, sớm muộn gì cũng hại cha mẹ, làm mất nước, nhà tan. Hiện nay, thái tử lại bị khuyết tật chắc không lâu sau, sẽ đem đến những hậu quả rất nghiêm trọng”.
Tướng sư lại nói: “Sở dĩ bệ hạ không sinh được nhiều thái tử, đều do bệnh khuyết tật của thái tử đây làm trở ngại. Muốn tiêu trừ những tai ương này, chỉ có cách là đem chôn sống thái tử, mới có thể làm cho nước nhà cường thịnh, lại sẽ sinh thêm nhiều thái tử. Nếu không làm như vậy, thì bệ hạ cùng với quốc gia sẽ gặp nguy hiểm”.
Nhà vua nghe nói liền tin lời yêu mị của tướng sư, nên trong lòng lo buồn, đứng ngồi không yên. Khi ấy, vua liền triệu tập các đại thần thân tín để bàn luận việc này. Quan thần trong triều đề nghị đem thái tử bỏ vào rừng sâu, hoặc nhấn chìm xuống sông biển. Có một vị quan thần đề nghị: “Chúng ta có thể tìm một nơi đồng trống, tạo một nhà mồ dưới lòng đất sâu, đem thái tử nhốt trong mộ ấy, phái năm người đi theo để trông coi việc ăn uống cho thái tử”. Nhà vua bất đắc dĩ phải chấp nhận lời đề nghị ấy, song nghĩ đến tình cha con sâu nặng, mà đau xé ruột gan.
Lúc ấy, trong lòng thái tử ngậm ngùi xót xa, chỉ vì không nói chuyện mà bị mọi người đối xử tàn nhẫn, nhưng vẫn không có niệm oán trách mọi người.
Hoàng hậu khi hay tin ấy, thương khóc khôn xiết đấm ngực nói: “Con ta mạng sống mong manh, tuổi đời chưa được bao nhiêu đã gặp phải tai ương!”. Bà than thở phàm làm mẹ mà khi con mình gặp nạn cũng không có quyền giúp đỡ, đành lau lệ đi dọn quần áo, châu báu, anh lạc, vật dụng cá nhân mà hằng ngày thái tử thường dùng đưa người hậu cận mang theo đến mộ. Bà lại còn chọn lựa năm người hiền lành, chất phác dặn dò họ nhớ chăm sóc thái tử thật tốt.
Nhà vua cho xe chở thái tử đến ngôi mộ nơi đồng vắng, khi ấy, ngôi mộ vẫn chưa làm xong. Thái tử Mộ Phách đang ngồi trên xe, khởi nghĩ: “Phụ vương và mẫu hậu đều cho ta là người câm, giống như cây đá không khác. Nhưng họ không biết sở dĩ ta không nói, là vì muốn thoát khỏi tai hoạ của khẩu nghiệp, để được an ổn tu hành. Hiện nay, phụ vương bị người xấu lừa gạt, nếu ta không đính chính thì sau này còn nguy hại đến nhiều người có hoàn cảnh giống như ta”.
Bấy giờ thái tử ung dung đi xuống dòng suối tắm rửa, mặc y phục mới và đeo chuỗi anh lạc trang sức thân tướng thật đẹp. Sau đó, đi đến bên ngôi mộ đang xây, hỏi những người đang xây mộ: “Các ông đào hầm làm chi vậy?”.
Những người công nhân đáp: “Nhà vua có một vị thái tử tên Mộ Phách, mới 13 tuổi mà bị điếc, câm, chúng tôi được lệnh xây mộ này, để nhốt thái tử vào trong đây”.
Thái tử nói: “Ta chính là Mộ Phách”.
Nhưng công nhân ấy không tin, nên chạy đến kiệu của thái tử cách đó không xa để xem xét, thì thấy trong kiệu không có ai cả. Mọi người đi trở lại ngôi mộ, nhìn kỹ tướng mạo, lời nói, cử chỉ của thái tử, đều giống như người thường, đâu phải như lời đồn đại, khiến họ cảm thấy lạ lùng.
Thái tử hỏi: “Các ngươi đã quan sát ta có phải là quỷ ma hay không? Tướng mạo đoan chính, tinh thần bình tĩnh, hiền lành, có phải là đứa con hại cha mẹ, hại đất nước hay không? Vì sao mọi người lại dễ tin vào lời nói sai lạc của thầy tướng, đào xây nhà mồ này để chôn sống ta như thế?”.
Bằng lời nói hoà nhã, cử chỉ khoan thai, thái tử đã xoá tan hết lòng nghi kị của mọi người, họ hoảng sợ, quỳ xuống lạy cầu xin thái tử tha tội.
Lúc ấy, mọi người đều khuyến thỉnh thái tử hồi cung. Thái tử nói: “Ta đã bị bỏ rơi, nên không còn muốn trở về hoàng cung nữa”.
Nhóm tuỳ tùng lập tức phi ngựa về cung bẩm báo. Quốc vương, hoàng hậu hay tin, tức khắc lên xe ngựa chạy nhanh ra ngôi mộ để tìm con. Vua đang trên đường đi tới, thì ở đây thái tử nghĩ: “Ta đã thoát ly được sự ràng buộc trong cung, đây là cơ hội tốt, để cho ta nhất tâm tu hành”.
Không bao lâu, xe kiệu của nhà vua và mẫu hậu đến. Từ xa, vua cha nhìn thấy thái tử ngồi ngay thẳng dưới gốc cây, lời nói nhẹ nhàng, trong lòng vua cảm thấy hân hoan vô kể, liền đi đến giục thái tử về cung.
Mộ Phách kinh sợ thối lui vài bước, chắp tay thưa với phụ thân và mẫu hậu:
“Con sinh ra đời được 13 năm, biết được những việc lành dữ xảy ra trong nhiều kiếp trước, như xảy ra trước mắt, không hề quên sót dù là việc nhỏ nào. Sở dĩ con người phải chịu tội báo ở địa ngục là do nghiệp miệng gây ra. Trong cuộc sống nếu không khéo kiểm soát lời nói, khi duyên hội đủ, phải thọ lấy tội báo thống khổ cả ngàn vạn năm.
Con nay rất sợ những thảm khổ nơi địa ngục, nên từ lúc sinh ra đến giờ, rất ít khi con nói chuyện. Trải qua 13 năm rồi, mỗi khi thốt ra lời nào, con đều nghĩ hoạ từ miệng mà sinh ra. Con giữ hạnh ít nói, nhưng thấy không có kết quả nhiều, chi bằng không nói có thể dứt được mầm tai hoạ. Sở dĩ con ngậm miệng không nói, là để bớt tạo nghiệp thị phi”.
Mộ Phách nói tiếp: “Xưa kia, có một kiếp con đã từng làm Vua nước lớn, tên là Tu Niệm. Con dùng chánh pháp cai trị đất nước, tu tất cả điều lành. Những dụng cụ giết người, con cấm tuyệt không cho dùng; ban cho mọi người lòng nhân ái, cứu giúp kẻ gặp khốn cùng. Khi ấy có nhiều vua nước nhỏ thấy lòng từ bi rộng lớn, đức đại hỉ xả của Vua Tu Niệm, một lòng cảm ân mến đức, chân thành kính vua. Vua Tu Niệm mở một đại yến tiệc lớn để chiêu đãi vua các nước. Người đầu bếp chuẩn bị các món ăn cao lương mĩ vị, nên phải giết đến sáu loài súc vật khác nhau, bèn bẩm nên vua Tu Niệm. Vua Tu Niệm xưa nay vốn nhân từ không sát sinh, chỉ vì muốn đãi khách quý, đối với việc này chẳng dừng được nữa, nên đành phải gật đầu nói ‘thôi được’.
Do một lời nói này, mà ngay sau đó biết bao nhiêu sinh mạng thú vật bị chết theo, do vậy sau khi mạng chung, vua bị đoạ xuống địa ngục, để đền lại nợ sát sinh ngày trước. Phải chịu tội bị chưng nấu hơn sáu vạn năm, đau khổ khó nhẫn nổi, kêu cứu cũng không có người giúp được, muốn chết cũng không được, không ai có thể chia sẻ nỗi khổ của con lúc ấy. Khi chịu tội địa ngục xong, trả hết quả báo, con mới được sanh làm người. Vì nhớ lại đời quá khứ, chỉ nhân một câu nói, mà con đã chịu vô lượng khổ sở.
Đời này, con vì mong cầu dứt tất cả mọi đau khổ, nên quyết tâm xuất gia học Phật. Bởi con luôn nhớ đến nghiệp báo đã thọ ‘chỉ vì một câu nói mà chịu bao thống khổ’, nên mới cấm khẩu không nói”.
Vua cha hiểu được tâm chí dứt khoát của thái tử, cũng đồng ý cho xuất gia tu Đạo.
Sau khi thái tử Mộ Phách xuất gia, do tinh cần chuyên niệm, nên sớm được chứng đạo, tự biết rõ đời trước của mình và tất cả những việc lành dữ, khổ vui, tốt xấu, sống lâu hay chết yểu sắp xảy ra, đều thấy biết rõ ràng, giống như sự việc xảy ra trước mắt vậy.
Cũng bởi nhân ấy mà thái tử thường sinh lòng sợ hãi, một bề giữ gìn khẩu nghiệp, ít nói những điều không cần thiết.
Quả đúng là:
Hoạ từ miệng phát, nghiệp như núi
Chỉ một lời mà chịu khổ biết bao năm
Kêu cứu không ai, chết không được
Khiếp cả tâm can, bởi trả nợ xưa.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét