Tham dục
Không ai phản đối rằng ham muốn
là điều tự nhiên và đóng vai trò là động cơ trong cuộc sống của chúng ta. Ở
đây, không nên nhầm lẫn với những khát vọng sâu xa nảy sinh từ cuộc sống hàng ngày
của người ta với tham dục chỉ như một cơn thèm khát, dằn vặt tâm trí. Thật vậy,
tham dục có thể mang những hình thái vô cùng đa dạng: ta có thể thèm một cốc
nước mát, một người ta yêu, một khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc của tha nhân;
ta cũng có thể muốn tự tiêu hủy mình. Tham dục có thể nuôi dưỡng cuộc sống của
chúng ta, cũng có thể đầu độc nó.
Tham dục có thể phát triển, tự
giải phóng và làm cho sâu sắc để trở thành một khát vọng. Khát vọng biến mình
thành một con người tốt nhất, phụng sự cho phúc lạc của con người, hoặc vươn
tới Giác ngộ tâm linh. Thực ra, cần phân biệt tham dục về bản chất là một sức
mạnh mù quáng, với khát vọng bao giờ cũng có một động cơ và một thái độ đi
trước nó. Nếu động cơ ấy rộng lớn và vì tha nhân, nó có thể trở thành một trong
những suối nguồn lớn nhất tạo nên các phẩm chất của con người và là một trong
những thành tựu lớn nhất. Còn khi bị hạn chế, ích kỷ, nó chỉ nhằm thỏa mãn
những toan tính vô hạn của cuộc sống tầm thường, như những đợt sóng liên tiếp
vỗ vào bờ cuộc đời từ lúc sinh ra tới khi nhắm mắt xuôi tay và không có chút
bảo đảm nào cho ta được toại nguyện sâu sắc. Nếu tiêu cực, tham dục có thể đưa
tới những hành động tàn phá, hủy diệt.
Dù mang tính tự nhiên, tham dục
nhanh chóng biến chất để chuyển thành “độc tố của tâm thức” ngay khi nó trở nên
gay gắt, ám ảnh hoặc chấp thủ một cách không thể kiểm soát được. Một lòng tham
dục như vậy còn khiến ta thất vọng và điên rồ khi nó trở nên nguy hiểm đối với
thực tại. Khi bị một vật hay một người ám ảnh, trong con mắt ta, vật đó hoặc
người đó dứt khoát phải thuộc về ta, ta không thể không có chúng. Vậy mà tham
là gốc của khổ. Hơn nữa, việc “sở hữu” ấy chỉ là bấp bênh, phù du và không
ngừng bị đặt thành vấn đề. Nó cũng là ảo vọng, theo nghĩa rốt cục, ta rất ít
quyền kiểm soát đối với những thứ mà ta tưởng đã bị chiếm hữu được. Như đức
Phật Thích Ca Mầu Ni đã dạy: “Bị làm mồi của tham dục cũng giống như con khỉ
trong rừng, bạn sẽ nhảy từ cành này sang cành kia mà không bao giờ tìm được
trái cây, từ kiếp này sang kiếp khác mà không bao giờ tìm thấy sự bình yên”.
Tham muốn có những mức độ khác
nhau về thời gian và cường độ. Một ý muốn nhỏ, như muốn một tách trà hoặc một
vòi tắm nóng thường dễ được thỏa mãn và chỉ bị ngăn trở trong những điều kiện
cực kỳ rủi ro mà thôi. Cũng có ý muốn đỗ đạt trong thi cử, mua cho mình một
chiếc xe hơi, hoặc một căn hộ. Thực hiện chúng có thể gặp một vài khó khăn
thường vượt qua được nếu ta kiên trì và sáng tạo. Cuối cùng là có mức độ ham
muốn cơ bản hơn như muốn lập gia đình, muốn được hạnh phúc với người bạn đời
mình đã chọn, muốn là một nghề mình yêu thích. Thực hiện những ham muốn loại đó
cần rất nhiều thời gian, và kết quả của nó phụ thuộc vào những khát vọng sâu xa
của chúng ta, vào phương hướng mà ta mong muốn cho cuộc đời mình: ta có muốn
hành động để nuôi dưỡng niềm vui sống hay không? Hoặc đơn giản chỉ để “kiếm
tiền” và có một vai vế nào đó trong xã hội? Ta xác định quan hệ vợ chồng theo
kiểu sở hữu hay yêu thương lẫn nhau với lòng vị tha? Dù chọn cách nào đi nữa, ở
đâu và bao giờ cũng vậy, ta vẫn thấy tính nổi trội của lòng ham muốn, mong cầu.
Ngày nay, báo chí, điện ảnh, văn
học và quảng cáo không ngừng tác động tới lòng ham muốn. Nó khiến ta lệ thuộc
vào những cảm xúc mạnh để rồi chỉ đưa ta tới những mãn nguyện ngắn ngủi. Vả
lại, ta không còn thời gian để thấy nó làm ta thất vọng đến mức nào, vì bao
nhiêu những mong cầu khác lại xuất hiện; với tâm trạng lơ đễnh, ta không ngừng
gác lại việc xem xét và thực hiện những gì có thể mang lại cho mình một cảm
giác an lạc viên mãn xứng đáng với tên gọi của nó. Và cuộc sống cứ tiếp tục như
vậy.
Tôi quen mấy kẻ hãnh tiến ở thị
trường chứng khoán Hồng Kông. Họ quấn mình trong chăn ngủ luôn dưới sàn tại
công sở để có thể vùng dậy lúc nửa đêm và lao vào máy tính, “chộp” lấy thị
trường chứng khoán New York
trước giờ đóng cửa. Họ cũng tìm cách để được hạnh phúc, nhưng không mấy thành
công. Một người trong số họ kể với tôi rằng, mỗi năm anh ta đi nghỉ một hoặc
hai lần. Sáng sớm, anh chỉ mặc mỗi chiếc quần soóc ngồi ngắm cảnh bên bờ biển.
Anh gần như ngỡ ngàng nhận ra vẻ đẹp của đại dương. Và anh không thể nghĩ:
“Cuộc sống của mình thật là kỳ cục! Vậy mà sáng thứ Hai này, mình lại lao vào
guồng máy như cũ”. Anh ta thiếu ý thức về những ưu tiên trong đời ư? Hay thiếu
can đảm? Dừng lại trên bề mặt lóa mắt của những lừa phỉnh mà không chịu bỏ thêm
một chút thời gian để tìm câu trả lời tự đáy lòng cho câu hỏi: “Mình thật sự
muốn làm gì với cuộc đời mình đây?” Một khi đã tìm ra câu trả lời bao giờ ta
cũng tìm được thời gian để thực hiện nó. Song không đáng buồn sao khi không
dành cơ hội cho câu hỏi kia xuất hiện?
Nô lệ của tham dục
Đạo Phật không chủ trương diệt bỏ
những ý muốn giản đơn, cũng như những khao khát cơ bản. Đạo này chủ trương
thoát khỏi những tham dục biến con người thành nô lệ cho chúng, kéo theo bao khổ
đau dằn vặt vô bổ. Ước ao được ăn khi đói, ước vọng được phụng sự cho hòa bình
thế giới, ham muốn hiểu biết, ước ao được chia sẻ cuộc đời với những người thân
yêu, hăm hở thôi thúc ta vượt qua khổ đau … Trong chừng mực mà những ham muốn
kia không mang sắc màu của lòng tham và không đòi hỏi nắm giữ cái không thể nắm
bắt được, chúng có thể góp phần làm chúng ta mãn nguyện sâu sắc. Trái lại, tham
dục là không thỏa mãn được. Có một thứ rồi, lại muốn có cái thứ hai, rồi thứ ba
và cứ tiếp tục như vậy. Làm sao lòng tham kia có đáy được? Chỉ có thất bại và
mệt mỏi mới đôi khi làm hết cơn khát sở hữu, cảm giác và quyền lực mà thôi.
Cơ chế của tham dục
Thèm muốn các cảm giác dễ chịu
luôn dễ dàng xuất hiện trong tâm, bởi vì thú vui bao giờ cung đon đả hấp dẫn và
chào mời. Nó làm ta xiêu lòng, tin tưởng và quét sạch mọi băn khoăn bằng vài
hình ảnh đầy thuyết phục: chúng ta phải lo ngại gì kia chứ trước một lời mời
chào cám dỗ đến thế? Đi vào con đường ham muốn thậm chí rất dễ dàng. Song những
bước chân nhanh nhẹn ban đầu sẽ nhanh chóng qua đi nhường cho nỗi thất vọng về
những mong chờ ngớ ngẩn và cảm giác cô đơn khi đã bão hòa về nhục dục. Một khi
đã nếm phải, những khoái cảm không còn đọng lại, không tích tụ thêm, không tự
bảo tồn và không sinh sôi nảy nở. Chúng tan biến dần dần. Như vậy, thật không
thực tế khi hi vọng rằng một ngày nào đó, chúng sẽ mang lại cho ta một niềm
hạnh phúc lâu dài.
Schophenhauer, một người nổi
tiếng là bi quan, đã tuyên bố: “Mọi ham muốn sinh ra từ thiếu thốn, từ một
trạng thái không làm ta toại nguyện; vì thế, ham muốn là đau khổ chừng nào còn
chưa được thỏa mãn. Vậy mà không có sự thỏa mãn nào kéo dài; nó chỉ là điểm
khởi đầu của một mong muốn mới. Chúng ta thấy mong muốn bị ngăn chặn ở mọi nơi,
phải tranh đấu ở mọi nơi, và vì thế, bao giờ nó cũng nằm trong tình trạng khổ
đau; cố gắng đến mấy cũng không đủ, cũng không có chừng mực, và vì thế không
bao giờ hết khổ”. Câu khẳng định này đúng, nhưng chưa đủ. Thật vậy, nó giả định
rằng con người không thể thoát khỏi lòng mong cầu và khổ đau do nó duy trì.
Muốn thoát, cần phải bắt đầu bằng việc hiểu xem nó khởi lên như thế nào.
Nhận xét đầu tiên là luôn luôn có
một hình ảnh trong tâm thức xuất hiện trước khi nảy sinh bất kỳ niềm say mê nào
(ở đây chúng ta không nói tới những cảm giác sơ đẳng như đói hoặc khát). Hình
ảnh này được khởi lên dưới tác động của một số yếu tố ở bên ngoài như một hình
dáng, một âm thanh, một xúc chạm, một mùi hương hoặc một vị; hay ở bên trong
như một kỷ niệm hoặc một ảo ảnh.
Dù ta bị ảnh hưởng bởi những
khuynh hướng tiềm tàng, ngay cả tham dục – trong đó tình dục đứng đầu – đã nằm
trong cấu tạo sinh lý của chúng ta, nó không thể biểu hiện mà không có hình ảnh
trong tâm thức. Hình ảnh này có thể nảy sinh theo ý muốn, hoặc tự nó áp đặt
trong tâm. Nó hình thành từ từ hoặc nhanh như chớp, một cách lén lút hoặc công
khai, nhưng bao giờ cũng đi trước tham dục, bởi vì đối tượng của nó phải được
phản chiếu trong những suy nghĩ của chúng ta. Ta chỉ có thể mong muốn và duy
trì một cảm giác chừng nào ta còn thấy nó dễ chịu. Hiểu rõ tiến trình này khiến
chúng ta có khả năng kiểm soát diễn biến của quá trình đối thoại nội tâm do
tham dục gây ra.
Quan điểm này của đạo Phật gần
gũi với những quan điểm của các ngành khoa học về nhận thức. Theo Aaron Beck,
một trong những người sáng lập ra ngành nhận thức trị liệu, những cảm xúc bao
giờ cũng do nhận thức gây ra chứ không phải ngược lại. Nghĩ tới một người hấp
dẫn sẽ khiến ta ước ao, nghĩ về một mối hiểm họa sẽ tạo ra cảm giác sợ hãi,
nghĩ đến mất mát sẽ làm ta thấy buồn bã và nghĩ rằng giới hạn đã bị vi phạm
khiến ta nổi giận. Khi cảm nhận được một trong những cảm xúc trên, ta sẽ không
mấy khó khăn xác định ra căn nguyên của chuỗi suy nghĩ đã đưa tới cảm xúc đó.
Theo Seligman: “Cách đây 30 năm,
ngành tâm lý nhận thức đã làm được một cuộc cách mạng lật đổ cả Freud và những
người theo chủ nghĩa hành vi, ít ra là trong các giới kinh viện […]. Thật vậy,
theo lý thuyết cổ điển của Freud, chính các cảm xúc quy định nội dung suy
nghĩ”. Quan điểm này có thể chính xác trong các trường hợp khủng hoảng tâm lý
(những trường hợp này thoạt nhìn tưởng như vô lý), khủng hoảng lo âu mãn tính,
khủng hoảng do sợ hãi nặng nề, chúng là sự thể hiện của những hình ảnh được tạo
thành trong quá khứ. Tuy vậy, những khuynh hướng trên có được là nhờ quá trình
con người tích tụ những hình ảnh và suy nghĩ.
Nói chung, ngay khi khởi lên
trong tâm, những hình ảnh tâm thức gắn với một ham muốn và con người tìm cách
thỏa mãn hoặc đè nén nó. Trong trường hợp đầu, quyền làm chủ bản thân bị bỏ
rơi; còn trong trường hợp sau, xung đột nổ ra. Đè nén gây ra xung đột nội tâm
luôn luôn là nguồn gốc gây khổ. Trái lại, chọn cách thỏa mãn tức là tự nhủ:
“Phức tạp quá làm gì? Hãy thỏa mãn lòng mong ước của chúng ta và thế là xong
chuyện”. Vấn đề là toại nguyện chỉ mang tính chất tạm thời. Những hình ảnh tâm
thức mà lòng tham dục không ngừng tạo ra lại tái xuất hiện rất nhanh. Càng thỏa
mãn nó, những hình ảnh kia xuất hiện ngày càng nhiều, choáng hết cả tâm trí và
trở nên trói buộc chúng ta. Như vậy, chúng ta đã làm phát khởi cơ chế tự đốt
cháy tham vọng: càng uống mặn, ta càng khát. Sự lặp đi lặp lại liên tục các
hình ảnh trong tâm thức dẫn tới thói quen và sự phụ thuộc cả về thể chất lẫn
tinh thần. Ở điểm này, trải nghiệm về tham dục được cảm nhận giống như một
trạng thái phụ thuộc hơn là mãn nguyện. Chúng ta đã bị mất tự do.
Một ví dụ dễ hiểu hơn là khi ta
bị ngứa. Theo bản năng, ta gãi cho đỡ ngữa. Chắc chắn là ta dễ chịu ngay lúc
gãi, nhưng chỉ một lát thôi, các ngứa còn tăng hơn bao giờ hết và rút cục, ta
gãi tới bật máu. Người ta lẫn lộn giữa làm cho nhẹ đi và chữa khỏi. Khi ta
quyết định không gãi nữa, mặc dù đang rất muốn gãi, không phải bởi vì gãi là
“xấu”, mà bởi vì ta đã có kinh nghiệm rằng làm chảy máu là khó chịu và mặc cho
cơn ngứa dịu đi, ta sẽ không phải hứng chịu đau đớn.
Như vậy, ở đây không phải là một
sự đè nén có hại, cũng không phải là vấn đề phong tục tập quán, mà là một hành
động thông minh, cho thấy con người đã ưa lựa chọn trạng thái an lạc lâu dài
hơn trạng thái xen lẫn giữa dễ chịu và đau đớn. Đó là một phương pháp thực dụng
dựa trên cơ sở phân tích và qua thực tế. Ngài Long Thọ (Nagarjuna), triết gia
Phật giáo Ấn Độ ở thế kỷ thứ hai, đã tóm tắt tiến trình trên như sau: “Gái lúc
ngứa thì tốt, nhưng không ngứa nữa mới hạnh phúc làm sao! Thỏa mãn dục vọng là
tốt, song hạnh phúc còn lớn biết chừng nào khi được giải phóng khỏi mọi dục
vọng”. Cản trở lớn nhất của sự tự do này chính là thái độ chống cự của con
người trước mọi hình thức thay đổi nội tâm đòi hỏi phải nỗ lực. Người ta vẫn
thích nói thẳng ra rằng: “Thà để tôi gãi luôn còn hơn”.
Chúng ta có thể trở nên quan tâm
hơn đối với cách thức hình thành những hình ảnh trong tâm thức, hiểu biết và
làm chủ được sự tiến triển của chúng. Sự đè nén hoặc thỏa mãn chỉ được tiến
hành khi dục vọng lên cao tới mức có nguy cơ biến thành hành động. Song nếu các
hình ảnh trong tâm thức tự hình thành và tự biến đi thì không có gia tăng cường
độ hay đè nén. Khi sức mạnh của các hình ảnh trong tâm suy giảm, ta sẽ không
còn bị phụ thuộc vào tham dục nữa, và tình trạng đó được giữ vững trong một
thời gian dài, không cần đến sự kìm hãm nào cả. Một vài hình ảnh vẫn còn khởi
lên, nhưng đó chỉ là những tia yếu ớt thoáng qua trong không gian tâm thức.
Từ tham dục tới sự ám ảnh
Dục vọng ám ảnh thường kèm theo
đam mê, có tác động tiêu cực đến tình cảm quý mến, thương yêu, niềm vui đón
nhận và chia sẻ cuộc đời với người khác. Nó ngược lại với tình yêu vị tha bởi
vì nó là thói vị ngã bệnh hoạn, chỉ biết yêu thương bản thân mình, hoặc tồi tệ
hơn, tìm cách xây dựng hạnh phúc của mình trên khổ đau của người kia. Kiểu dục
vọng này chỉ muốn sở hữu và kiểm soát những người, những vật và những trường
hợp mà nó cho là hấp dẫn. Nó cho rằng lòng tham dục là một thuộc tính của một
người cụ thể nào đó mà đối với người này, nó thổi phồng cái hay và xem nhẹ điều
dở. Anatole France
đã lưu ý: “Dục vọng đậu đôi cánh lửa của mình vào vật nào thì vật đó liền đẹp
hơn lên”.
Say mê lãng mạn chính là một ví
dụ của kiểu mù quáng này: “Một tình yêu mạnh mẽ, độc đoán và ám ảnh. Một loại
tình cảm khốc liệt, làm ảnh hưởng xấu tới sự xét đoán” như từ điển Petit Robert
định nghĩa. Được nuôi dưỡng bằng những tưởng tượng phóng đại và những ảo vọng,
tham dục bướng bỉnh muốn rằng vạn vật phải khác với bản chất của chúng. Giống
như một ảo ảnh, đối tượng được lý tưởng hóa của nó là cái gì đó không thể nắm
bắt được và bản chất là làm cho người ta thất vọng.
Stendhal chẳng đã nói: “Đam mê có
thể đem ra so sánh với xổ số: đó là trò bịp hiển nhiên và một thứ hạnh phúc mà
những kẻ điên rồ tìm kiếm”. Chúng ta không ngạc nhiên khi Đức Dalai Lama xem
tình yêu lãng mạn là “không thực tế lắm”, và Ngài nói thêm: “Đó đơn thuần là ảo
tưởng, không xứng đáng với những nỗ lực mà người ta dành cho nó”. Một số người
khác nói mạnh hơn, như Christian Boiron chẳng hạn, cho rằng: “Tình yêu lãng mạn
với đoàn tùy tùng của nó là say mê (đấu tranh), buồn bã (ức chế), thậm chí ghen
tuông (chạy trốn) hoàn toàn nằm trong lĩnh vực bệnh lý”.
Còn thèm muốn tình dục thì sao?
Boiron giả định rằng “sự hấp dẫn về tính dục không có tính chất bệnh lý, cũng
không phải là một cảm xúc, mà chỉ là biểu hiện một ý muốn bình thường, như đói
hay khát”. Nhưng cũng chính say mê tình dục đã đánh thức những cảm xúc mãnh
liệt nhất trong chúng ta, bởi vì nó lấy sức mạnh từ năm giác quan (mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân) bị tác động cùng một lúc bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc chạm.
Khi không có tự do nội tâm, mọi trải nghiệm mạnh mẽ của các giác quan đều gây
ra hàng loạt những bám chấp và bao giờ cũng trói buộc chúng ta hơn nữa. Tựa như
một chỗ nước xoáy nhỏ trên dòng suối vậy: ta không chú ý gì tới nó và nghĩ rằng
có thể dễ dàng bơi qua, song khi dòng xoáy dữ dội hơn, ta sẽ bị nó hút vào
không cách gì cứu vãn nổi. Người biết giữ gìn tự do nội tâm trọn vẹn thì cảm
nhận được tất cả những cảm giác đó ngay trong giây phút hiện tại, trong niềm an
lạc của một tâm thức đã vượt lên mọi chấp thủ và mong đợi.
Sự gay gắt của cường độ và tần số
những hình ảnh trong tâm thức gây ra dục vọng ám ảnh. Như một đĩa nhạc bị lỗi,
nó lặp đi lặp lại không biết chán cùng một điệp khúc. Đó là sự tập trung của vũ
trụ tâm thức, làm mất đi tính uyển chuyển, linh hoạt khiến tự do nội tâm bị
đông cứng lại. Mỗi thành phần trong vũ trụ của chúng ta đều trở thành đau khổ,
mỗi khoảnh khắc sống tựa như bị dằn vặt, đớn đau, mỗi sự kiện đều khiến các
xung đột gay gắt hơn và thắt chặt thêm những gông cùm trói buộc chúng ta.
Alain tuyên bố: “Thay vì ngủ, cậu
si tình bị bạc đãi quằn quại trên giường, suy tính cách trả thù tàn bạo. Anh ta
còn biết làm gì khác nữa trong nỗi đau khổ nếu không nghĩ về quá khứ cũng như
về tương lai? Cái anh chàng đầy tham vọng đang phải nếm mùi thất tình này biết
tìm ở đâu nỗi đau của mình, nếu không phải là trong quá khứ mà anh ta làm cho
sống lại, hoặc trong tương lai mà anh ta tưởng tượng ra”.
Những ám ảnh đó trở nên rất đau
đớn khi không được thỏa mãn và được củng cố thêm trong trường hợp ngược lại. Vì
vậy, vũ trụ ám ảnh là một thế giới trong đó những tâm trạng thúc bách xen lẫn
các trạng thái bất lực. Chúng ta bị rơi vào những khuynh hướng và những xung
năng chằng chịt, khiến cho ta bị ám ảnh, làm cho ta đau đớn. Một trong những
tính chất khác của ám ảnh là sự bất mãn cùng cực do nó gây ra. Nó không biết
tới niềm vui, càng không biết gì về trạng thái an lạc.
Điều đó không thể khác được, bởi
vì nạn nhân của sự ám ảnh cố tìm cách để thỏa mãn trong những tình huống chính
là nguyên nhân gây ra khổ đau cho mình. Kẻ nghiện hút càng ngày càng phụ thuộc,
kẻ say xỉn tới mức mê sảng, kẻ thất tình ngắm ảnh người yêu từ sáng đến tối, kẻ
ghen tuông nghiền ngẫm những tình huống khiến hắn giận hơn. Ám ảnh gây ra một
tình trạng đau khổ triền miên và lo âu, trong đó pha trộn cả ham muốn và chán
chường, bất mãn và mệt mỏi. Nó khiến con người “bám chặt” vào những nguyên nhân
gây khổ.
Đáng lưu ý là theo các công trình
nghiên cứu não bộ, không phải lúc nào cũng chỉ có những vùng não và những đường
dây thần kinh nhất định nào đó làm việc khi ta cảm thấy “nhu cầu” hoặc “yêu”
một cái gì đó. Điều này giải thích vì sao khi đã quen với một số dục vọng nào
đó, ta có thể trở nên bị phụ thuộc: ta lại tiếp tục có nhu cầu thỏa mãn chúng
ngay cả khi không còn thích cảm giác đó nữa. Và thế là ta đi tới chỗ không yêu
thích mà vẫn muốn. Tuy nhiên, người ta vẫn thích thoát khỏi sự ám ảnh bởi vì nó
gây khó chịu khi bắt con người vẫn phải muốn cái đã không còn làm mình thỏa mãn
nữa. Cũng vì những lý do đó, người ta cũng có thể yêu thích một vật gì, hoặc
một ai đó, nhưng không phải vì thế mà cảm thấy thèm muốn.
Phân biệt giữa nhu cầu và hạnh
phúc được minh họa một cách phóng đại bằng cách bẫy chó sói của những thổ dân
Bắc cực. Họ cắm phập dao vào trong tuyết để phần lưỡi dao rất sắc nhô lên. Khi
chó sói bắt đầu liếm lưỡi dao, lưới chúng bị đứt và máu chảy ra. Càng liếm,
chúng càng mất máu nhiều hơn cho tới chết.
Theo mạch tư tưởng trên, các nhà
nghiên cứu khoa học đã cấy những điện cực vào những vùng gây hưng phấn trên não
chuột. Các chú chuột có thể chạm vào một cái cần để kích vào điện cực. Cảm giác
thích thú mạnh đến mức, rất nhanh chóng, chúng bỏ mọi hoạt động khác, kể cả ăn
uống và tính dục. Đi tìm cảm giác kia đã trở thành cơn khát không sao dịu đi
được, thành một nhu cầu không thể kiểm soát nổi, và lũ chuột cứ nhấn vào chiếc
cần kích điện cho tới lúc kiệt sức và chết.
Dục vọng, tình yêu và sự bám chấp
Làm thế nào để phân biệt được
tình yêu đích thực với sự gắn bó mang tính sở hữu? Tình yêu vị tha có thể được
so sánh với tiếng vang trong trẻo của một chiếc ly bằng pha lê, còn chấp thủ
lại như ngón tay đặt lên miệng ly và làm tắt ngấm tiếng vang đó. Phải thừa nhận
rằng khái niệm yêu mà lại không bám chấp là một quan niệm khá xa lạ đối với tâm
tính của người phương Tây. Không gắn bó không có nghĩa là yêu người kia ít đi,
mà có nghĩa là về cơ bản, ta không bị bận tâm tới tính vị ngã thông qua cái mà
ta cho là mối tình hiến tặng người kia.
Tình yêu tha nhân là niềm vui
được chia sẻ cuộc sống với những người xung quanh ta, với bạn bè, vợ chồng,
người thân và khiến họ hạnh phúc. Ta yêu họ vì họ là như vậy, chứ không phải
thông qua lăng kính méo mó của tính vị ngã. Thay vì gắn bó với người kia, chúng
ta có liên quan tới hạnh phúc của họ; lẽ ra muốn sở hữu người kia, chúng ta cảm
thấy có trách nhiệm về sự bình yên của họ; lẽ ra lo âu chờ đợi người kia ban
phát cho điều gì, chúng ta vui vẻ đón nhận tình yêu thương lẫn nhau nơi họ.
Rồi dần dần, chúng ta cố trải
rộng hơn nữa tình yêu thương đó. Cần phải có khả năng yêu thương tất cả mọi
chúng sinh, không điều kiện. Đòi hỏi yêu thương kẻ thù có phải là điều quá đáng
không? Điều này dường như là việc không thể làm được. Tuy thế, nó được đặt cơ
sở trên một nhận xét rất giản đơn: tất cả mọi người, không trừ ai, đều mong
muốn tránh khổ đau và được hạnh phúc. Tình yêu tha nhân đích thực là mong muốn
biến ước mong ấy thành hiện thực. Nếu yêu thương người khác lại chỉ phụ thuộc
vào cách họ đối xử với mình thì không thể yêu thương được kẻ thù. Tuy thế, ta
vẫn có thể mong cho kẻ thù của mình hết khổ đau và được hạnh phúc.
Làm cách nào để hài hòa giữa tình
thương yêu vô điều kiện, không phân biệt nói trên và những mối quan hệ ưu tiên
với một số người trong cuộc sống? Hãy lấy mặt trời làm ví dụ! Vầng dương tỏa
sáng đều xuống muôn loài với cùng một độ sáng, cùng một nhiệt lượng và về mọi
hướng. Tuy thế, vì nhiều lý do khác nhau, có những người ở gần mặt trời hơn và
nhận được nhiều hơi ấm hơn. Song không một lúc nào, hoàn cảnh ưu tiên ấy lại
loại trừ điều gì. Mặc dù mọi so sánh đều có giới hạn, chúng ta vẫn cho rằng có
thể làm nảy sinh trong mình một lòng nhân hậu cao thượng đến mức có thể xem tất
cả mọi người như cha, mẹ, anh, chị, em hay như con cái của mình. Ở Nepal chẳng
hạn, người ta gọi tất cả những người phụ nữ hơn tuổi mình là “chị” và những
người ít tuổi hơn mình là “em”. Một tấm lòng nhân ái rộng mở, vị tha và quan
tâm đến người khác như thế chỉ có thể làm tăng tình yêu thương dành cho những
người thân của mình, làm tình cảm đó sâu sắc hơn, đẹp hơn lên.
Tất nhiên cũng cần phải thực tế:
chúng ta không thể biểu hiện một cách cụ thể và như nhau tình cảm và tình yêu
của mình với tất cả mọi người. Đối với một số người, chúng ta yêu thương nhiều
hơn so với những người khác. Nhưng không phải vì có mối quan hệ đặc biết với
bạn đời của mình mà phải đặt giới hạn cho tình yêu thương và mối đồng cảm mà
chúng ta có thể dành cho tất cả mọi người. Như thế, giới hạn ấy là một sự bám
chấp và sẽ gây tai hại vì nó hạn chế phạm vi bao la của tình thương đồng loại.
Mặt trời không còn tỏa chiếu xuống mọi hướng nữa mà chỉ còn một luồng ánh sáng
nhỏ nhoi.
Chấp thủ là nguồn gốc của khổ
đau, bởi vì tình yêu ích kỷ không ngừng bị vấp phải những rào cản mà chính nó
dựng lên. Thực ra, ham muốn sở hữu và độc quyền, ám ảnh và ghen tuông chỉ có
nghĩa trong vũ trụ khép kín của chấp thủ mà thôi. Tình yêu thương tha nhân là
cách thể hiện cao nhất bản chất của con người chừng nào bản chất này chưa bị ô
nhiễm, tối tăm và méo mó vì những thủ đoạn của bản ngã. Tình yêu tha nhân mở
cánh cửa đi vào nội tâm, không còn để chỗ cho vị kỷ và sợ hãi, nó giúp chúng ta
hoan hỷ khi cho và biết ơn khi nhận.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét