Nghi ngờ
Thật khó để tin rằng những gì chúng ta thấy trong giây phút hiện tại đều
không đúng như chính đối tượng ấy đang là. Đó là lời cảnh báo của khoa
học. Chúng ta có đức tin rất lớn nơi những thành tựu khoa học, nhưng
khoa học vẫn tự nhận mình còn rất nhiều hạn chế, nhất là sự hoang mang
đến khủng hoảng về bản thể học (ontology) của thế giới chúng ta. Khoa
học chưa biết một cách chính xác bản chất của mọi hiện tượng thực ra là
gì, chúng hội tụ đủ những điều kiện nào để biểu hiện.
Immanuel Kant, triết gia người Đức, đã phát biểu: “Cái mà chúng ta biết
về thực tại là do chúng hiện lên đúng như trình độ mà chúng ta thấy về
nó. Thực tại là chính nó, chúng ta không bao giờ biết được với tính chất
của hiểu biết khoa học”. David Bohm, một nhà lượng tử xuất sắc của Mỹ,
cũng đồng thuận ý kiến trên và bổ sung rằng: “Các hạt điện tử mà chúng
ta (các nhà khoa học nhìn thấy chợt ẩn chợt hiện và thay đổi cấu trúc
liên tục, là do chúng bị điều khiển bởi trường lượng tử (quantum
potential)”. Theo đây thì trường lượng tử của David Bohm phải có chứa
tâm thức, không bị giới hạn bởi không gian và tác động lên nhau tức thì.
Như vậy, những gì mà ta cho là đúng đắn thì chúng chỉ có giá trị tương
đối trong nhận thức của con người mà thôi. Và cái đúng ấy lại bị giới
hạn thêm một lần nữa bởi trình độ mỗi người và cả sự biến dịch của thời
gian. Vì thực tại luôn vận động và liên kết, còn ta lại chủ trương cố
định và biệt lập. Cũng như hiểu biết của ta về dòng sông chắc chắn khác
xa với hiểu biết của con cá. Và một người đang “khát cháy” nhìn dòng
sông cũng không giống với một người đang ngồi trên du thuyền, hay một
người muốn kinh doanh thủy điện.
Thi sĩ nào đó đã cho rằng: “Chỉ có dòng sông mới hiểu được mình“. Nhưng
cũng chưa chắc. Chính ta đây cũng đâu hiểu về mình bao nhiêu. Lúc thương
ta thấy khác, lúc ghét ta thấy khác, lúc vui ta thấy khác, lúc buồn ta
thấy khác. Cái thấy của một nghệ sĩ tất nhiên rất khác với cái thấy của
một doanh nhân; cái thấy của một nhà tâm linh cũng rất khác với cái thấy
của một nhà chính trị. Vậy đâu mới là cái thấy đúng đắn nhất? Không có
cái thấy nào đúng đắn nhất cả. Sống giữa thế giới tương đối thì ta phải
chấp nhận cái thấy tương đối. Đó cũng là lý do tại sao ta chỉ có được
hạnh phúc tương đối – thứ hạnh phúc luôn bị điều kiện hóa. Chỉ khi nào
ta có khả năng vượt thoát chính phiền não được bảo vệ bởi cái tôi hiểu
lầm là biệt lập này, để chấp nhận vạn vật trên khắp vũ trụ đều là thân
mạng của mình, thì chừng ấy ta mới có được tầm nhận thức siêu việt và
đúng với thực tại.
Nhưng nhìn đúng bản chất thực tại để làm gì? Đó có phải là vấn đề viển
vông hay công việc riêng của khoa học không? Không. Mục đích của khoa
học cũng nhằm phục vụ cho hiểu biết của con người, giúp cho con người
ngày càng tiến gần hơn với sự vận hành của vũ trụ. Dù ta đang quá bận
rộn với cuộc sống, ta không có ý muốn tìm hiểu bản thể học của thế giới
này làm gì, nhưng sự thật là chính ta và mọi thứ xung quanh ta đều nằm
trong quỹ đạo của nhân quả và duyên sinh vô cùng kỳ bí ấy. Nên càng ít
hiểu biết về chân lý ta càng phí tổn năng lực để tranh đấu cho những thứ
vận hành trái nghịch với tự nhiên. Càng trái nghịch với tự nhiên sẽ
càng mau chóng tàn hoại. Đó là cội nguồn của mọi đau khổ.
Ấy vậy mà ta luôn tự cho mình là tài giỏi, đã hiểu biết tất cả, có thể
nắm tương lai và hạnh phúc trong bàn tay. Có được bằng tiến sĩ thì sao?
Kiến thức ấy có thể giúp ta biết cơn giận dữ từ đâu tới và được điều
khiển bởi những nguồn lực nào không? Những hiểu biết về thế giới nội tâm
của ta có phải là vấn đề phi thực tế không? Nó có ảnh hưởng trực tiếp
đến phẩm chất đời sống của ta không? Hy sinh chừng ấy năm trời chỉ để
nắm bắt những thứ còn nằm trong sự may rủi của hoàn cảnh thì chẳng oan
ức lắm sao? Oan ức hơn nữa là sống giữa cái giả mà ta ngờ là thật, hay
sống giữa cái thật mà ta cứ nghĩ là giả.
Từ chối sự thật
Truyện cổ Phật giáo Ấn Độ có kể một câu chuyện rất thương tâm. Có một
người thương buôn nọ rất giàu có, nhưng vợ chết sớm và để lại cho ông
một đứa con trai. Vì bận rộn việc mua bán ở phương xa, nên ông đành phải
nhờ những người làm trong nhà chăm sóc con mình. Một hôm bọn cướp ập
tới đốt phá làng, khiến nhiều người mất mạng trong trận hỏa hoạn ấy.
Biết con trai mình cũng kẹt trong đám cháy, vị thương buôn ấy đã ngất
đi. Sau khi hỏa tán xong, ông ấy lấy chút xương tro của đứa con bỏ vào
trong túi gấm. Đi đâu ông cũng mang theo bên người, đêm nào cũng lấy ra
kể lể than khóc.
Bỗng đêm kia, bên ngoài có tiếng đứa bé xưng là con của ông. Nhưng ông
lại nghĩ đó là ma hay bọn con nít trong làng đến chọc phá, nên kiên
quyết không mở cửa. Thật ra, đứa con ông chỉ bị bọn cướp bắt về rừng,
còn đứa bé bị cháy đen mà ông đã thương khóc là một đứa bé khác trong
làng. Nhưng mãi mãi ông không bao giờ biết được sự thật ấy khi sự nghi
ngờ và cố chấp trong ông đã đóng bít cửa trái tim và đẩy đứa con của
mình ra đi trong tuyệt vọng.
Cuộc sống luôn có những câu chuyện từa tựa như thế. Có khi chân lý đã
đến gõ cửa rồi mà ta cũng không chịu mở cửa. Bởi ta vẫn tin chắc những
nhận định của mình là hoàn toàn đúng đắn. Đó là thái độ cố chấp, bám
chặt vào những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cũ kỹ để nhìn vào thực
tại mới mẻ. Trong chừng mực nào đó, dĩ nhiên, kiến thức và kinh nghiệm
tích lũy là thứ tài sản quý báu của con người. Nhưng nếu ta không biết
sử dụng nó một cách đúng đắn và hợp lý, thì nó sẽ trở thành những bức
tường vĩ đại định kiến và thành kiến để ngăn cách ta với sự thật. Trong
khi mọi sự mọi vật không ngừng vận động và biến đổi. Dù nhìn tướng trạng
bên ngoài ta thấy không có gì khác so với trước kia, nhưng thật sự là
chúng đã không còn y nguyên như tất cả những gì ta hiểu về chúng.
Cho nên, bám chặt vào hiểu biết của mình mà không dám mở lòng ra để khám
phá và học hỏi thêm, tức là ta đã tự đào thải mình ra khỏi sự vận hành
tự nhiên của cuộc sống. Tuy ta đang có mặt với thực tại, nhưng ta đã
đánh mất thực tại.
Bóng tối nghi ngờ
Khi không hiểu được sự thật thì ta dễ phát sinh thái độ nghi ngờ như một
loại phản ứng bảo vệ cái tôi ích kỉ của mình. Bởi hầu hết những nghi
ngờ của ta đều cho rằng người kia có thể là kẻ xấu, chứ ít khi nào ta
nghi ngờ ngược lại. Trong khi bản chất của sự nghi ngờ chỉ là thái độ
thắc mắc, suy đoán, hay thử đặt ra những giả thuyết khác có thể xảy ra.
Nếu đó cũng là cơ hội tốt để ta bắt tay vào công trình khám phá thêm sự
thật về đối tượng ấy. Nhưng thói quen “kinh điển” của ta là khi nghi ngờ
điều gì thì hầu như ta tin chắc đó là sự thật, không muốn tìm hiểu hay
khám phá thêm nữa.
Thậm chí, khi được cung cấp những thông tin có cơ sở chứng minh rõ ràng
để giúp ta hiểu đúng đắn hơn về đối tượng ấy, thì ta cũng không dễ dàng
mở lòng ra tiếp nhận. Ta luôn nghi ngờ: “Dò sông dò biển dễ dò/ Nào ai
lấy thước mà đo lòng người”. Ta biến lời nhắc nhở nên cẩn thận khi đặt
niềm tin thành câu thần chú bất di bất dịch để che đậy sự sợ hãi, yếu
đuối và thiếu trách nhiệm của mình. Thế nên, có khi sự thật hiện bày sờ
sờ ra đó nhưng ta lại chìm đắm trong những vọng tưởng miên man, rồi rơi
vào những nhận thức và phán xét sai lệch.
Càng sống trong điều kiện tiện nghi thì nội lực của ta càng yếu kém. Khả
năng quan sát tinh tường để quyết đoán đúng sai hay thật giả của ta
không còn nhạy bén như xưa nữa. Ta đã đặt đời sống của mình ở bên ngoài
quá nhiều, hy vọng điều kiện hạnh phúc từ những đối tượng khác quá lớn,
nên lúc nào ta cũng lo sợ nghịch cảnh sẽ ập tới. Nếu ta từng bị lừa dối,
từng lăn xả trong chốn thương trường hay hoạt động chính trị, thì trong
ta rất dễ hình thành thói quen cảnh giác với tất cả mọi đối tượng, dù
với những người thân yêu. “Không có lửa thì làm sao có khói“, ta vẫn
thường dùng hình ảnh này để giải mã mọi vấn đề. Trong khi thực tế không
có vấn đề nào giống vấn đề nào. Cũng như khói không nhất thiết phải sinh
ra từ lửa, vì ngay cả khí lạnh cũng có thể sinh ra khói kia mà.
Ngay khi người kia không có một tín hiệu nào khả nghi cả, họ rất tốt và
dễ thương, ta biết rõ điều ấy nhưng ta vẫn không cưỡng lại nổi cố tật
nghi ngờ của mình. Ta nghĩ thà nghi lầm còn hơn tin lỡ. Đó là một sai
sót rất lớn của cơ chế tâm lý. Nếu không chữa trị thì sớm muộn gì nó
cũng chuyển sang mức độ nặng hơn như là phán xét hay vu khống. Trong khi
một người có nội lực vững vàng thì không bao giờ nghi ngờ người khác
làm điều xấu với mình. Vì họ có đủ sức ứng phó một cách bình thản trước
mọi biến động.
Lỡ như những nghi ngờ của ta hoàn toàn đúng với sự thật thì sao? Ta mong
muốn kết quả nào? Dường như ta đang cố gắng phanh phui những điểm yếu
hay những vụng về lầm lỡ của người kia, để ta tránh xa hoặc cổ vũ người
khác tẩy chay họ, chứ không phải để hiểu và thương họ hơn. Phần lớn
những nghi ngờ của ta đều nhằm vào mục đích thỏa mãn bản ngã, dù có khi
ta nhân danh tập thể hay cộng đồng nào đó để lên tiếng. Vậy có khi nào
nhân danh đạo đức hay tình nhân ái mà ta chú ý đến những cái hay cái đẹp
để ca ngợi, còn những biểu hiện khả nghi kia ta vẫn im lặng quan sát và
tìm cách giúp đỡ không? Tại sao ta không giữ thái độ tôn trọng người ấy
dù ta đang có vài nghi ngờ về họ? Tại sao ta không tự hỏi do người ấy
rất đáng để ta nghi ngờ hay tại ta mắc chứng bệnh nghi ngờ quá nặng? Tại
sao ta không dám đứng ra xin lỗi người ấy khi phát hiện ra mình đã nghi
oan cho họ? Thế nên, nghi ngờ thường chỉ làm cho ta yếu đuối và hèn
nhát hơn mà thôi.
Ta không hề biết rằng mỗi khi phát sinh ý niệm nghi ngờ kẻ khác, dù họ
có xấu thật hay không thì trong tâm ta đã tạo ra một nguồn năng lượng
rất độc hại. Nó vừa đốt sạch năng lượng ăn lành trong ta, vừa khiến ta
đánh mất cơ hội tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm. Bởi vì lúc nào ta cũng
bận tâm tìm kiếm thêm chứng cớ. Dù ta chưa thốt ra lời nói hay hành động
nào để thể hiện sự nghi ngờ, nhưng một khi ta đã hướng tâm tới người
kia để gửi sự nghi ngờ tức là ta đã gửi đi một năng lượng xấu. Đúng hơn
là ta nợ họ một cảm xúc xấu. Theo quy luật “cân bằng cảm xúc” thì họ sẽ
tìm cách trả lại ta một cảm xúc xấu tương ứng, nếu họ nhận ra sự nghi
ngờ của ta có tính chất xấu. Còn không, vũ trụ cũng sẽ nhờ đối tượng
khác trả lại ta một cảm xúc xấu khác. Tệ hại nhất là ta lỡ nghi oan cho
một bậc nhân từ, đức hạnh – nơi quy tụ vô số năng lượng an lành của vũ
trụ – thì hậu quả sẽ khôn lường. Đó là món nợ cảm xúc khổng lồ, ta và
con cháu ta nhiều đời mới trả hết.
Cho nên, đừng bao giờ dễ dãi buông ra sự nghi ngờ. Hãy tập tự hối tâm
hoặc bày tỏ sự ăn năn trực tiếp khi phát hiện ta mình đã lỡ nghi oan cho
ai đó để hóa giải phần nào hậu quả.
Thật ra, nghi ngờ đôi khi là thái độ rất cần thiết. Trong truyền thống
thiền tập, các thiền sinh phải tự biết đặt nghi vấn về chính phiền não
của mình hay mọi hiện tượng xảy ra ngay trước mắt mà không được tin
tưởng tuyệt đối vào kinh nghiệm thành công của những bậc thầy đi trước.
“Đại nghi đại ngộ” – nghi ngờ càng lớn giác ngộ sẽ càng lớn. Vì càng
nghi ngờ thì sức khám phá càng mạnh mẽ, càng bỏ lại sau lưng những cái
thấy đã bị đóng khung. Khi nào bí lắm thiền sinh mới nhờ tới trợ lực của
thiền sư bằng những câu hỏi đã được chắt lọc rất kỹ. Nhưng một vị thiền
sư đúng nghĩa thì ít khi nào cho một giải đáp rõ ràng cụ thể. Thậm chí,
những gọi mở của thiền sư thường rất “lạc quẻ” để đập tan thái độ nhút
nhát muốn dựa vào sự hiểu biết của kẻ khác, hoặc để buộc thiền sinh phải
ngưng ngay câu hỏi có tính lý thuyết vô bổ ấy. Cuối cùng, thiền sinh
cũng phải chịu khó đối đầu với bức tường nhận thức cũ rích và phiền não
của chính mình để tìm lời giải đáp.
Một thiền sinh đúng nghĩa luôn có trách nhiệm với nghi ngờ của chính
mình, khi đã đặt ra là phải xông pha đi tìm câu trả lời đúng đắn, chứ
không phải là quăng ra bỏ đó rồi năm mười năm sau cũng vẫn còn y nguyên
như vậy. Cái nghi vấn của thiền sinh luôn nằm trong sự thao thức, nhưng
đầy tự do. Nó hoàn toàn khác biệt với căn bệnh nghi ngờ để bảo vệ cái
tôi yếu đuối, sợ hãi, vô trách nhiệm của những kẻ có sở thích tìm lỗi
lầm ở người khác.
Thắp sáng ngọn đèn thiền
Giữ tâm mãi linh thiêng
Nhìn đời bằng chính kiến
Thấu suốt cõi lòng đêm.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét